Thi tốt nghiệp THPT Quốc gia: Phân quyền cho địa phương quá lớn, dễ xảy ra tiêu cực

Thứ 5, 25/04/2019 | 14:42:44
464 lượt xem

Theo GS.TS. Lê Đức Ngọc, Đại học Quốc gia Hà Nội, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay còn nhiều hạn chế, trong đó, có việc phân quyền không hợp lý. “Chúng ta đang phân quyền cho địa phương rất lớn, từ tổ chức thi, coi thi, chấm thi đến công nhận tốt nghiệp nên xảy ra tiêu cực rất lớn như ở Hòa Bình, Sơn La”, ông nói.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD - ĐT) Mai Văn Trinh thanh tra đột xuất điểm chấm thi tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình

Gian lận không khó!

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được xác định là để xét tốt nghiệp, nhưng việc các trường đại học không tổ chức thi riêng mà lấy kết quả kỳ thi này để tuyển sinh khiến kỳ thi trở thành “2 trong 1”. Theo ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Tĩnh, kỳ thi THPT đã có những cải thiện, giảm áp lực cho thí sinh và gia đình nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, chi phí tổ chức kỳ thi từ ngân sách địa phương tăng lên 39%. Ngoài ra với cách thi này không phân luồng được học sinh sau phổ thông. Như ở tỉnh Hà Tĩnh, sau lớp 12, các em đều đăng ký thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học hết.

Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Tĩnh khẳng định phân quyền quản lý thi THPT như hiện nay là không hợp lý và nhiều rủi ro: “Chúng tôi đang được giao làm thay quá nhiều. Những nơi có ý lợi dụng sự phân quyền này thì coi đây là may mắn và cơ hội, nhưng với địa phương nói không với tiêu cực thì đây là áp lực rất lớn. Kiểu gian lận điểm thi như ở Hòa Bình, Sơn La không khó làm, quan trọng là tôi không làm chứ không phải không làm được”. Đồng thời, ông đề xuất nên tách kỳ thi, trong đó, công nhận tốt nghiệp thì địa phương tổ chức, còn các trường đại học phải chủ động trong công tác tuyển sinh. “Địa phương chỉ muốn làm tốt nghiệp, còn tuyển sinh đại học thì các trường đại học phải tự lo. Nếu gộp thì khó tránh rủi ro, gian lận”, ông Dũng nói.

Chung quan điểm, GS.TS. Lê Đức Ngọc, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn nhiều hạn chế, trong đó, có việc phân quyền không hợp lý. “Chúng ta phân quyền cho địa phương rất lớn, từ tổ chức thi, coi thi, chấm thi đến công nhận tốt nghiệp nên xảy ra tiêu cực như ở Hòa Bình, Sơn La”. GS.TS. Lê Đức Ngọc cũng chỉ ra rằng, kỳ thi THPT Quốc gia chưa áp dụng được triệt để công nghệ hiện đại và đang gây áp lực cho thí sinh bởi thực chất đây vẫn là kỳ thi “2 trong 1”.

Trường đại học sẽ chấm bài thi trắc nghiệm 

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh nước ta hiện nay thì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vẫn cần thiết trong vài năm nữa. Nhưng để dân chủ, đỡ mang tính bao cấp, đỡ gánh nặng về chi phí công, giảm sức ép người dân, nên để các Trung tâm khảo thí chuyên nghiệp đứng ra tổ chức thực hiện, Bộ GD - ĐT với vai trò cấp phép, quản lý và giám sát. Ông cũng cho rằng, việc tổ chức mỗi năm vài lần thi THPT Quốc gia, như đề xuất mới đây của Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục, là phương án hay.

Chia sẻ về công tác chống tiêu cực thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD - ĐT) cho biết, sự cố gian lận thi cử năm 2018 thực sự rất đau lòng và có những hậu quả không thể giải quyết được nữa. Do đó, Bộ GD - ĐT phải bằng mọi biện pháp không để xảy ra gian lận thi cử trong những kỳ thi tới, trong đó, tăng cường vai trò của cơ sở giáo dục đại học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019. Thay vì các trường đại học chỉ tham gia kỳ thi THPT Quốc gia với vai trò phối hợp cùng sở GD - ĐT thì năm nay, các trường đại học tham gia nhiều hơn, đặc biệt ở khâu chấm thi. Cụ thể, Bộ GD - ĐT giao nhiệm vụ cho các trường đại học, Cao đẳng chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các Hội đồng thi. Sở GD - ĐT địa phương chịu trách nhiệm về chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ GD - ĐT; phối hợp với công an bảo đảm an ninh, an toàn…

Theo thống kê của Bộ GD - ĐT, tổng số thí sinh bị phát hiện gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là 222 thí sinh, trong đó có 114 thí sinh ở Hà Giang; 64 thí sinh ở Hòa Bình (một thí sinh của năm 2017) và 44 thí sinh ở Sơn La. Vừa qua, các trường đại học thuộc khối công an đã hủy kết quả trúng tuyển, trả về địa phương 53 thí sinh được nâng điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La. Các trường khối dân sự cũng hủy kết quả trúng tuyển đối với các thí sinh Hòa Bình, Sơn La có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn. Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học.

Theo daibieunhandan.vn

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...