91% thuốc kháng sinh bán ở nông thôn không theo đơn thuốc

Thứ 4, 06/08/2014 | 07:41:54
959 lượt xem

Kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía bắc của trường ĐH Dược và Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho thấy, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% thành thị và 91% nông thôn. Người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn chiếm hơn 49% ở thành thị và hơn 28% nông thôn.

91% thuốc kháng sinh bán ở nông thôn không theo đơn thuốc

Đây là kết quả được Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nêu lên tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch hành động Quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2014-2020 vừa diễn ra hôm nay 5-8, tại Hà Nội.

 

Theo ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, khảo sát trên điều tra hơn 2900 nhà thuốc, trong đó có 24% hiệu thuốc ở thành thị và hơn 29% hiệu thuốc ở nông thôn có bán đơn thuốc kê kháng sinh. Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

“Mức độ ngày càng trầm trọng và tốc độ gia tăng của kháng thuốc ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng. Kết quả là chỉ 70 năm kể tử khi giới thiệu thuốc kháng sinh, chúng ta đang phải đối mặt với một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và phương pháp điều trị như hóa trị ung thư và cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người”, ông Thái nhấn mạnh.

Ông Cao Hưng Thái phân tích, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng kháng thuốc là việc sử dụng quá liều, dưới liều hoặc lạm dụng thuốc kháng khuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan. Thực tế nhiều người bệnh mua kháng sinh khi không có đơn của thầy thuốc, sử dụng kháng sinh để điều trị đối với trường hợp không do bệnh lý nhiễm khuẩn gây ra, sử dụng kháng sinh, thuốc không phù hợp với loại, chủng vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra... sử dụng không đúng liều lượng, hàm lượng, thời gian sử dụng.

Thói quen tự chữa trị và “bắt chước” đơn thuốc của người dân dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ y tế, trang thiết bị của một số cơ sở y tế, đặc biệt ở các tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa có điều kiện, khả năng làm kháng sinh đồ nên người bệnh không được sử dụng kháng sinh hợp lý.

Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý

Nói về tình hình kháng thuốc tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng thời gian sử dụng kháng sinh, làm tăng đề kháng kháng sinh và tăng chi phí điều trị. Hiện nay, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện thường chiếm 10 đến 15%. Thực tế, mặc dù đã hạn chế tối đa nhưng tình trạng quá tải ở các bệnh viện T.Ư khiến cho việc nhiễm khuẩn chéo không thể tránh khỏi. Bộ Y tế đã có những hướng dẫn cụ thể nhưng việc thực hiện ở các bệnh viện chưa đồng đều.

Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư là một trong những bệnh viện thiết lập, triển khai việc giám sát về kháng thuốc, bên cạnh các bệnh biện khác như BV Bạch Mai, BV Nhi Đồng 1... Tuy nhiên, những hoạt động giám sát chưa được thực hiện thường xuyên. Việc thiếu các cơ sở xét nghiệm có thể xác định chính xác vi sinh vật đề kháng dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện các vi sinh vật đề kháng mới nổi, nên không thể có những hành động nhanh chóng để khống chế tình trạng kháng thuốc.

Để kiểm soát việc kê thuốc kháng sinh, BV Nhiệt đới T.Ư giao cho Khoa Dược lâm sàng hàng ngày phải kiểm tra đơn thuốc đối với bệnh nhân nội trú, và các nhà thuốc của bệnh viện có nhiệm vụ kiểm tra đơn thuốc đối với bệnh nhân ngoại trú.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020. Theo đó, Bộ Y tế đã ra các văn bản quy phạm pháp luật để yêu cầu các đơn vị thành lập các hội đồng giám sát việc kê đơn của các bác sĩ. Ngoài ra, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo cũng phải triển khai đồng bộ. Tăng cường truyền thông giáo dục để người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng kháng sinh bất hợp lý, các thầy thuốc kê đơn, chỉ định thuốc đúng liều lượng, tránh lạm dụng thuốc kháng sinh.

Tuy vậy, một số ý kiến cũng cho rằng, việc kiểm soát bán thuốc theo đơn ở cộng đồng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức và sẽ cần có lộ trình lâu dài.

An Nguyên

Theo: Nhandan.com.vn

 
  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...