Nông nghiệp Thái Bình một năm nhìn lại

Thứ 7, 21/02/2015 | 09:05:11
1,542 lượt xem

Năm 2014 sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Song với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và nông dân, nông nghiệp tỉnh nhà đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


  Năm 2014, nông dân được mùa vụ đông

Vụ đông thắng lợi

Dường như mùa xuân năm nay đến sớm hơn với người dân xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ khi mà vụ ớt đã mang về cho người dân nơi đây một nguồn thu đáng kể. Niềm vui, phấn khởi hiện rõ trên gương mặt người nông dân . " Trồng ớt cho thu hoạch cao. Một sào cũng cho thu hoạch 15 triệu. Chỉ sợ không có ớt thôi chứ bao nhiêu tiêu thụ cũng  hết".  Bà Nguyễn Thị Nga, thôn Đông Thành, xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ phấn khởi nói.

Cùng chung niềm vui với những người trồng ớt ở An Ấp, năm nay cũng là năm người trồng khoai tây ở xã Đông Phương, huyện Đông Hưng có vụ đông thắng lợi.  Bà con trong xã rất phấn khởi bởi chưa năm nào trồng khoai tây lại cho năng suất cao như năm nay. Trung bình mỗi sào khoai tây cho năng suất 5 - 6 tạ. Hộ thâm canh tốt đạt trên 7 tạ/sào. Với giá bán khoảng 8.000 đồng/kg, hộ nào trồng ít cũng thu nhập 8 - 10 triệu đồng/vụ, hộ trồng nhiều thu nhập khoảng 20 - 25 triệu đồng/vụ.

Thời tiết bất thuận, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả vật tư tăng cao là những bất thuận mà bà con nông dân gặp phải trong vụ đông năm 2014. Thế nhưng người dân không nản lòng, diện tích cây vụ đông vẫn phát triển mạnh với gần 37. 000 ha (tăng trên 24 % so với vụ đông năm 2013). Đặc biệt, bà con đã mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng có giá trị như dưa bao tử, ngô ngọt…vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm 2014, giá trị cây vụ đông đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng gần 25 % so với vụ đông năm 2013. Động lực giúp người nông dân đẩy mạnh sản xuất vụ đông, một phần bởi những chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh, của huyện. Một phần là do các hợp tác xã đã tích cực tìm hiểu thị trường, liên hệ với các công ty, doanh nghiệp có uy tín để thu mua sản phẩm cho bà con nông dân. Ông Ngô Doãn Đô- Phó Chủ nhiệm HTX xã  Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ cho biết: " Ban Quản trị HTX đã đi tìm hiểu thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho bà con…Chúng tôi hợp đồng với Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu Nông sản Hải Dương. Công ty làm ăn với HTX nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ xảy ra tranh chấp hợp đồng… thu mua rất thuận lợi".

Vụ mùa bội thu

 Không chỉ có một vụ đông thắng lợi, nông dân Thái Bình còn có một vụ mùa bội thu. Năm 2014, các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, tích cực thay đổi cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên vụ lúa xuân năm 2014 năng suất đạt trên 72 tạ/ha, vụ lúa mùa đạt 59,56 tạ/ha. Bên cạnh mô hình canh tác truyền thống, năm 2014, toàn tỉnh xây dựng được 143 cánh đồng mẫu và nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình sản xuất lúa giống ở các xã Bình Ðịnh (Kiến Xương), Nam Thắng, Ðông Quý (Tiền Hải), An Mỹ (Quỳnh Phụ) mang lại giá trị tăng thêm 7 - 10 triệu đồng/ha/vụ.

Thành công của ngành nông nghiệp năm 2014 không chỉ ở chỉ tiêu về năng suất, mà còn ở yếu tố tạo nên bước ngoặt lớn trong ngành nông nghiệp. Đó là việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất đang được nhân rộng tại nhiều địa phương, giúp nông dân giải phóng sức lao động, giúp ngành nông nghiệp tỉnh nhà tiến gần tới phương thức sản xuất hiện đại, giảm chi phí từ 3,6 - 4,2 triệu đồng/ha.

