Doanh nghiệp sợi gặp khó

Chủ nhật, 06/10/2019 | 20:58:52
2,255 lượt xem

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra hồi tháng 7/2018 được xem như sự kiện nóng nhất đối với dệt may thế giới nói chung và thị trường dệt may Việt Nam nói riêng. Những hệ lụy của cuộc chiến này, khiến nhiều doanh nghiệp sợi lao đao. Có lẽ phải mất một thời gian nữa khi thị trường dệt may dần ấm trở lại, các doanh nghiệp sợi mới vượt qua được cơn khủng hoảng về cầu như trong thời gian này.

Vài tháng nay, nhiều doanh nghiệp sợi như ngồi trên đống lửa vì các khách hàng ở Trung Quốc không nhập hàng, nếu có nhập thì rất cầm chừng và ép giá. Doanh nghiệp sợi xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong khi nước này lại chủ yếu xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ. Khi Mỹ áp thuế cao với mặt hàng may mặc Trung Quốc thì các doanh nghiệp Trung Quốc lập tức có động thái giảm nhập khẩu và ép giá các doanh nghiệp sợi. 

Theo tính toán của một doanh nghiệp, mỗi kilogam sợi bán ra chịu lỗ từ 12 - 15% nhưng họ vẫn phải xuất bán để duy trì sản xuất chờ qua giai đoạn khó khăn này. 

Ông Trần Văn Định - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần sợi Trà Lý : Chúng tôi sản xuất hầu như không có lãi, chủ yếu bây giờ duy trì sản xuất để đảm bảo cuộc sống cho người lao động thôi. 



Ông Vũ Huy Đông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Damsan : Công ty chúng tôi có 3 nhà máy sợi. Hiện tại thì phải giảm sản xuất từ 3 ca xuống còn 2 ca dài. 



Trong thời gian này, các doanh nghiệp xuất khẩu sợi sang Trung Quốc không chỉ bị giảm giá bán, họ còn chịu thêm thiệt hại vì đồng nhân dân tệ mất giá trong giai đoạn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Hơn nữa một nguyên nhân sâu xa mà nhiều doanh nghiệp sợi đề cập đến là do chúng ta  đang thiếu hụt khâu dệt vải, dẫn đến các doanh nghiệp sợi rất khó tiêu thụ trong nước, trong khi mỗi năm vẫn phải nhập hàng tỷ mét vải cho ngành may, mà chủ yếu lại là may gia công.

Ông Vũ Huy Đông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Damsan : May gia công thì phải hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Chúng ta mới chỉ xuất khẩu sợi thô, trong khi lại phải nhập khẩu hàng chục tỷ tiền vải. Nút thắt của chúng ta là chưa hoàn thiện được các khâu dệt may và tẩy nhuộm. Mà tẩy nhuộm thì liên quan đến ô nhiễm môi trường, liên quan đến công nghệ sản xuất. 



Trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 9 doanh nghiệp sản xuất sợi, khoảng 2/3 số sợi của các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, bất kỳ biến động nào đối với ngành dệt may Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp sợi. Tình trạng này một lần nữa làm nóng lên vấn đề đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành sợi.

Thu Hà

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...