Nguy hiểm cần lưu ý về Bệnh thủy đậu

Thứ 3, 23/02/2021 | 00:00:00
365 lượt xem

Bệnh thủy đậu( phổng rạ) do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, rất dễ lây truyền. Đây là bệnh nguy hiểm cho cả người lớn và trẻ nhỏ và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách. Bác sĩ Chuyên khoa II Lưu Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình có một số khuyến cáo cho bệnh thủy đậu.

Bệnh thủy đậu nổi mụn nhọt khắp cơ thể

Bệnh thủy đậu( phổng rạ) do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, rất dễ lây truyền.

Thời gian ủ bệnh khoảng 2-3 tuần. Ban ngứa có thể là dấu hiệu đầu tiên của cơn bệnh. Sốt nhẹ, nhức đầu và mệt mỏi là điều thông thường. Khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước, mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước từ l - 3mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.

Trẻ nhỏ sốt thủy đậu

Trẻ nhỏ còn kèm sốt nhẹ, biếng ăn; người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt phổng rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng, mụn nước có thể để lại sẹo.

Bác sĩ Chuyên khoa II Lưu Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình:

"Phòng ngừa: Vaccine chống thuỷ đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu như sau: Trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần. Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu lần nào cũng tiêm 1 lần. Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần. Điều trị bệnh thủy đậu: Dùng một số thuốc kháng histamin giúp giảm bớt ngứa ngáy, khó chịu. Nếu có nguy cơ cao gặp phải biến chứng thủy đậu, dùng thuốc để rút ngắn thời gian nhiễm trùng, giảm gây biến chứng bằng thuốc kháng virus là Acyclovir. Tiêm phòng vắc-xin ngay khi nghi ngờ đã tiếp xúc với virus gây bệnh".


Bác sĩ điều trị cho người bệnh thủy đậu

Nếu nhận thấy có các biến chứng, người bệnh cần dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng da và viêm phổi. Có thể điều trị biến chứng Viêm não bằng thuốc kháng virus. Người bệnh khi có biến chứng cần nhập viện để điều trị.

Bác sĩ Chuyên khoa II Lưu Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình:

 "Khuyến cáo của bác sĩ về cách chăm sóc và điều trị bệnh này ngay tại nhà: Trường hợp không có biến chứng, thực hiện các cách sau để giảm nhẹ triệu chứng thủy đậu. Tránh gãi lên vùng da có tổn thương vì có thể để lại sẹo, làm chậm lành vết thương và tăng nguy cơ bị loét, tạo điều kiện cho nhiễm trùng nặng thêm. Tắm bằng nước mát, có thể ngâm mình với bột baking soda, bột yến mạch thô để giảm bớt khó chịu. Ăn các thực phẩm mềm, dễ nuốt, có vị nhạt nếu vết loét do thủy đậu xuất hiện ở trong miệng".


Sử dụng một số thuốc như thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa hay paracetamol khi bị sốt nhẹ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bùi Minh

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...