Chăn nuôi được duy trì và phát triển ổn định

 

 Ông Nguyễn Hữu Mạnh, thôn Luật Trung, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương."Trang trại của tôi làm theo quy trình khoa học, 1m2 nuôi 10 con. Có 300 m2 tôi nuôi 3000 con. Đầu năm thời tiết khó nhưng tôi áp dụng kỹ thuật cũng đỡ hao hụt, không chết chóc mấy. Khi xuất bán trừ chi phí đi thì gọi là cũng được".  

Chị Phan Thị Loan, thôn Nguyệt Lâm 3, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương.."Nhà tôi nuôi lợn nhiều năm rồi. Bình quân nuôi lợn hàng năm so với cấy lúa thì hơn cấy lúa rồi. Cũng được vài trăm triệu tiền nuôi lợn".

Năm 2014 cũng là một năm ngành chăn nuôi Thái Bình duy trì và phát triển ổn định. Ngày càng có nhiều trang trại, gia trại áp dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi. Mô hình trang trại chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGap từ 8 xã điểm được nhân rộng ra 60 xã. Toàn tỉnh hiện có 67 trang trại quy mô lớn đang tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều loại vật nuôi mới cũng được bà con nông dân đưa về nuôi tại địa phương, bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Trong chăn nuôi công tác phòng bệnh cũng đã được bà con chú trọng. Bởi thế mà năm 2014, toàn tỉnh không xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc gia cầm. Và điều đáng mừng là năm nay giá cả chăn nuôi có xu hướng tăng, ổn định nên người chăn nuôi cũng phấn khởi hơn những năm trước.

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển an toàn, bền vững đã đưa quy mô chăn nuôi tỉnh Thái Bình ngày càng tăng. Đến nay, tổng đàn trâu, bò đạt 47.408 con và đàn lợn đạt trên 1 triệu con, đàn gia cầm tăng nhanh về số lượng đạt 11,3 triệu con, tăng 215.000 con so với năm 2013. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 3,2 %, tạo ra một bước chuyển dịch mới trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đồng thời, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương...

Dấu ấn Thủy sản

Nghề đi biển mang lại nguồn thu lớn song cũng tiềm ẩn không ít những hiểm nguy. Mỗi lần ra biển là mỗi lần đặt cược tính mạng mình trên “đầu sóng ngọn gió”. Thế nhưng ngư dân huyện Thái Thụy và Tiền Hải vẫn quyết tâm ra khơi, bám biển, bám ngư trường. Và niềm vui thực sự đến với họ khi Nghị định số 67/2014/NÐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành.  Cùng với Nghị định 67, ngư dân trên địa bàn tỉnh còn được hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 3044/QÐ-UBND ngày 30/12/2013 của UBND tỉnh về việc quy định một số chính sách hỗ trợ ngư dân tỉnh Thái Bình đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ðến nay, toàn tỉnh có 54 tàu cá được hưởng hỗ trợ theo Quyết định số 3044, trong đó 30 tàu cá đóng mới và 24 tàu cá cải hoán. Nhờ đó mà ngư dân thêm yên tâm bám biển bám ngư trường với hi vọng có thêm nhiều chuyến đi biển bội thu. Vượt qua rất nhiều khó khăn như thời tiết bất thuận, ngư trường thu hẹp, nguồn lợi suy giảm… đoàn tàu đánh cá trên 1.200 chiếc của Thái Bình đã mang về gần 60.000 tấn hải sản đánh bắt được từ biển khơi, tăng hơn 8% so với năm 2013.

"Năm 2014, cả 3 lĩnh vực nuôi trồng nước ngọt, nước mặn và nước lợ đều giữ mức ổn định… Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản nước lợ năm 2014 đúng là 1 năm được mùa được giá. Bà con nuôi tôm rất phấn khởi". Ông Phạm Hồng Trưởng - Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết.

