"Trần" học phí đại học sắp tăng: Cần chú ý đối tượng khó khăn

Thứ 3, 13/10/2015 | 07:35:33
764 lượt xem

Nghị định 16/2015/NĐ-CP mà Chính phủ ban hành mới đây được cho là có thể tháo gỡ những hạn chế của cơ chế tài chính đã áp dụng từ nhiều năm qua ở các cơ sở giáo dục ĐH. Lộ trình tăng học phí được đưa ra trong Nghị định sẽ giúp giáo dục ĐH có thêm nguồn lực để đầu tư và phát triển, tuy nhiên, đi kèm theo cần có thêm những chính sách hỗ trợ hiệu quả để sinh viên có hoàn cảnh khó khăn không phải từ bỏ giảng đường ĐH.

Trường tự chủ xác định học phí theo thực lực
Bắt đầu từ ngày 1-12-2015, theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP, mức trần học phí ĐH của các trường ĐH sẽ tăng khoảng 10% theo từng khối ngành, chuyên ngành đào tạo, tương đương 600 nghìn - 1 triệu đồng/năm. Quy định mới cũng cho thấy sự chênh lệch ngày càng đáng kể giữa mức học phí các trường tự chủ tài chính và các trường vẫn nhận bao cấp từ Nhà nước, cao hơn 2-4 lần tùy khối ngành. Cụ thể, từ năm học 2015-2016 ở các trường chưa tự chủ tài chính, mức trần học phí thấp nhất là của khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản là 6,1 triệu đồng/năm/10 tháng; tiếp đó là khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch với 7,2 triệu đồng/năm. Cao nhất là khối ngành y, dược với 8,8 triệu đồng/năm. Còn ở 11 trường hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, học phí trần cho khối ngành thấp nhất là 17,5 triệu đồng/năm và cao nhất là 44 triệu đồng/năm cho khối y, dược ngay từ năm học 2015-2016. Theo lộ trình tăng đã định, đến năm học 2020-2021, các khối ngành này sẽ có mức trần là 20,5 triệu và 50,5 triệu đồng.

Việc tăng học phí sẽ giúp giáo dục đại học có thêm nguồn lực để đầu tư và phát triển. Ảnh: Minh Nguyễn
Việc tăng học phí sẽ giúp giáo dục đại học có thêm nguồn lực để đầu tư và phát triển. Ảnh: Minh Nguyễn

Về quan điểm xây dựng mức học phí nói trên, ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, các trường công lập được chia làm 2 nhóm. Nhóm trường tự chủ, tức các trường tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, xác định mức học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí và lộ trình tính đủ chi phí đào tạo. Còn đối với các trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì xác định học phí trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện theo lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước.
Với quy định và lộ trình tăng học phí như trên, thông thường các trường chưa tự chủ tài chính xác định mức học phí tương đương mức trần, còn các trường tự chủ tài chính sẽ cân nhắc để có mức học phí phù hợp với thực lực, có điều kiện nâng cao được chất lượng đào tạo, bù đắp một phần chi phí mà vẫn bảo đảm trong mức chi trả người học chấp nhận. Với 11 trường thuộc diện này, mức trần khối ngành kinh tế trong năm học này là 17,5 triệu. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết sẽ thu học phí năm học 2015-2016 là 11,5 triệu đồng/sinh viên. Năm học 2016-2017 trường sẽ thu 13,5 triệu đồng/sinh viên. Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội đề ra mức 14,5 triệu cho năm học 2015-2016 và tăng lên thành 16 triệu cho năm học tiếp theo. Trường ĐH Hà Nội sẽ thu học phí năm học 2015-2016 là 12 triệu đồng/sinh viên và đến năm học 2016-2017 là 14 triệu đồng/sinh viên.
Nâng mức tín dụng với sinh viên
Mặc dù lộ trình tăng học phí đã bắt đầu năm 2011 và mức học phí vẫn tăng dần đều cho tới nay, song việc này vẫn gây nên những băn khoăn liệu các sinh viên nghèo có mất đi cơ hội đến giảng đường hay chất lượng đào tạo có được nâng lên tương xứng? Trao đổi với báo chí về những băn khoăn này, ông Bùi Hồng Quang cho biết: Theo Nghị định, học phí ĐH chương trình đại trà tại trường chưa tự chủ tăng 10%/năm, như vậy là tăng chậm hơn giai đoạn 2011-2015, mức tăng trước đây là 20%/năm. Đối với các trường tự chủ tài chính, học phí được xây dựng theo lộ trình tính đủ chi phí đào tạo. Đến năm 2020 mới tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Bên cạnh đó, học sinh nghèo, học sinh diện chính sách, vẫn được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập như trước đây.

Về phía các trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Đinh Thị Vân Chi khẳng định tăng học phí là tất yếu. Nhà trường cần tạo điều kiện cho sinh viên được thực hành hay có các hoạt động thực tế, nhưng không thể có nguồn kinh phí nào khác ngoài việc huy động từ người học. Những khoản chi đó không nằm trong học phí nhưng sinh viên vẫn phải chi trả, trường lại có nhiều môn học nên rất khó để có một kế hoạch tổng thể. Vì vậy, rất dễ nảy ra những băn khoăn, thắc mắc.

Còn chất lượng đào tạo, theo ông Bùi Hồng Quang, học phí chỉ là một trong các yếu tố tác động. Ngoài ra, các trường công lập, từ trước đến nay, về cơ bản Nhà nước vẫn hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm hoạt động giáo dục, giảng dạy diễn ra bình thường, bảo đảm chất lượng. Nhiều lãnh đạo các trường ĐH cũng cho rằng, mặc dù yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo là chính đáng song không dễ gì có được những kết quả vững chắc chỉ sau 1-2 năm tăng học phí. Chưa kể, mức tăng 10%/năm chưa đủ giải quyết được những vấn đề căn bản, chưa đủ để tái đầu tư cho đào tạo. Để nâng cao chất lượng, cần có nhiều giải pháp mang tính đồng bộ bên cạnh tăng nguồn thu từ học phí.

Ngoài ra, đại diện các trường ĐH đều nhấn mạnh, cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên được vay dài hạn không phải trả lãi hoặc lãi suất thấp. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV Nguyễn Văn Khánh (ĐH Quốc gia Hà Nội): Mức đóng học phí phải phù hợp với mức độ phát triển kinh tế của đất nước và chính sách cần lưu ý không phải tất cả các sinh viên đều phải đóng mức học phí như nhau. Mỗi đối tượng sinh viên cần có một chính sách sao cho phù hợp. Hiện đã có nhiều ý kiến đề xuất nâng mức tín dụng học sinh, sinh viên lên 1,5-2 triệu đồng/tháng, thay cho mức 1,1 triệu hiện nay, trên cơ sở bảo đảm chi phí học tập và hỗ trợ một phần sinh hoạt, có tính tới mức tăng giá, tăng học phí và xem xét cho vay cao hơn với những học sinh, sinh viên thuộc gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.


  • Từ khóa
Khảo sát về tình hình triển khai, thi hành Luật Công đoàn trên địa bàn tỉnh
Khảo sát về tình hình triển khai, thi hành Luật Công đoàn trên địa bàn tỉnh

Sáng ngày 8/8, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Liên đoàn lao động tỉnh, để khảo sát tình hình triển khai, thi hành...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...