Để tạo thuận lợi hơn cho thí sinh và các trường trong công tác xét tuyển năm 2016 nhưng vẫn giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia, nhiều điểm mới được các trường ĐH, CĐ đề xuất ngày 22-10.
Chưa ấn định ngày thi THPT quốc gia và cách thức xét tuyển ĐH 2016
Cần giảm độ nóng thi THPT quốc gia
Trong khi Bộ GD-ĐT đặt ra phương án dịch chuyển thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào giữa tháng 6 thay vì đầu tháng 7, ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH FPT cho rằng: “Ở nhiều nước, sau khi học hết THPT, học sinh có khoảng thời gian nghỉ ngơi, tham gia hoạt động xã hội hoặc tìm hiểu thế giới bên ngoài, còn học sinh Việt Nam cứ hì hục học thi vào đại học. Bởi vì những quy định về thi cử của chúng ta quá chặt chẽ về thời điểm - đến thời điểm đó phải thi tốt nghiệp, thi đại học, không theo luồng đó mà để đến năm sau sẽ có vấn đề...”.
Ông Đàm Quang Minh đề xuất nên mở rộng giai đoạn nhập học trong cả năm chứ không phải trong một thời gian ngắn, ngoài ra, để “giảm độ nóng” của kỳ thi THPT quốc gia, 1 năm không nhất thiết chỉ có 1 kỳ thi chung mà có thể thi 2 lần để học sinh chuẩn bị tốt hơn.
Đề xuất đổi mới trong kỳ thi, xét tuyển năm 2016, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ định hướng tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn; tăng cường phối hợp, hỗ trợ của các trường ĐH, thí sinh ở các vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt lựa chọn cụm thi thuận tiện, các vùng đặc thù có nhiều khó khăn sẽ xem xét để đặt các điểm thi tạo thuận lợi cho thí sinh.
Tuy nhiên, một số trường đề xuất chỉ nên tổ chức một loại cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Việc này sẽ thuận tiện cho các thí sinh, đặc biệt các thí sinh ở địa phương cũng không cần lên thành phố nếu muốn vào đại học.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, Bộ GD-ĐT nên tổ chức một buổi hội thảo chuyên sâu về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016, nên điều chỉnh phương án thi ở cấu trúc đề thi, độ phân hóa, phân giải cao hơn, tăng quyền chủ động hơn cho các đơn vị trong việc xét tuyển sinh.
Quy định điểm chuẩn với trường tốp đầu
Khá nhiều ý kiến cho rằng, việc xét tuyển năm nay rất thuận lợi cho các trường tốp đầu nhưng lại gây khó khăn cho trường tốp sau vì lý do trường tốp đầu lấy điểm đầu vào quá thấp. Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, một số lãnh đạo các trường ĐH, CĐ khu vực này đề nghị Bộ cần có quy định các đại học nhóm trên có chuẩn điểm cao hơn để phân tầng, xét tuyển sẽ hợp lý hơn và thí sinh chọn được trường phù hợp.
Phân tích về bất cập trong cách xét tuyển ĐH, CĐ hiện nay, ông Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP.HCM cho rằng: “Theo cách thức hiện tại thì mới tập trung điểm xét tuyển để trúng tuyển vào trường, chưa khuyến khích thí sinh xác định ngành, nghề các em tham gia. Nên liên kết các trường cùng một nhóm ngành, thí sinh không trúng trường nhóm trên sẽ vào nhóm dưới để cân bằng lực lượng lao động”.
Việc chênh lệch điểm ưu tiên giữa các đối tượng, ông Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ cho rằng: “Điểm ưu tiên có mức độ cách nhau 0,5 điểm là khá cao. Chúng tôi đề nghị Bộ nghiên cứu rút ngắn lại, để tạo công bằng cho thí sinh khu vực 3, không được hưởng ưu tiên đợt đầu, thí sinh chỉ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở một trường, cũng là để bảo vệ quyền lợi cho các em”.
Trước ý kiến của các trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức một cuộc họp bàn chi tiết, cụ thể. “Theo tôi, Bộ GD-ĐT chưa nên ấn định cụ thể, mà chỉ nên khẳng định kỳ thi năm tới sẽ kế thừa điểm tốt, khắc phục những bất cập của năm trước để có một kỳ thi đảm bảo trung thực, công bằng, nhưng ngày càng nhẹ nhàng cho thí sinh”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Thi là riêng và tuyển là riêng. Tuyển sinh đại học phải trên tinh thần tự chủ đại học, Bộ chỉ ra quy định thật cần thiết, không đi vào chi tiết, vừa đảm bảo công bằng cho học sinh và quyền tự chủ của các trường”.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn các trường ĐH đã phối hợp rất tốt trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, giảm rất nhiều áp lực cho thí sinh. “Toàn thể chúng ta cùng quyết tâm, việc gì đúng thì nên làm. Mục đích cuối cùng là vì chất lượng đào tạo, để kỹ sư ra kỹ sư, thạc sĩ ra thạc sĩ. Nếu chúng ta làm được như vậy, kinh tế xã hội sẽ phát triển, việc làm sẽ nhiều hơn” - Phó Thủ tướng kết luận.
Theo: Anninhthudo.vn
Sáng ngày 8/8, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Liên đoàn lao động tỉnh, để khảo sát tình hình triển khai, thi hành...
Sáng nay 26/6, đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy,...
Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thái Bình khu vực huyện Vũ Thư...
Chiều 15/5, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...