Điểm nổi bật trong nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta thời gian qua là bên cạnh diện tích ao nuôi nằm trong khu dân cư, nhiều xã có điều kiện thuận lợi đã phát triển vùng nuôi tập trung với phương thức bán thâm canh. Nhiều chủ trang trại nuôi trồng thủy sản đã xác định rõ hướng đi, đưa vào nuôi nhiều giống cá có giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ thành công của mô hình nuôi cá lồng ở 1 số xã trong huyện Vũ Thư, năm qua, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Do đó số lồng nuôi cá trên sông đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2013, toàn tỉnh có 82 lồng nuôi cá trên sông, đến hết năm 2014 đã tăng lên 131 lồng. Nuôi cá lồng trên sông phát triển ở huyện Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Ðông Hưng. Theo tính toán, năm 2014, trừ các chi phí thì mỗi hộ nuôi cá lồng thu về từ 100 - 150 triệu đồng, tùy vào quy mô của mỗi hộ.

"Hiệu quả của nuôi cá lồng thứ nhất  là môi trường vệ sinh sạch, con cá đảm bảo hơn, người tiêu dùng cũng thích hơn là con cá trong ao. Một năm, gia đình tôi  nuôi hơn 100 tấn cá. Sản xuất đến đâu thì hết đến đấy chứ không ế đọng như ở trong ao". Ông Phạm Đình Chiểu, xóm 2,  xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư chia sẻ.

Năm 2014 ghi dấu mốc cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Năm 2014 là năm ghi dấu mốc cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thái Bình. Chưa khi nào công cuộc xây dựng NTM lại diễn ra sôi nổi và rộng khắp đến vậy. Xóm làng như mở hội, nhà nhà, người người tích cực hiến kế, hiến công, góp của, tham gia xây dựng nông thôn mới.

"Tôi đã ủng hộ và hiến 42 m2 đất, tạo điều kiện cho địa phương mở rộng đường. Đến nay gia đình sạch sẽ khang trang, thấy rất phấn khởi". Bà Đỗ Thị Xíu,  thôn Tân Ấp, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà phấn khởi nói.

"Người dân trong xã đã tự nguyện hiến hơn 280.000m2 đất ruộng, 3.000m2 đất thổ cư với nhiều công trình trên đất, đóng góp gần 2 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công làm giao thông, thủy lợi nội đồng, 26km đường giao thông nông thôn. Đến cuối năm 2014, xã An Ninh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và về đích nông thôn mới". Ông Nguyễn Văn Hứa,  Bí thư Đảng ủy xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ vui vẻ cho biết.

Cùng với 770.000 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh, các địa phương đã phát huy dân chủ cơ sở, huy động nguồn lực trong dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Khối lượng các công trình được xây dựng trong năm 2014 ước bằng 3 lần khối lượng các công trình xây dựng trong 3 năm (2011 - 2013) cộng lại.

Với sự nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cùng với những cách làm chủ động, sáng tạo với quan điểm chỉ đạo “dân là chủ thể”, quá trình xây dựng nông thôn mới đã có bước phát triển đột phá. Đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 85 xã đạt chuẩn NTM, vượt xa mục tiêu Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đề ra. Kết quả này không chỉ phản ánh khách quan sự nỗ lực của các địa phương và nhân dân trong tỉnh mà còn khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao và các giải pháp, cơ chế hỗ trợ linh hoạt, hiệu quả của tỉnh. Nhiều lĩnh vực khác như nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thủy nông, quản lý đê điều, phòng chống lụt bão và xây dựng cơ bản… đều có sự tiến bộ. Trên 85% số dân nông thôn đã được dùng nước hợp vệ sinh, hàng trăm kênh mương thủy nông được nạo vét, khơi thông, giải tỏa những vi phạm dòng chảy với khối lượng đào đắp gần 5 triệu khối. Đê điều được quản lý tốt. Đã đánh giá toàn bộ hiện trạng đê, kè, cống, phân loại các trọng điểm xung yếu để xây dựng phương án chủ động trong phòng chống lũ lụt, sản xuất của bà con được đảm bảo. Suốt 365 ngày qua, trong quá trình sản xuất của bà con luôn có sự đồng hành của ngành nông nghiệp. Cán bộ ngành Nông nghiệp thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, cùng bà con tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Những kỹ thuật cơ bản trong trồng trọt, chăn nuôi, những tiến bộ KHKT được truyền tải đến bà con một cách kịp thời và chính xác. Từ đó hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày một cao hơn. 

"Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh  đã phối hợp với Đài PTTH TB xây dựng trên 30 chương trình khoa giáo, 18 chương trình thời sự và nhiều chương trình phát thanh.  Qua đó tuyên truyền phổ biến các chủ trương đường lối của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM. Đội ngũ cán bộ cơ sở tổ chức trên 250 lớp tập huấn cho hàng vạn nông dân. Qua đó tuyên truyền vận động bà con nông dân thực hiện các đề án sản xuất, ứng phó với điều kiện bất thuận của thời tiết". Ông Nguyễn Như Liên- Giám đôc Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình cho biết.

Với người nông dân, muốn phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương thì nguồn vốn và phương thức sản xuất là hai yếu tố quyết định, trong đó vốn giữ vai trò quan trọng. Năm qua Hội nông dân các cấp cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân vay vốn phát triển sản xuất.

Trong năm 2014,  Hội Nông dân  đã phối hợp với  Ngân hàng Chính sách xã hội, Nông nghiệp và phát triển nông thôn đứng ra nhận ủy thác và tín chấp trên 45 tỷ cho trên 2.000 hội viên vay...Thành lập các tổ hợp tác hỗ trợ, giúp nhau về vốn, thị trường tiêu thụ". Bà Trần Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố cho biết.

Với sự vào cuộc của các cấp các ngành, năm 2014, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà có thêm bước chuyển mình mạnh mẽ đánh dấu một năm mùa màng bội thu và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng đối với sự phát triển chung của tỉnh. Con số  22. 659 tỷ đồng là giá trị sản xuất nông nghiệp của Thái Bình trong năm 2014. Thắng lợi này, cũng minh chứng cho sự chủ động, sáng suốt và thống nhất trong chỉ đạo của chính quyền các cấp, ngành nông nghiệp và sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng để sản xuất vượt qua khó khăn giành thắng lợi lớn.

Một mùa xuân mới đang về trên khắp các miền quê. Những niềm vui trong năm cũ như được nhân lên, để lấy đó làm điểm tựa cho sự phát triển trong năm mới đang về. Và bà con nông dân lại hi vọng vào một năm mới với những thắng lợi mới.

" Bước vào năm mới 2015, ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn thách thức, trước mắt là phải đối phó với vụ xuân ấm.  Nhưng ngành Nông nghiệp Thái Bình vẫn ra  sức phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng ngành với mức 3, 3 %, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM với mục tiêu đến hết năm 2015 có 125 xã về đích". Ông Nguyễn Văn Chiến- Phó giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình.

"Chăn nuôi là một lĩnh vực có nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh. Nếu mình không có lòng kiên trì không bám sát nghề nghiệp của mình thì mình không làm được. Phải tích cực học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật  mới áp dụng vào mô hình của mình để làm sao đạt được kết quả cao nhất". Ông Phạm Văn Tràng, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư.

"Sang năm mới, tôi cũng mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện cho chúng tôi gặp gỡ các nhà khoa học, tổ chức các hội thảo để chúng tôi học tập về khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất góp phần nâng cao sản xuất thì thu nhập mới cao hơn". Anh Đinh Văn Thiệp, tổ 39, phường Hoàng Diệu, Thành phố Thái Bình.

" Thay mặt đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đội ngũ cán bộ khuyến nông của tỉnh xin chúc bà con nông dân tỉnh ta một năm mới vượt qua mọi khó khăn về thời tiết, về dịch bệnh để giành vụ mùa bội thu. Đồng thời gắn kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, nâng giá trị nông sản, tăng giá trị sản xuất".  Ông Nguyễn Như Liên- Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình.

"Nhân dịp năm mới xin gửi tới bà con nông dân lời chúc sức khỏe. Chúc bà con chúng ta làm ăn hiệu quả. Làm sao đảm bảo kinh tế, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống. Và năm mới an khang thịnh vượng". Bà Trần Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố.


Thu Trang

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...