Những điểm mới nhất về nộp hồ sơ đăng ký dự thi năm 2015

Thứ 4, 10/12/2014 | 14:05:33
1,021 lượt xem

Trao đổi với báo chí ngày 10-12, về nộp hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng – Bộ GD-ĐT cho biết: “Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường nơi đang học”.

Có nhiều điểm mới trong khai hồ sơ đăng ký dự thi năm 2015
Có nhiều điểm mới trong khai hồ sơ đăng ký dự thi năm 2015


Có 2 Quy chế 

Về Quy chế thi năm 2015, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng – Bộ GD-ĐT cho biết: “Về cơ bản đã hoàn thành Quy chế thi và sẽ trưng cầu ý kiến rộng rãi trong thời gian sớm nhất.

Bộ xây dựng 2 Quy chế , một là kỳ thi THPT quốc gia dành cho những trường ĐH chủ trì cụm thi phối hợp với các Sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ chính quy. Quy chế này dành cho 428 trường đại học, cao đẳng trong cả nước bao gồm cả trường sử dụng kỳ thi kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển, kể cả những trường tuyển sinh riêng, xét tuyển riêng , hay trường dựa trên kết quả học tập của học sinh để xét”.

235 trường sử dụng kết quả kỳ thi chung

Về việc sử dụng kết quả thi, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT, kết quả xét giữ ổn định như năm 2014 dựa trên 50% điểm thi kì THPT Quốc gia và 50% kết quả học tập lớp 12.

Điểm khác biệt quan trọng trong sử dụng kết quả thi năm nay là thí sinh có điểm thi rồi mới được đăng kí tuyển sinh vào các ngành của trường ĐH,CĐ theo nguyện vọng.

Ông Nghĩa cho hay, trong số 428 trường ĐH,CĐ đăng kí tuyển sinh, có 235 trường sử dụng kết quả kì thi chung để xét tuyển, ví dụ như trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trường ĐH Ngoại thương và  trường ĐH Y Hà Nội có thêm điều kiện sơ tuyển.  Trường ĐH Luật TP.HCM và Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thêm điều kiện sẽ phỏng vấn một số khối thi cùng với điểm thi.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT

 

Học ở đâu nộp hồ dự thi ở đó

Vấn đề mà thí sinh quan tâm nhất hiện nay là đăng ký dự thi năm 2015 như thế nào? Ông Trần Văn Nghĩa cho biết: “Tất cả thông tin liên quan đến cá nhân, ưu tiên… học sinh đều giống như đăng ký dự thi 2014.

Tuy nhiên, có một điểm khác là hồ sơ đăng ký dự thi năm nay không đăng ký dự thi vào trường nào mà chỉ đăng ký môn thi nào; trong phiếu đăng ký dự thi, các em phải ghi rõ là đăng ký dự thi ở cụm thi nào, đăng ký môn thi nào. Đặc biệt, phải ghi rõ mục đích dự thi đây là gì. Bởi, ở đây có 3 nhóm đối tượng đăng ký dự thi khác nhau. 

Cụ thể,  nhóm 1, thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT thì đăng kí 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn còn lại trong số các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Thí sinh ở vùng khó khăn thì có thể xin thay môn Ngoại ngữ bằng một môn còn lại, có nghĩa là có hai môn tự chọn ngoài hai môn cố định là toán và văn.

Về điều kiện, những môn nào được thay thế môn ngoại ngữ, ông Nghĩa cho biết, trước kia môn thay thế môn ngoại ngữ do Bộ GD-ĐT chỉ định thì nay các em được chọn môn thay thế.

Những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương trình độ B1 trở lên hoặc chứng chỉ quốc tế (theo quy định của bộ) sẽ được miễn thi với điểm thi tối đa.

Nhóm 2, thí sinh vừa thi để xét tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả tuyển sinh ĐH, ngoài việc đăng kí 4 môn liên quan còn phải đăng kí thêm từ 1 – 4 môn khác tùy nguyện vọng các khối thi. Ví dụ, thí sinh thi khối A thì đăng kí các môn: Toán, Văn, Ngoại Ngữ, Lý và Hóa. Việc đăng kí này còn giúp thí sinh lựa chọn các khối tổng hợp khác dựa theo 5 môn này ngoài khối A đăng kí. 

Nhóm 3, thí sinh dự thi chỉ xét vào ĐH, CĐ thì chỉ thi những môn liên quan đến xét tuyển trực tiếp theo khối, ngoài ra có thể thi thêm các môn để xét vào các khối thi khác.

Về nộp hồ sơ đăng ký dự thi, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, giống như năm 2014, các em học sinh phổ thông đăng ký dự thi tại trường THPT đang học.

Thí sinh sinh tự do đăng ký dự thi tại điểm thi do Sở GD-ĐT quy định. Bởi, sau khi thí sinh nộp hồ sơ, các trường cập nhật dữ liệu nộp lên Sở và Sở chuyển dữ liệu về Bộ GD-ĐT.

Với môn thi, theo ông Nghĩa, thí sinh dự một kỳ thi, làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5 hoặc 6 bài thi, cá biệt nhiều nhất là 8 bài thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng ký tuyển sinh vào các ngành của ĐH,CĐ (sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu và các môn thi tự chọn khác theo nguyện vọng). Việc này giúp thí sinh được tuyển vào học các trường ĐH,CĐ phù hợp với kết quả thi của mình.

Đề thi chủ yếu kiến thức lớp 12

Về đề thi, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, trên cơ sở đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2014 đã có bước chuyển mạnh theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Đề thi sử dụng các câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời chứ không yêu cầu phải ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ 2014. Nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Đề thi đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH,CĐ.

Hồng Hạnh

Theo: Dantri.com.vn

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...