Để môn Lịch sử hấp dẫn hơn với học sinh

Thứ 6, 29/09/2017 | 09:17:27
831 lượt xem

Đối với một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay, môn Lịch sử đang dần trở thành môn học có phần buồn chán, bởi các em phải ghi nhớ một cách máy móc quá nhiều kiến thức. Trăn trở trước vấn đề này, cô giáo Phạm Hồng Lê, Trường THCS Kỳ Đồng, huyện Hưng Hà, đã nỗ lực đưa những phương pháp giảng dạy mới vào tiết học, mang đến sự hứng thú cho học sinh với môn học tưởng chừng là khô khan này.

Với các em học sinh Trường THCS Kỳ Đồng, huyện Hưng Hà môn Lịch sử từ lâu đã trở thành môn học rất được mong chờ. Nhờ những đổi mới trong phương pháp giảng dạy, nhất là việc sử dụng di sản trong các tiết học lịch sử của cô giáo Phạm Hồng Lê, các em học sinh không còn là những cỗ máy cứng nhắc bắt buộc phải ghi nhớ các sự kiện một cách thụ động, mà đã được phát huy tối đa khả năng sáng tạo, năng lực tư duy. Môn Lịch sử từ đó trở nên phong phú, đa dạng và hấp dẫn. 

Những tiết học lịch sử ngoài thực tế như hình ảnh trên đã trở nên quen thuộc với học sinh Trường THCS Kỳ Đồng. Không bó buộc trong sách vở hay trong không gian lớp học, các em học sinh được cô giáo Phạm Hồng Lê hướng dẫn cách quan sát, khám phá, tìm hiểu kiến thức về các di sản văn hóa, di tích lịch sử và những sự kiện lịch sử gắn liền với di sản, di tích đó. Đây là cách tiếp cận mới giúp học sinh tự lĩnh hội kiến thức, đồng thời phát triển toàn diện về cả trí tuệ và kỹ năng sống.

Em Hoàng Phương Nam - Lớp 8B, Trường THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà): Trong giờ học của cô Lê, cô thường tổ chức những hoạt động như đóng vai nhân vật, xử lý tình huống,.. chia nhóm để hoạt động, ngoài ra cô còn kể những chuyện về lịch sử rất hay và lý thú. ..Chúng em còn được học tại quảng trường Long Hưng, Đền Trần, nhờ những tiết học đó mà bọn em cảm thấy yêu môn lịch sử hơn và có trách nhiệm gìn giữ những di sản của quê hương đất nước.

Đưa di sản văn hóa vào giờ học lịch sử là một trong những phương pháp dạy học tích hợp mà cô giáo Phạm Hồng Lê thường xuyên áp dụng trong bài giảng của mình. Cùng với đó, các tiết học của cô luôn trở nên sinh động nhờ việc gắn liền một cách hợp lý với các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo;...

Cô Phạm Hồng Lê - Trường THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà): Trong quá trình dạy học phải luôn thay đổi phương pháp, như phương pháp tình huống, phương pháp sử dụng đồ dùng trực quan, hay những tình huống có vấn đề, phương pháp trò chơi để thu hút học sinh. Đa dạng hóa hình thức hoạt động và trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng phải nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt nụ cười và những kiến thức liên môn thơ văn, địa để môn lịch sử đỡ khô khan hơn.

Để có được những tiết học mang lại hứng thú cho học sinh, cô giáo Phạm Hồng Lê dành rất nhiều tâm huyết trong việc soạn giáo án, tìm những tình huống thực tế, những kiến thức tổng hợp của các bộ môn và hình thức thể hiện phù hợp để lồng ghép vào bài giảng. Đồng thời, tạo ra môi trường khác nhau để học sinh được trải nghiệm nhiều nhất, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các em sáng tạo những cái mới trên cơ sở kiến thức đã học trong nhà trường và những gì đã trải qua trong thực tiễn, nâng cao tố chất và tiềm năng của các em.

Cô Phạm Hồng Lê - Trường THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà): Tôi nghĩ rằng giáo viên bộ môn lịch sử phải không ngừng nâng cao chuyên môn của mình, có bản lĩnh, có tâm huyết và trình độ để hướng học sinh vào những hoạt động học tập. Khi lên lớp giáo viên phải dùng cả trái tim của mình để chuyển tải kiến thức đến học sinh.

Nhờ những nỗ lực không ngừng, cô giáo Phạm Hồng Lê đã đạt giải nhất trong cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học năm học 2015 – 2016 trên toàn quốc, được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT nhờ những đóng góp tích cực trong công tác dạy và học.

 Thầy Phan Quốc Hưng - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà): Chúng tôi coi cô giáo Phạm Hồng Lê như 1 điểm sáng về đổi mới phương pháp dạy học và sáng tạo KHKT.. cô giáo đã lan tỏa tới các thành viên trong nhà trường, các thầy cô giáo cũng rất tích cực đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường để thành tích nhà trường ngày càng đạt cao và các em yêu mến các môn học trong nhà trường hơn.

 Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng GD&ĐT Hưng Hà: Về phía ngành chúng tôi tích cực động viên với những cán bộ giáo viên có thành tích xuất sắc trong đổi mới phương pháp dạy học như cô Phạm Thị Hồng Lê.. đó là tấm gương để cán bộ giáo viên học tập, và chúng tôi tổ chức những chuyên đề chuyên môn để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm theo các cụm trường, để nhân rộng các điển hình như cô Lê - Trường THCS Kỳ Đồng.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, đội ngũ thầy cô giáo là nhân tố quyết định. Những giáo viên tiên phong trong tiến trình đổi mới, mạnh dạn áp dụng những phương pháp dạy học hiện đại như cô giáo Phạm Hồng Lê đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Thái Bình.

  • Từ khóa
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp xúc với cử tri huyện Quỳnh Phụ và huyện Hưng Hà
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp xúc với cử tri huyện Quỳnh Phụ và huyện Hưng Hà

Ngày 2.12, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc với cử tri huyện Quỳnh Phụ và huyện Hưng Hà sau kỳ họp thứ 8, Quốc...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...