Quy trình tạm thời nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn trong vùng dịch

Thứ 5, 30/04/2015 | 16:50:41
1,080 lượt xem

Những năm gần đây, các địa phương và người dân trong cả nước đang từng bước mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng; tuy nhiên theo khuyến cáo của Tổng cục Thủy sản, chỉ nên mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đối với những vùng nuôi tôm sú hiệu quả thấp và có điều kiện kết cấu hạ tầng phù hợp. Để hạn chế những rủi ro trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng, năm 2014 Tổng cục Thủy sản đã tổng kết kinh nghiệm nuôi tôm trong cả nước, trên cơ sở đó xây dựng quy trình tạm thời nuôi tôm thẻ chân trắng an toàn trong vùng dịch, khuyến cáo để người dân tham khảo và áp dụng.

I. ĐIỀU KIỆN NUÔI
- Cơ sở nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch.
- Kết cấu hạ tầng phải đáp ứng yêu cầu sản xuất như: Có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; có ao chứa xử lý nước cấp vào ao nuôi (20-25% diện tích ao nuôi), có ao xử lý chất thải, nước thải trước khi thải ra môi trường ngoài (10-15% diện tích ao nuôi); có điện lưới, máy nổ dự phòng; kho chứa thức ăn, kho chứa máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu và các công trình phụ trợ khác (nhà ở, nhà vệ sinh…).
- Đảm bảo các trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng như: Máy quạt nước, máy bơm nước, chài, vợt, cân, xô, chậu và các dụng cụ kiểm tra môi trường nước như pH, ôxy, NH3, H2S, độ mặn, độ kiềm và các thiết bị phụ trợ khác.



Sơ đồ mặt bằng hệ thống ao nuôi tôm


II. KỸ THUẬT NUÔI
1. Chuẩn bị ao nuôi
1.1. Cải tạo ao
Bước 1: Tháo cạn nước ao, loại bỏ rác tạp, địch hại, tu sửa bờ, cống, vét bùn đáy ao.
Lưu ý: Bờ ao phải đầm nén kỹ hoặc lót bạt để chống xói lở và hạn chế rò rỉ. Vây lưới xung quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian (cua, còng, …) vào ao truyền bệnh cho tôm.
Bước 2: Bón vôi nông nghiệp (CaCO3) với lượng 7-10 kg/100 m2.

Bước 3: Đối với ao nuôi, sau khi bón vôi phải được bừa kỹ để vôi ngấm xuống đáy ao, giải phóng khí độc (NH3, H2S) và trung hòa pH ao nuôi.
Bước 4: Đối với ao nuôi không lót bạt, tháo được kiệt nước, tiến hành phơi ao từ 20-30 ngày. Những ao ở vùng trũng, không tháo được kiệt nước, tiến hành bơm cạn đến mức tối đa có thể, dùng khùa và máy bơm áp lực lớn dồn bùn hữu cơ về một góc ao, dùng máy bơm hút chất thải sang ao xử lý rồi tiến hành bón vôi như bước 2.
Lưu ý: Sau mỗi vụ nuôi, phải tiến hành cải tạo, phơi khô nền đáy ao chứa, ao nuôi từ 1-2 tháng để ngắt vụ, diệt mầm bệnh, phục hồi môi trường nền đáy.
1.2. Chuẩn bị quạt nước
Tùy theo diện tích và hình dạng ao để bố trí máy quạt và cánh quạt nước cho ao nuôi tôm, có thể dùng cánh quạt nhựa, tốt nhất nên kết hợp cánh quạt nhựa với cánh quạt lông nhím để tạo được dòng chảy và cung cấp đầy đủ ôxy hòa tan cho tôm, vòng tua của cánh quạt nhựa nên > 120 vòng/phút, cụ thể bảng sau.

1.3. Chuẩn bị nước
Bước 1: Lựa chọn con nước có các yếu tố môi trường ổn định, lấy vào ao chứa qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác tạp, ấu trùng tôm, cua, còng, cá…
Bước 2: Chạy quạt nước liên tục từ 2-3 ngày để kích thích trứng tôm, cá nở hết.
Bước 3: Diệt khuẩn, diệt tạp trong ao chứa bằng một trong các hóa chất như: Chlorin lượng 20-30 ppm (2-3 kg/100 m3), KMnO4 lượng 0,2-0,5 kg/100 m2, BKC lượng 0,3-0,5 kg/100 m3, hợp chất Iodin lượng 0,1-0,3 lít/100 m3. Phương pháp và liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
 Lưu ý: Nếu sử dụng Chlorin, thì trước đó 3-5 ngày không nên sử dụng vôi và sau đó phải quạt nước liên tục từ 7-10 ngày để giải phóng khí Clo trong nước trước khi cấp vào ao nuôi. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Bước 4: Bơm nước đã được xử lý từ ao chứa lắng sang ao nuôi qua túi lọc để loại bỏ rác tạp.

