Những triệu phú áo xanh

Thứ 4, 23/03/2016 | 09:21:37
877 lượt xem

“Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với thanh niên Việt Nam luôn được các thế hệ thanh niên trên mọi miền đất nước ghi tạc. Trong công cuộc dựng xây đất nước, họ luôn là lực lượng xung kích trong mọi hoạt động từ các phong trào tình nguyện, xây dựng đời sống văn hóa đến phát triển kinh tế. Với bản lĩnh của tuổi trẻ, giàu nghị lực, không sợ khó, sợ khổ, biết nắm bắt thời cơ, nhiều đoàn viên thanh niên Thái Bình là chủ các mô hình kinh tế với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm và trở thành những triệu phú thanh niên tiêu biểu.

Đoàn viên Lưu Thị Tỉnh ( thứ nhất bên trái) bên mô hình cây chùm ngây.

Vùng trồng dược liệu của công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Thái Hưng do vợ chồng thanh niên trẻ Lưu Thị Tỉnh được quy hoạch tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ. Màu xanh bạt ngàn của chùm ngây chạy  dọc, phủ kín hơn 9 ha đất ven sông Luộc là thành quả sau bao cố gắng, nỗ lực vượt khó lập nghiệp của vợ chồng trẻ.

Cách đây 3 năm, trên chính mảnh đất này, chị Tỉnh đầu tư cải tạo đất để trồng các cây dược liệu như diệp hạ châu, ích mẫu, bông lá đề  bán cho các công ty dược. Tuy nhiên, kinh nghiệm thiếu, thời tiết không thuận lợi nên năm đầu vợ chồng chị bỏ ra mà không có thu. Chị Lưu Thị Tỉnh (xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ) chia sẻ: “ Bản thân mình nghĩ đất phì nhiêu như thế này thì trồng cây gì cũng được. Vợ chồng mình trồng diệp hạ châu, ích mẫu là những cây mà gieo rắc ra chứ không trồng hàng nối hàng. Đất màu mỡ, cỏ dại phát triển che hết cây, cây không lên được nên năm đầu mất trắng, không thu được đồng nào”.

Mô hình sản xuất cây dược liệu khép kín của Đoàn viên Lưu Thị Tỉnh.

Khó khăn là thế nhưng điểm khác biệt ở những thanh niên trẻ như chị Tỉnh là ý chí, quyết tâm không bỏ cuộc. Chị tìm hiểu và đưa cây chùm ngây về trồng bên cạnh đinh lăng. Một phần diện tích chị quy lại để  trồng thêm các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như hoàn ngọc, xạ đen, cà gai leo... Sau ba lần thất bại, mô hình trồng cây dược liệu của vợ chồng chị Tỉnh đã thành công. Có động lực, hai vợ chồng chị bàn nhau thuyết phục người dân địa phương cho thuê lại diện tích đất nông nghiệp với giá 1 triệu đồng/sào/năm để mở rộng vùng sản xuất.

Đến nay, tổng diện tích trồng dược liệu của gia đình chị Tỉnh lên đến hơn 20 ha với nhiều loại dược liệu quý. Anh chị cũng đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất các loại trà từ chính nguyên liệu mình trồng ra. Các loại trà mang thương hiệu Thái Hưng đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, sản xuất thuận lợi không chỉ mang lại cho gia đình chị Tỉnh nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, trong đó, có cả những thanh niên trong vùng. Anh Nguyễn Đăng Hưng (xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ) cho biết: “Sau khi ra trường mình làm việc 7 năm ở Hà Nội. Một lần về quê, tình cờ biết đến công ty của chị Tỉnh, mình có đến xin việc và được anh chị đón nhận. Làm việc ở đây cũng được hơn một năm rồi, mình thấy công việc không có gì vất vả lại ổn định, đảm bảo được cuộc sống cho anh em.”

