Lợi bất cập hại khi cho trẻ học trước lớp 1

Thứ 4, 07/04/2021 | 00:00:00
475 lượt xem

Chỉ còn 4 tháng nữa các cơ sở giáo dục sẽ bước vào năm học mới 2021-2022. Thời điểm này, cùng với lo lắng chọn trường, chọn lớp thì việc nên hay không cho con học chữ trước khi vào lớp 1 cũng là mối trăn trở lớn của nhiều phụ huynh.

Ngày nào cũng vậy, kết thúc 2 buổi học lớp mẫu giáo trên trường, nhiều phụ huynh như chị Phương lại bắt đầu dành thời gian kèm con viết chữ, viết số và tập đọc. Lo lắng nếu không cho con đi học biết chữ, biết tính trước khi vào lớp 1 con sẽ bị lạc lõng, không theo kịp chương trình. Băn khoăn mãi chị Phương vẫn quyết định cho con học trước. 

Chị Nguyễn Thị Phương - Phụ huynh học sinh:

“Thực tế thì khi các con chuyển từ mầm non lên lớp 1 bây giờ sĩ số lớp học rất là đông, môi trường học thay đổi, cùng với đó chúng tôi cũng lo các con không theo kịp bạn bè, không theo kịp chương trình nên cho con đi học sớm hơn.”


Lớp học tiểu học

Theo chương trình ở bậc mầm non, trước khi vào lớp 1, trẻ sẽ được các cô hướng dẫn những kĩ năng cơ bản như cách cầm bút, tư thế ngồi học, được giải thích về những thay đổi khi các con chuyển từ bậc mầm non lên tiểu học. Giáo viên tiểu học cũng khẳng định, việc cho trẻ học trước quá nhiều trước khi vào lớp 1sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng không tốt cho việc học và phát triển của trẻ sau này.

Cô giáo Phạm Thị Khuyên - Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình:

“Phụ huynh nên cho con làm quen, nắm được những kĩ năng cơ bản như cách cầm bút, tư thế ngồi, không nên gây cho các con áp lực, cũng không nên dạy trước cho các con quá nhiều sẽ khiến trẻ rất chủ quan lơ là.”


Lớp học tiểu học

Đọc thông, viết thạo là nhiệm vụ của các thầy, cô giáo lớp 1 trong 35 tuần học. Trẻ em bắt đầu vào lớp 1 là bước ngoặt lớn, cần một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và toàn diện. Nhưng toàn diện ở đây không phải là học chữ trước mà là sự chuẩn bị tâm lí sẵn sàng vào lớp 1 để các con dễ dàng hòa nhập với môi trường mới khác hẳn môi trường mẫu giáo trước đó.

Cô giáo Phạm Thị Phương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Xuân, thành phố Thái Bình:

“Cái khó khăn với trẻ bước vào lớp 1 không phải là việc biết đọc hay viết trước mà đó là sự thay đổi môi trường, ở mầm non trẻ vừa chơi vừa học, còn lên tiểu học thì trẻ bắt đầu đọc viết và học các phép toán cộng trừ nhân chia. Chính vì vậy phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế thật tốt cho con, tạo hứng thú học tập cho con. Chỉ cần các con có được những kĩ năng cơ bản như cách cầm bút, cách ngồi học...thì chúng tôi có thể đảm bảo đúng tiến độ chương trình và chất lượng dạy học chứ không cần các con phải biết đọc viết trước khi vào lớp 1.”


Giảng viên Phạm Thị Phương - Tiến sĩ Tâm lý học, Trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình: “Về mặt thể chất, việc học sớm quá khi trẻ chưa phù hợp về lứa tuổi sẽ dẫn đến việc lệch lạc về tư thế ngồi, nét chữ, tay cầm bút…Nếu ép trẻ học sớm quá, trẻ dễ gặp phải tâm lý sợ học, ám ảnh việc học, tâm lý đó có thể kéo dài và ảnh hưởng đến cả những năm sau này khi trẻ đi học chính thức. Khi được học trước, trẻ có thể sẽ chủ quan khi vào lớp 1, tỏ ra chán học vì đã được học trước rồi, không cùng học với bạn bè. Nhiều trẻ học chữ trước độ tuổi có thể phát huy khả năng ghi nhớ ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó khả năng tiếp thu của các em sẽ giảm dần.”


Phụ huynh cần kiên trì, không được nôn nóng đốt cháy giai đoạn, không nên lấy ý muốn chủ quan của mình áp đặt cho trẻ. Việc ép con học trước quá nhiều không những không giúp ích được gì mà có khi còn phá hỏng niềm vui học tập của con trẻ ngay từ giai đoạn đầu tiên.

Ngọc Anh

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...