Trai sông: Món ăn ngon, vị thuốc tốt

Thứ 2, 29/10/2018 | 17:19:51
3,803 lượt xem

Những món ăn chế biến từ trai sông có thể là những bài thuốc hữu hiệu trong điều trị nhiều loại bệnh thường gặp.

Con trai sông (Hình minh họa: aniforte.nl)

Với nhiều người xuất thân từ làng quê Việt Nam, trai sông có lẽ là một loài vật rất quen thuộc. Trai sông xuất hiện rất nhiều ở các ao, hồ, sông, suối của vùng đồng bằng, trung du và miền núi, là nguyên liệu để làm nên các món canh đồng quê thơm ngon, bổ dưỡng.

Trong y học cổ truyền Việt Nam, trai sông là một vị thuốc thường dùng với ưu điểm chữa được nhiều loại bệnh thường gặp mà cách thức cũng khá đơn giản. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng trai sông để vừa làm món ăn hàng ngày, vừa chữa bệnh.

Cuốn sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" (NXB Khoa học và Kỹ thuật), nơi tập hợp các công trình nghiên cứu của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược liệu - Dược Cổ truyền đã chỉ rõ công dụng của trai sông và phương pháp tiến hành trong điều trị từng loại bệnh cụ thể.

Theo đó, thịt trai sông có vị ngọt, mặn, tính hàn, có tác dụng lợi thấp, thanh nhiệt, tiêu khát, hạ huyết áp. Nhân dân các địa phương thường bắt trai về, rửa sạch, cho vào nồi nước, đun sôi cho trai há miệng, để nguội và gỡ lấy thịt trai. Công thức 50g thịt trai thái nhỏ, trộn với một nắm lá dâu non đã rửa sạch, thái nhỏ, nấu cho nhừ, thêm muối cho đủ đậm để ăn là bài thuốc hữu hiệu chữa chứng mồ hôi trộm, trẻ hay khóc về đêm. Liều dùng là 2 lần một ngày và dùng trong vòng từ 3 đến 5 ngày.

Thịt trai cũng có thể chữa nhức đầu, cao huyết áp, thủy thũng với công thức thịt trai (từ 30 đến 50g) nấu với râu ngô (20g, loại non càng tốt) cho thật nhừ. Vớt râu ngô ra, thêm 10g hành, 3g gừng và bột gia vị, ăn trong ngày.

Để chữa viêm gan, vàng da, có thể lấy thịt trai (từ 30 đến 50g) kết hợp với 30g nhân trần thái nhỏ, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

Bên cạnh thịt trai, vỏ trai sông cũng rất hữu ích. Vỏ trai có vị mặn, tính hàn, có tác dụng giảm đau, chống viêm, tiêu tích, minh mục, hóa đờm. Vỏ trai sông thường được dùng để chữa chứng bệnh sưng vú ở phụ nữ bằng công thức vỏ trai nung thành vôi, tán nhỏ, lấy 6g trộn đều với 40g gai bồ kết rang vàng, tán nhỏ. Mỗi ngày uống một thìa cà phê hỗn hợp bột này với ít rượu.

Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, người ta cũng dùng thịt trai sông như những thức ăn – vị thuốc. Công thức thịt trai (50g) ninh nhừ với thịt lợn nạc (20g) ăn vào bữa cơm chữa bệnh tiểu nhiều về đêm. Để chữa kinh nguyệt ra quá nhiều, có thể sử dụng công thức thịt trai (50g) xào chín với dầu lạc, thêm ít rượu, gừng, muối để ăn trong ngày. Ngoài ra, công thức thịt trai (50g) nấu nhừ thành cháo cùng thịt hàu (50g) và gạo tẻ (100g), ăn ngày 2 lần là bài thuốc hữu hiệu để chữa cao huyết áp, phòng ngừa tai biến mạch máu não, nhức đầu, chóng mặt, suy gan.

Các nhà khoa học ở Đại học Quốc gia Singapore đã nghiên cứu thành công phương pháp vá vết thương ở người bằng hỗn hợp chất chitin lấy từ vỏ ốc, trai, hến, cua kết hợp với một số chất từ nấm. Loại thuốc mới này có tác dụng ngăn cản sự đóng cục của máu và hàn được cả những vết gãy của xương.

Theo VTV.VN

HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...