Phòng thủy đậu lây lan trong trường học

Thứ 4, 26/04/2023 | 00:00:00
541 lượt xem

Từ đầu năm đến nay, Thái Bình ghi nhận 3 chùm ca bệnh thủy đậu tại các trường mầm non và tiểu học, tất cả đều phát hiện trong tháng 4. Dự báo số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng, các nhà trường chủ động nhiều biện pháp phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ.

Với gần 300 trẻ đang theo học, trường mầm non Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư luôn chú trọng việc giáo dục, hướng dẫn các kỹ năng vệ sinh cho trẻ, nhất là vệ sinh tay và họng, lồng ghép trong các bài học, các hoạt động hàng ngày. Mỗi trẻ đều có đồ dùng cá nhân riêng, có ký hiệu nhận biết, không dùng chung cốc, thìa, gối, khăn mặt, tránh lây nhiễm chéo nếu có dịch. Nhờ làm tốt công tác phòng chống, từ đầu năm đến nay, nhà trường chưa ghi nhận ca bệnh thủy đậu nào.

 

Cô giáo Trần Thị Minh Tâm, hiệu trưởng trường mầm non Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư: 

"Nhà trường đã làm tốt công tác vệ sinh, có lịch vệ sinh hàng tuần, hàng tháng, hằng ngày. Hàng tuần có phun khử khuẩn bằng cloramin B, hàng tháng phun dung dịch diệt côn trùng. Tăng cường bổ sung cho các cháu nhóm thực phẩm có nhiều vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho trẻ". 

Dù thủy đậu là bệnh lành tính, song vẫn có thể gây ra biến chứng, nhẹ là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn thì vi trùng xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Biến chứng nguy hiểm hơn cả là viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... có thể nguy hiểm đến tính mạng, hoặc để lại di chứng cả đời. Đối với trẻ nhỏ, khả năng tự phòng bệnh còn kém, các nhà trường tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền để phụ huynh chủ động bảo vệ sức khỏe cho con. Cùng với đó là sẵn sàng phương án xử lý nếu phát hiện trẻ mắc bệnh trong trường. 


Cô giáo Phan Thị Thu Hằng, trường mầm non Vũ Chính, TP Thái Bình: 

"Trong lớp ngay từ ban đầu khi đón trẻ chúng tôi đã khảo sát rất kỹ với phụ huynh, kiểm tra tình hình sức khỏe của trẻ, xem trẻ có sốt hoặc có biểu hiện gì khác thường không. Khi trẻ không may xảy ra trong lớp, chúng tôi sẽ trao đổi để phụ huynh đưa con đến cơ sở y tế khám bệnh kịp thời. Khử khuẩn lớp học cũng như toàn bộ trường học, kết hợp với gia đình theo dõi cháu tại nhà." 



Ông Nguyễn Văn Thơm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Bình: 

"Đối với thủy đậu cần lưu ý đến nhóm trẻ trong trường mầm non, tiểu học, nhất là các trường học bán trú. Khuyến cáo phụ huynh học sinh luôn theo dõi chăm sóc trẻ, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, quan tâm việc tiêm phòng cho các cháu. Các nhà trường đảm bảo có nơi chăm sóc trẻ khi có biểu hiện nghi ngờ.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng thủy đậu, trẻ cần được tiêm vaccine khi đủ 12 tháng tuổi trở lên. Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Trường hợp mắc thủy đậu cần được nghỉ học từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan trong lớp học.

Hà My

  • Từ khóa
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương

Nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV, sáng 25/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...