Áp dụng mức viện phí mới cho người có BHYT: Ở huyện cũng như trung ương

Thứ 2, 26/10/2015 | 08:16:00
789 lượt xem

Từ tháng 11-2015, người bệnh có Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ khám chữa bệnh theo giá viện phí mới. Thay vì mỗi tỉnh, thành phố một giá như trước đây, giá khám bệnh, giá giường bệnh mới chỉ chia theo hạng bệnh viện. Còn giá phẫu thuật, thủ thuật sẽ đồng hạng trên toàn quốc.

Tăng 20-30%

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, dự kiến tháng 11-2015, giá viện phí mới sẽ bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Các chi phí trực tiếp cũng được tính lại theo giá thị trường. Dự tính giá viện phí mới sẽ tăng 20-30% so với hiện nay.

Người bệnh có thể điều trị bệnh ở BV tuyến trung ương với giá như "ở huyện" (Ảnh chụp phòng mổ hiện đại nhất Việt Nam tại BV Việt - Đức).

Ông Nam Liên cho biết, theo thông tư quy định giá viện phí mới, giá khám bệnh sẽ được quy định theo hạng bệnh viện (BV). Giá ngày, giường cũng phân theo hạng BV và chuyên khoa. Do tiêu hao máy móc, vật tư lớn hơn nên giá giường bệnh các chuyên khoa cấp cứu, hồi sức cao hơn giá giường bệnh khác. Còn giá dịch vụ kỹ thuật sẽ áp dụng chung cho tất cả bệnh viện trên toàn quốc, không cần phân hạng BV.
Lý giải điều này,  cũng theo ông Nam Liên , các lần tăng viện phí trước đây, Bộ Y tế chỉ xây dựng khung giá, sau đó các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để đề ra mức giá hợp lý mà không vượt quá mức trần của khung giá. Đợt tăng viện phí năm 2013 vừa qua, có tỉnh tăng tới 80-90% khung giá nhưng lại có tỉnh, thành phố chỉ tăng 65-70% khung giá. Điều này dẫn đến việc cùng một loại bệnh, cùng hạng BV nhưng mỗi tỉnh, thành phố khám, điều trị một mức giá khác nhau. Cùng tham gia BHYT nhưng quyền lợi khám chữa bệnh của người dân lại không đồng đều.
Theo ông Nam Liên, giá phẫu thuật, thủ thuật thì đồng hạng từ tuyến huyện đến trung ương vì đối với mỗi ca phẫu thuật, thủ thuật, các chi phí tiêu hao từ vật tư y tế đến con người là như nhau nhưng xưa nay giá ở BV huyện lại thấp hơn từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng so với trung ương. "Giá quá thấp khiến cho nhiều BV tuyến dưới không dám phẫu thuật vì thu không đủ chi" - ông Liên cho biết. Đồng thời việc áp "đồng giá" phẫu thuật, thủ thuật cũng giúp các BV, các tỉnh đỡ mất công tính toán giá viện phí mới, giảm được rất nhiều chi phí khi xây dựng giá. Đơn cử như Thông tư 04 có hiệu lực từ năm 2012 nhưng đến cuối năm 2013 tất cả các cơ sở mới áp dụng được giá viện phí mới vì mỗi tỉnh, thành phố lại tính toán, xây dựng mức giá cho riêng mình, rất mất thời gian.

Để tránh "sốc" cho người dân chưa có thẻ BHYT, Bộ Y tế tính toán phải đến hết quý III-2016 mới áp dụng giá mới cho người chưa có BHYT. Đến cuối năm 2016, giá viện phí lại tiếp tục tăng, gánh thêm chi phí tiền lương của nhân viên y tế.

Chuyển đổi cơ chế tài chính chi cho y tế

Chia sẻ về vấn đề viện phí mới, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, tăng viện phí theo hướng thị trường là một bước nhằm chuyển đổi cơ chế tài chính "Nhà nước bao cấp cho ngành Y tế" sang việc dùng ngân sách để hỗ trợ cho người dân. "Hiện nay, mỗi năm Nhà nước dành khoảng 16.000 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên y tế. Khi lương tính vào giá viện phí thì 16.000 tỷ đồng này sẽ dành để mua thẻ BHYT cho người dân hoặc hỗ trợ tiền đi lại, ăn ở của người bệnh nghèo, hỗ trợ các ca bệnh nặng, chi phí lớn" - ông Sơn phân tích. Người bệnh chỉ phải chi trả 5-20% giá viện phí nên cũng sẽ không phải chịu gánh nặng lớn. Còn những đối tượng thực sự khó khăn, cần hỗ trợ như người nghèo, trẻ em, người có công… được miễn phí mà vẫn hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn
 