Không chỉ phát huy lợi thế đồng đất địa phương, nhiều thanh niên quyết tâm giữ nghề truyền thống và du nhập nhiều nghề mới, tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn. Nắm được nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng,  anh Ngọ Văn Thinh (xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ) đã chọn nghề làm chiếu tre để phát triển kinh tế. Lúc đầu, khi chưa có điều kiện để mua máy móc, anh chỉ nhận hạt chiếu từ các cơ sở sản xuất rồi về đan. Sau một thời gian, anh nhận thấy cách làm này không bền vững, khi không trực tiếp sản xuất được hạt chiếu, phải lấy từ các cơ sở sản xuất nên không chủ động được nguyên liệu. Và rồi anh quyết định đầu tư 450 triệu đồng để mua máy sản xuất hạt chiếu. Cùng với đó, anh đã chủ động học hỏi và cải tiến kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Mỗi tháng, cơ sở của anh Thinh cung cấp ra thị trường gần 1.200 chiếu tre các loại và hàng chục tấn hạt chiếu phục vụ nhu cầu sản xuất của các cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Tính ra một năm trừ chi phí, anh thu về trên 300 triệu đồng tiền lãi. Anh Ngọ Văn Thinh (xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ): “ Trong thời gian tới, tôi sẽ thay thế một số máy móc cũ để vượt công nghệ tạo ra những mặt hàng đẹp và vượt trội hơn nữa.”


Sản xuất chiếu tre của  anh Ngọ Văn Thinh.

Không có được sức khỏe như anh Ngọ Văn Thinh và anh Lại Văn Điệp (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) chọn cho mình một nghề để lập nghiệp- sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Ðây quả là quyết định táo bạo bởi công việc chạm khắc đồ gỗ mỹ nghệ  không  hề dễ, nhất là với anh, người chỉ có một bàn tay bình thường.  Nhưng sau nhiều năm lăn lộn khắp các làng nghề cả trong và ngoài tỉnh, anh trở về quê nhà tự mở xưởng sản xuất. Xưởng mộc với diện tích chưa đầy 50 m2 trước kia đã trở thành Công ty TNHH Ðồ gỗ mỹ nghệ bề thế với nhiều sản phẩm giá trị cao. Ngoài việc mở rộng quy mô và phát triển sản phẩm, anh còn nhận dạy nghề cho các lao động trẻ tại địa phương.

Đặc biệt, hàng năm anh Điệp đều tổ chức dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật trong và ngoài xã. Mỗi năm hàng chục người khuyết tật được anh đào tạo thành nghề. Tất cả đều có việc làm ổn định với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Lại Văn Điệp (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương): “Dù sản xuất hay kinh doanh bất cứ công việc gì , chúng tôi phải luôn nghĩ đến việc làm ra sản phẩm tiêu thụ đi đâu, thị trường cần những gì. Chính từ suy nghĩ đó đã giúp tôi tìm được đúng mong muốn của khách hàng”.

Điểm nổi bật của thế hệ trẻ hiện nay là sức trẻ, sự nhiệt huyết và tinh thần dám nghĩ, dám làm. Trên khắp các vùng quê, đâu đâu cũng có những mô hình kinh tế thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Thành công của những triệu phú trẻ là minh chứng khẳng định luôn có những cơ hội làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương và ngày càng có nhiều những cơ hội như thế trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn- Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình khẳng định : “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 167 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế với 500 mô hình thanh niên phát triển kinh tế hiệu quả. Trong những năm qua thì chúng tôi cũng đã duy trì giải thưởng Lương Định Của. Thái Bình luôn nằm trong tốp đầu những mô hình thanh niên phát triển kinh tế nông thôn đạt giải thưởng này.”

Thay vì chọn nơi phố thị có nhiều nhà máy, xí nghiệp để lập nghiệp, hiện nay, không ít thanh niên nông thôn đã quyết chí vươn lên làm giàu. Nhưng khó khăn lớn nhất mà thanh niên gặp phải là nguồn vốn và khoa học kỹ thuật. Đồng hành với thanh niên trong lập thân lập nghiệp, Đoàn thanh niên các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh luôn có những hỗ trợ trong hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật để tuổi trẻ Thái Bình có thể phát huy được tiềm năng và thế mạnh của mình.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn- Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình cho biết: “ Hiện nay, chúng tôi quản lý 170 tỷ vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhu cầu về vốn và điều kiện thế chấp cho thanh nien vay còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đang tích cực tham mưu cho tỉnh và đặc biệt nguồn vốn Trung ương Đoàn để làm sao có cơ chế thuận lợi nhất, nguồn vốn tốt nhất cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế tại địa phương

Sự thành công của những mô hình thanh niên phát triển kinh tế đã khẳng định vai trò, khả năng và sức trẻ hôm nay luôn là lực lượng xung kích, nhanh nhạy trong mọi lĩnh vực hoạt động. Từ đó, một lần nữa khẳng định, mọi con đường đều dẫn đến thành công, chỉ cần chúng ta biết cố gắng, có tinh thần học hỏi, có ý chí cầu tiến và có lòng quyết tâm.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...