1.4. Gây màu nước
Gây màu nước có tác dụng giúp sinh vật phù du phát triển, môi trường ổn định, hạn chế tôm nuôi bị sốc và tăng tỷ lệ sống của tôm.
- Phương pháp gây màu nước:
+ Sử dụng cám ủ với thành phần gồm mật đường + cám gạo + bột đậu nành theo tỷ lệ 3:1:3 được ủ trong 12 giờ; lượng dùng 0,3-0,5 kg/100 m3 nước ao. Thời gian bón xuống ao vào lúc 9-10 giờ sáng, liên tục trong 3 ngày. Khi nước có màu vàng nâu hoặc nâu nhạt tiếp tục cấp thêm nước sạch đạt mức tối đa rồi tiến hành thả giống.
+ Hoặc sử dụng phân gây tảo có bán trên thị trường để gây màu nước, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Lưu ý: Không sử dụng phân vô cơ để gây màu nước.
- Kết hợp bón vôi Dolomit và vôi nông nghiệp với lượng 2 kg/100 m3 vào ban đêm để ổn định độ kiềm.
- Sau khi gây màu nước, kiểm tra và điều chỉnh các yếu tố môi trường nước ao nuôi đảm bảo trong ngưỡng thích hợp trước khi thả giống, cụ thể tham khảo bảng sau.

2. Chọn và thả giống
2.1. Chọn giống
Người nuôi nên chọn tôm giống tại các cơ sở có uy tín, tôm bố mẹ cho sinh sản phải đảm bảo chất lượng theo quy định.
- Chọn tôm giống P12, có kích cỡ đồng đều, chiều dài 9-11 mm, màu sắc sáng, sắc tố rõ, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon dài, bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, đầu và thân cân đối. Tôm bơi khỏe ngược dòng, bám thành bể tốt, phản xạ nhanh, phụ bộ hoàn chỉnh, ruột đầy thức ăn, không có ký sinh trùng bám, không bị bệnh phát sáng. Có phiếu xét nghiệm âm tính về các bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng, Taura, hoại tử cơ (IMNV), hoại tử gan tụy …
- Kiểm tra sức khỏe tôm trước khi thả xuống ao nuôi bằng gây sốc Formol: Pha 2-2,2 ml Formol (46%) vào chậu chứa khoảng 10 lít nước chứa tôm. Thả 100 con tôm Post vào chậu, sau 1 giờ nếu tỷ lệ sống đạt > 95%, tôm hoạt động bình thường là tôm khỏe.
2.2. Thả giống
Trước khi thả giống nên chạy quạt nước từ 8-12 giờ để cung cấp ôxy hòa tan trong ao nuôi đạt trên 4 mg/l.
- Mật độ thả: 60-80 con/m2
- Cách thả: Thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát, thả túi tôm giống xuống ao nuôi để cân bằng nhiệt độ, sau đó cho nước từ từ vào bao chứa tôm rồi dốc nhẹ bao để tôm theo nước bơi ra ngoài.
- Vị trí thả: Thả đều các điểm trong ao.
3. Chăm sóc quản lý
3.1. Quản lý cho ăn
- Sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm tổng số từ 32-45%
Lưu ý: Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, không dùng thức ăn hết hạn sử dụng.
- Thời điểm và lượng thức ăn mỗi lần tham khảo bảng sau.

- Lượng thức ăn
+ Ngày đầu tiên cho tôm ăn 2 kg/100.000 con giống và trong thời gian 20 ngày đầu, cứ mỗi ngày tăng thêm 0,2 kg/100.000 con giống.
+ Từ ngày thứ 21, mỗi ngày tăng thêm 0,5 kg/100.000 con giống, kết hợp điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày qua theo dõi lượng thức ăn trên sàng (vó) ăn.


+ Từ ngày nuôi thứ 35 trở đi chỉ cho 70-80% lượng thức ăn theo yêu cầu.
Lượng thức ăn được điều chỉnh tùy theo điều kiện thực tế như: Sức khỏe tôm, chu kỳ lột xác, thời tiết và theo dõi qua sàng cho ăn hoặc kiểm tra chài khi tôm trên 20 ngày tuổi. Tránh để thức ăn thừa hoặc thiếu, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và sức khỏe của tôm.
Lưu ý:
+ Những ngày thời tiết mưa, nắng gắt, tôm lột xác chỉ cho 70-80% lượng thức ăn đã định. Tăng lượng thức ăn sau khi tôm lột xác xong.

