Điểm thi càng cao, điểm ưu tiên càng ít

Thứ 5, 16/06/2022 | 20:23:19
678 lượt xem

Theo quy chế tuyển sinh mới công bố, 1 trong những điểm mới đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều là thay đổi trong cách tính điểm ưu tiên khu vực của thí sinh. Theo đó, đối với các em đạt từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên khi xét tuyển đại học sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Nhiều ngành có mức điểm chuẩn vượt ngưỡng tối đa nên dù có đạt điểm tối đa 30 thì vẫn trượt đại học. Đó là tình trạng đã diễn ra trong mùa tuyển sinh năm trước và có thể sẽ vẫn tái diễn trong năm nay. Nên với thí sinh ở vùng không được cộng điểm ưu tiên sẽ là niềm vui lớn khi quy chế tính điểm ưu tiên mới được áp dụng.

Em Phạm Minh Hùng - Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội:

" Đó là một chính sách hợp lý tại vì nó sẽ đem lại sự công bằng cho tất cả học sinh, và sẽ không ai bị thiệt thòi trong các ngành nghề mà mình muốn vào nữa."


Niềm vui với học sinh khu vực 3 nhưng lại là lo ngại với học sinh giỏi vùng 1,2. Bởi theo quy chế mới thì điểm thi càng cao, điểm ưu tiên càng ít, và đến khi điểm thi là 30 thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên. Như vậy, dù có cùng học tập trong 1 điều kiện, 1 môi trường giống nhau thì mức điểm được ưu tiên của mỗi thí sinh lại hưởng khác nhau.

Em Nguyễn Thị Nhưng – Trường THPT Phương Tiến, Hà Giang:

"Em thấy không công bằng vì mình học tốt hơn, được điểm cao hơn mà mình lại được cộng ít hơn so với bạn đạt điểm thấp, mong muốn được cộng điểm như nhau vì cùng 1 môi trường học, cùng 1 thầy cô và lượng kiến thức như nhau thì điểm cộng phải như nhau."


Không chỉ với học sinh mà phương án thay đổi cách tính điểm ưu tiên cũng khiến chuyên gia bất ngờ, thậm chí cho rằng không hợp lý. Bởi đảm bảo công bằng cho thí sinh vùng 3 nhưng sẽ lại gây ra bất công với thí sinh vùng 1,2. Và mấu chốt của vấn đề công bằng không phải là cộng bao nhiêu điểm mà vẫn ở mức độ phân hóa của đề thi.

GS Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội:

"Trên thực tế từ xưa đến nay chúng ta luôn có chính sách cộng điểm ưu tiên vùng miền và vẫn tuyển sinh rất tốt. Nên để hạn chế việc điểm cao vẫn trượt đại học là vấn đề ở phân hóa trong đề thi để có thể tìm được những em xứng đáng."


Trước lo ngại mức điểm ưu tiên khác nhau với thí sinh cùng 1 vùng miền lãnh đạo vụ Giáo dục Đại học khẳng định việc cộng điểm ưu tiên khu vực ở mức điểm đồng đều như nhau là có sự bình đẳng chứ không đảm bảo được sự công bằng. Công bằng ở đây cần được hiểu là sự công bằng trong cạnh tranh vào các ngành, vào các trường ở mức tương đương nhau.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo:

"Chế độ cộng điểm ưu tiên cũng tương tự như các chế độ chính sách hỗ trợ khác, không thể chỉ cào bằng theo điều kiện từng khu vực, mà còn phải căn cứ mức độ khó khăn cần hỗ trợ của từng đối tượng. Trong cùng một khu vực, một gia đình ít khó khăn hơn một gia đình khác tất nhiên sẽ được hỗ trợ ít hơn, thậm chí không cần hỗ trợ; chứ không thể nói gia đình ít khó khăn hơn lại thiệt thòi hơn."


Điểm ưu tiên là chính sách nhân văn của nhà nước dành cho học sinh vùng khó khăn. Áp dụng từ lâu nhưng những bất cập từ chính sách này mới chỉ nảy sinh trong 2 năm gần đây. Vì vậy, lý giải đổi mới trong cách tính điểm ưu tiên để đảm bảo công bằng cho thí sinh liệu có hợp lý? Câu hỏi này vẫn đang để ngỏ./.

Theo TTXVN

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...