 Đồng thời, ông Sơn cũng cho biết, khi viện phí ngang bằng với giá thị trường thì người dân sẽ bớt phải bỏ tiền túi để chi cho các vật tư "không quy định vào giá" như trước đây. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội đã tính toán để đưa tất cả các chi phí cần thiết cho khám chữa bệnh vào viện phí, bảo đảm người bệnh có thể hưởng điều trị bệnh hiệu quả mà không phải mua thêm vật tư bên ngoài.

Theo ông Sơn, nếu tính thêm chi phí trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật thì trong tháng 11 và tháng 12-2015, chi phí BHYT dự kiến tăng khoảng 30% so với các tháng trước. Còn đưa cả chi phí lương vào viện phí thì chi phí BHYT trong năm 2016 sẽ tăng 50-70% so với năm 2015. Tuy nhiên, do Quỹ BHYT vẫn đang kết dư hơn 35.000 tỷ đồng nên chưa lo chi phí vượt quỹ. Tuy nhiên, nếu năm 2018, giá viện phí đã tính đúng, tính đủ cả 7/7 yếu tố cấu thành viện phí (hiện nay mới có 3 yếu tố) thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phải tính đến việc tăng mức đóng BHYT lên 6% mức lương cơ bản (hiện là 4,5% mức lương cơ bản) như Luật BHYT sửa đổi đã quy định.

Bệnh viện lo giữ bệnh nhân

Ông Nam Liên cho biết, với cơ chế tài chính hiện nay, BV dù làm tốt hay chưa tốt thì ngân sách nhà nước vẫn cấp kinh phí trả lương cho bác sĩ và chi phí cho bệnh nhân tính theo đầu giường bệnh. Do đó xảy ra tình trạng bệnh nhân đi khám bệnh phải "mang ơn" bác sĩ hoặc không ít nhân viên y tế có thái độ trịch thượng, thờ ơ với người bệnh. Vì làm tốt hay không, đối xử tử tế hay thô lỗ thì vẫn được trả lương. Còn nếu giá viện phí tính theo giá thị trường, Nhà nước ngừng cấp kinh phí, BV không thu hút được bệnh nhân sẽ "đói".

Đồng tình với quan điểm này, ông Sơn cho biết, tăng viện phí chính là cách tốt nhất để các BV tự "chuyển mình", nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thay đổi thái độ phục vụ đối với bệnh nhân - "Thượng đế". Làm tốt - lương cao, nhân viên y tế sẽ phải thay đổi quan niệm "ban ơn", còn người bệnh cũng có quyền yêu cầu được phục vụ tốt, phù hợp với giá tiền mình bỏ ra.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bà Hường phân tích việc điều chỉnh viện phí lần này được coi là "một mũi tên trúng hai đích": BV đỡ khó khăn hơn khi tự chủ tài chính, còn bệnh nhân cũng được hưởng chất lượng khám chữa bệnh cao hơn, đỡ phải mua vật tư bên ngoài. Mỗi BV cũng phải cố gắng hết sức để thu hút bệnh nhân, nếu không BV sẽ không có tiền trả lương nhân viên, thậm chí đóng cửa.
 
"Sang quý II-2016, giá viện phí mới sẽ áp dụng cho cả đối tượng chưa tham gia BHYT. Đến cuối năm 2016, giá viện phí lại tiếp tục tăng và tiến tới tính đúng, tính đủ theo giá thị trường. Lúc đó viện phí có thể tăng gấp đôi, gấp ba so với hiện nay. Nếu người dân không tham gia BHYT nếu ốm đau thì chi phí sẽ rất lớn. Trong khoảng thời gian 4 tháng (từ nay đến tháng 3-2016) trước khi áp dụng viện phí mới cho cả người không có BHYT, Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế và các ngành có liên quan cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để 27% dân số còn lại tham gia BHYT" - ông Phạm Lương Sơn cho biết.

 Bài, ảnh: Anh Thư
Hanoimoi.com.vn


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...