Các trường lúng túng việc xử lý thí sinh có điểm gian lận

Thứ 3, 23/04/2019 | 08:54:45
434 lượt xem

Một số thí sinh Hòa Bình, Sơn La có điểm chênh giữa lần chấm đầu với chấm thẩm định nhưng đủ điều kiện trúng tuyển hiện vẫn được theo học ở các trường ĐH khiến dư luận bức xúc.

Trong khi đó, các trường cho biết dù có quyền tự chủ trong tuyển sinh nhưng không thể làm khác quy chế hiện nay của Bộ GD-ĐT.

Không có lý do để... đuổi

Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, các trường ĐH khối kinh tế như: Kinh tế quốc dân, Ngoại thương đã phát hiện một số trường hợp sinh viên đang học năm thứ nhất của trường là thí sinh (TS) Hòa Bình, Sơn La có điểm thi gian lận.

Chẳng hạn mới đây nhất, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã ra quyết định xóa tên 5 trong số 7 TS Sơn La vì có điểm sau thẩm định thấp hơn điểm chuẩn; 2 trường hợp còn lại trường vẫn tiếp tục cho theo học vì điểm sau thẩm định vẫn đạt điểm chuẩn ngành mà các sinh viên đang theo học. Trước đó, trường cũng áp dụng cách xử lý này với 5 trường hợp TS Hòa Bình (3 TS tiếp tục được theo học, 2 người bị đuổi). Điều này dấy lên trong dư luận rất nhiều tranh cãi thời gian qua. Tuy nhiên, theo nhiều lãnh đạo các trường ĐH có liên quan, chỉ có những người trong cuộc (là các trường) mới biết việc đưa ra các quyết định xử lý với TS Hòa Bình, Sơn La có điểm thi gian lận khó khăn thế nào.

Theo ông Trần Quang Huy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, trường có một TS Sơn La nằm trong danh sách những TS có điểm chênh sau chấm thẩm định. Tuy nhiên, trường vẫn để TS này tiếp tục theo học, do các môn thi trong tổ hợp dùng để đăng ký xét tuyển vào trường không phải là những môn mà TS có điểm chênh sau thẩm định. “Giả sử chiều theo dư luận, trường cho em này thôi học, thì quyết định này dựa vào cái gì?”, ông Huy đặt vấn đề.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trường ĐH FPT, cũng cho biết trường có 1 TS Hòa Bình trúng tuyển và nhập học từ đầu năm học 2018 - 2019. Điểm thi tổng 3 môn thi khối A của TS này là 27,95 điểm, sau khi chấm thẩm định thì điểm được điều chỉnh xuống còn 18,30. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở việc TS có đủ điểm chuẩn tiếp tục theo học tại trường hay không mà là TS không dùng những điểm thi (kể cả các môn không bị sai lệch điểm sau thẩm định) này để đăng ký xét tuyển vào trường. Tiến sĩ Tùng nói: “TS xét tuyển vào trường bằng điểm học bạ (đạt tổng 24,65 điểm/3 môn khối A). Trường có chính sách cấp học bổng cho TS đạt điểm thi THPT quốc gia cao, nhưng TS này cũng không sử dụng. Bộ phận tuyển sinh của trường không hề biết trúng tuyển vào trường mình có TS điểm thi cao thế. Cho đến khi trường nhận được thông báo của Sở GD-ĐT Hòa Bình chúng tôi mới biết, và biết là em ấy đỗ thủ khoa Học viện Hậu cần, nhưng em ấy đã “tỉnh táo” để không nhập học, cũng như không dùng điểm thi cao để lấy học bổng của Trường ĐH FPT. Với tình huống này thì quả là trường không có bất kỳ căn cứ nào để yêu cầu sinh viên thôi học”.

Trường ĐH không đủ thông tin ?

Hiện nay, các cơ quan quản lý, bao gồm cả cơ quan công an, mới chỉ gửi cho nhà trường thông báo về việc điểm thi được chấm sau thẩm định của TS. Không có bất kỳ văn bản nào, thông tin nào về việc TS có vi phạm quy chế thi, hay vi phạm pháp luật hay không, TS có tham gia vào việc sửa điểm/sửa bài hay không. Nếu sau này các cơ quan quản lý, cơ quan điều tra có văn bản thông báo các em này vi phạm trong quá trình trước hoặc sau khi làm bài thì nhà trường sẽ xử lý theo các quy định trong quy chế thi.