+ Từ ngày thứ 10 trở đi, cho thức ăn vào sàng (vó) để tôm làm quen, thuận tiện cho việc kiểm tra nhu cầu tiêu thụ thức ăn của tôm. Sàng đặt cách bờ 1,5-2 m, sau cánh quạt nước từ 12-15 m, không đặt ở góc ao, khoảng 1.600-2.000 m2/1 sàng.
+ Từ ngày thứ 15 trở đi, có thể bổ sung Vitamin, các khoáng vi lượng (TA-Feedmin, …) và men tiêu hóa (T-Food, Sitto SC …) trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Cách cho ăn:
+ Cho tôm ăn ở những nơi được làm sạch bằng quạt nước như xung quanh ao, tránh cho ăn ở những điểm có chứa chất bẩn.
+ Khi chuyển đổi loại thức ăn cần phối trộn 2 cỡ hoặc loại thức ăn cho ăn ít nhất trong 3 ngày.
3.2. Quản lý môi trường ao nuôi
- Trong quá trình nuôi, duy trì các yếu tố môi trường ao nuôi ổn định trong khoảng thích hợp như: Mực nước 1,4-1,8 m; ôxy hòa tan > 4 mg/l; độ trong 30-40 cm; độ kiềm 80-120 mg/l; độ mặn 10-15‰; pH 7,5-8,5; H2S < 0,05 mg/l; NH3 < 0,3 mg/l.
- Đo kiểm tra các yếu tố pH, ôxy, độ trong 2 lần/ngày (7giờ sáng và 14 giờ chiều); độ kiềm, NH3, H2S từ 3-5 ngày/lần.
* Một số biện pháp khắc phục môi trường biến động trong quá trình nuôi:
- pH:
+ Thấp < 7,5: Bón vôi CaCO3, Dolomite lượng 1-2 kg/100m3.
+ Cao > 8,5: Mật đường 0,3 kg/100 m3 kết hợp với men vi sinh hoặc C TAT theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Tùy theo độ mặn để điều chỉnh pH cho phù hợp, định kỳ 10 ngày/lần bón vôi nông nghiệp CaCO3 vào lúc 20-21 giờ với lượng 1,0-2,0 kg/100 m3.
- Độ kiềm:
+ Thấp < 60 mg/l: Bón Dolomite 1-2 kg/100 m3 vào ban đêm hoặc Soda lạnh 20 ppm đến khi đạt yêu cầu.
+ Cao > 180 mg/l: Sử dụng EDTA lượng 0,2-0,3 kg/100 m3 vào ban đêm.
- Độ mặn:
+ Nếu thấp dưới 17‰ thì điều chỉnh pH từ 8,2-8,4;
+ Nếu độ mặn trên 17‰ thì điều chỉnh pH giảm dần xuống 8,0-8,2;
+ Nếu độ mặn = 25‰ thì điều chỉnh pH bằng 7,7-7,8.
Đến 11-12 giờ trưa ngày hôm sau, sử dụng vi sinh (Super VS, CP Bio plus, enzim HN, …) của các hãng có uy tín để ổn định môi trường, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
+ Nếu độ mặn giảm đột ngột do mưa thì điều chỉnh bằng nước ót hoặc muối hột.
- Khi tảo trong ao phát triển mạnh, màu nước thay đổi, pH dao động trong ngày > 0,5 đơn vị cần:
+ Thay tối thiểu 30% nước trong ao;
+ Hòa tan 0,2-0,3 kg đường cát/100 m3 và tạt đều xuống ao vào lúc 9-10 giờ sáng;
+ Sục khí liên tục trong vài giờ.
- Khi nhiệt độ nước tăng > 340C cần:
+ Giảm thức ăn (cho ăn khoảng 70-80% lượng thức ăn đã định);
+ Bổ sung Vitamin C (trộn vào thức ăn), lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất;
+ Tăng thời gian chạy quạt nước (sục khí).
- Khi nhiệt độ nước ao giảm < 240C, có hiện tượng tôm vùi đầu phải giảm lượng thức ăn và bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng.
Lưu ý:
+ Trong quá trình nuôi tôm cần rất nhiều khoáng chất (Canxi, magiê, silic, đồng, mangan, …), do đó 3-5 ngày/lần bổ sung khoáng chất xuống ao nuôi tôm vào ban đêm, giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt.
+ Hạn chế lấy nước vào ao nuôi, khi cần thiết lấy nước vào ao nuôi từ ao chứa (qua lúi lọc).
+ Không xả nước thải, chất thải sinh hoạt vào ao nuôi, ao chứa lắng…. Nước thải nuôi tôm sau khi được xử lý, đảm bảo theo quy định mới được xả thải ra ngoài môi trường; chất thải rắn phải được thu gom vào thùng chứa theo quy định.
4. Thu hoạch
Sau thời gian nuôi khoảng 60-70 ngày, tôm đạt kích cỡ thương phẩm (40-60 con/kg), tùy theo giá cả thị trường và điều kiện thời tiết, người nuôi chủ động chọn thời điểm thu hoạch phù hợp.
Lưu ý:
+ Trước khi thu hoạch từ 15-20 ngày, người nuôi ngừng sử dụng các loại thuốc và hóa chất trong ao nuôi tôm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
+ Không thu hoạch tôm khi vào chu kỳ lột xác, hạn chế thu hoạch khi tôm còn mềm vỏ./.

(Bài viết tham khảo tại Công văn số 10/TCTS-NTTS, ngày 06/01/2015 của Tổng Cục Thủy Sản)

Theo Nguyễn Thị Minh Nguyệt
(Sở NN & PTNT)


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...