Quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã

Thứ 6, 14/04/2023 | 00:00:00
505 lượt xem

Bệnh tiểu đường và tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi không có biểu hiện rõ rệt, đa phần bệnh nhân khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn, phải điều trị kéo dài. Đáng lo ngại là những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh không lây nhiễm nói chung, 2 bệnh này nói riêng ngày càng gia tăng tại cộng đồng. Trước thực tế này, Thái Bình triển khai mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã nhằm phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời ngay từ cơ sở.

Cán bộ Trạm y tế xã Văn Lang, huyện Hưng Hà khám bệnh cho bệnh nhân

Hơn 10 năm sống chung với bệnh tăng huyết áp và tiểu đường, trước kia ông Phao hàng tháng đều phải nhờ con cháu đưa đến bệnh viện khám định kỳ, nhận thuốc điều trị ngoại trú. Từ 2 năm trở lại đây, ông được chuyển về theo dõi, cấp thuốc ngay tại trạm y tế xã. Thay đổi này giúp ông tiết kiệm được thời gian đi lại và cả chi phí điều trị bệnh.


Ông Đào Ngọc Phao, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà: “Lên huyện muốn đi bộ thì không đi được, 2 đầu gối thì đau. Xe máy thì huyết áp cao các cháu không cho đi. Lên trạm chỉ cần đạp xe đạp là rất thuận tiện. Khám thì đo huyết áp ở huyện hay ở trạm cũng vậy thôi. Rất nhiệt tình, phấn khởi.”


Thái Bình triển khai mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã nhằm phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời ngay từ cơ sở

Các huyện, thành phố đang quản lý hơn 54.000 người mắc tăng huyết áp và 14.000 người mắc đái tháo đường. Thực hiện mô hình quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế, bệnh nhân mới và bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện tuyến trên khi có bệnh án và điều trị ổn định sẽ được chuyển về trạm quản lý. Định kỳ 3 tháng một lần chuyển khám, xét nghiệm lại tại bệnh viện huyện để điều chỉnh đơn thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân được bác sĩ tại trạm y tế xã theo dõi việc tuân thủ điều trị tại gia đình, tư vấn dự phòng biến chứng, chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao. Hiệu quả của mô hình này thì đã rõ, song trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít khó khăn.


Y sĩ Đào Thị Nhinh, Trạm Trưởng trạm y tế xã Văn Lang, huyện Hưng Hà: “Thứ nhất là tình hình thuốc, như thuốc tăng huyết áp chỉ có 1 loại. Ngoài ra những thuốc điều trị thêm rất nghèo nàn nên bệnh nhân lười đến trạm. Bệnh nhân tiểu đường thì chúng tôi không được cấp thuốc theo phác đồ điều trị ở trên gửi về. Bên cạnh đó giờ hiệu thuốc tư nhân rất nhiều, nhiều người họ bỏ tiền túi ra mua chứ ít khi đến trạm.”




Bác sĩ CKI Nguyễn Quang Đới, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà: “Thuốc thì đắt, mà trần cấp thuốc của huyện cao hơn, lên đó thuốc phong phú hơn, còn cấp ở xã rất khó khăn, trần thấp, nên bệnh nhân vẫn phải lên huyện để kết hợp làm cả xét nghiệm trên huyện chứ ở xã thì chưa làm được.”


Nhiều trạm y tế vẫn thiếu thốn về trang thiết bị, vật tư và nhân lực nên ít bệnh nhân đến khám

Ghi nhận nhanh tại một số xã, dù bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường lên tới 300 – 400 người, nhưng số đến lĩnh thuốc tại trạm y tế chỉ khoảng 10 – 20 người, không đạt nổi 10%. Nhiều trạm y tế vẫn thiếu thốn về trang thiết bị, vật tư và cả nhân lực để đảm bảo triển khai tốt mô hình. Đa phần các trạm chỉ dừng ở khâu quản lý về số người mắc bệnh chứ chưa điều trị thường xuyên, lâu dài. 


Bác sĩ CKII Vũ Đình Triển, Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Về phía CDC chúng tôi cũng đã đi giám sát ở các địa phương và phản ánh tình hình với Sở và các đoàn giám sát của Bộ Y tế để có phương án tháo gỡ dần. Trong thời gian trước mắt thì tỉnh Thái Bình được Quỹ Thiện tâm hỗ trợ đào tạo nhân lực cho tuyến xã và sàng lọc cho người dân từ 40 tuổi trở lên. Chúng tôi đã thực hiện được cho 4 huyện.” 


Với mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, ngành y tế đang tiếp tục củng cố, đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở; tăng cường hiệu quả hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm theo hướng toàn diện và huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể. Đồng thời, nâng cao năng lực dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm từ y tế xã để cung cấp dịch vụ toàn diện, chuyên sâu cho người bệnh.

Hà My

  • Từ khóa
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương

Nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV, sáng 25/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...