PGS Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nói: “Tôi cho rằng chúng ta không thể đưa ra quyết định xử lý dựa vào suy luận, mà phải dựa trên các căn cứ xác thực. Quy chế quy định cụ thể chỉ hủy kết quả thi trong trường hợp nào, thì khi nào các em rơi vào các trường hợp cụ thể đó mới được hủy. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nói các trường cần xử lý nghiêm nếu các em có vi phạm. Mà trường chưa có căn cứ nào chứng tỏ các em vi phạm thì không thể làm khác như hiện nay”.

PGS Chương cũng cho rằng môi trường pháp lý về sau này mình sẽ hoàn thiện dần. Chẳng hạn như phải rà soát để xem trong những nội dung của các quy định hiện hành chỗ nào chưa bao quát hết mọi trường hợp thì nhà trường sẽ bổ sung. Nhưng không thể đem những quy định sẽ đặt ra trong tương lai để áp vào hiện tại.

PGS Chương khẳng định: “Quan điểm của trường là sẽ xử lý nghiêm, không nương tay với bất kỳ trường hợp nào vi phạm, nhưng với điều kiện là phải có đủ chứng cứ. PGS Chương chia sẻ thêm: “Nếu các cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ thông tin cho trường thì có thể các quyết định sẽ khác. Nhưng nhà trường không có thông tin thì giờ biết làm thế nào! Cho dẫu Bộ nói trường được quyền tự chủ, nhưng trường không đủ cơ sở để xử lý khác đi”.

Sẽ tìm chế tài đủ mạnh răn đe cả những vi phạm gián tiếp

Theo ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch. Hiện nay 12 TS có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển, đang là sinh viên của các trường. Vì đang trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học. Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những TS có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.


Ý KIẾN

Cần thiết phải sửa quy chế

Có vấn đề với các quy chế về thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hiện nay và cần thiết phải sửa. Nếu năm nay Bộ chưa kịp sửa thì có thể sửa để kịp sử dụng cho các kỳ tuyển sinh tiếp theo. Các quy chế của Bộ cần phải điều chỉnh, chỉ cần thêm một vài câu. Chẳng hạn trong quy định hủy bỏ kết quả thi (điều 49 Quy chế thi THPT quốc gia), chỉ thêm chữ “gián tiếp hoặc trực tiếp” vào trước câu “sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài” là đã có thể bao quát được cả hơn 200 trường hợp năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Tiến sĩ ĐỖ THỊ NGỌC QUYÊN (chuyên gia độc lập về giáo dục)

Nhiều thí sinh đã chủ động không điền đáp án trắc nghiệm

Dựa vào tính toán về tính xác suất, trong hình thức thi trắc nghiệm với 4 đáp án cho mỗi câu trả lời, chỉ cần chọn câu trả lời ngẫu nhiên cũng có thể đúng được 25% số câu hỏi. Các bài thi có 40 câu, và nếu cứ chọn ngẫu nhiên câu trả lời thì trung bình cũng được 2,5 điểm. Vì thế dẫu TS “muốn” được điểm dưới 1 không hề dễ chút nào. Chỉ ở 2 tỉnh với vài chục nghìn học sinh thôi mà có đến mấy em cả 3 môn dưới điểm 1. Điều này khẳng định là học sinh đã chủ động không điền đáp án, để cho việc điền đáp án sau khi thi được dễ dàng hơn. Như vậy trước khi thi, những học sinh này đã biết trước rằng họ sẽ được nâng điểm.

Tiến sĩ NGUYỄN VIỆT CƯỜNG (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong)

Giải pháp mạnh mẽ khi có đủ căn cứ

Trong tương lai tôi nghĩ các trường có thể có những giải pháp mạnh mẽ, khi đủ căn cứ. Việc thay đổi quy chế cũng sẽ phải bàn sau. Đây là một kinh nghiệm để tương lai mình xem có thể điều chỉnh thế nào cho tốt hơn, công bằng, minh bạch hơn. Nó không chỉ phụ thuộc vào một trường ĐH cụ thể mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như quy chế tuyển sinh, cách thức tổ chức tuyển sinh, về sự giám sát của cả xã hội, và cả nhận thức của người dân.

PGS PHẠM HỒNG CHƯƠNG (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân)

 Nguồn Thanhnien.vn

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...