Hết lòng vì người bệnh tâm thần

Thứ 6, 12/06/2020 | 00:00:00
3,822 lượt xem

Chọn lấy công việc không hề nhẹ nhàng trong nghề y – nghề mà vốn đã rất vất vả, nhiều áp lực, các cán bộ y tế tại Bệnh viện Tâm thần Thái Bình vẫn đang ngày đêm hết lòng vì những bệnh nhân đặc biệt của mình. Bác sĩ CKI Vũ Hồng Dịu, phó trưởng khoa Suy nhược thần kinh là một người như vậy.

Bác sĩ Vũ Hồng Dịu thăm khám cho bệnh nhân

Vào bệnh viện Tâm thần Thái Bình vì rối loạn cảm xúc lưỡng cực, bệnh nhân Nguyễn Thị Minh Huệ thường xuyên cáu gắt, buồn bực, ít tâm sự với người nhà. Thế nhưng, bằng những cuộc chuyện trò gần gũi của bác sĩ Vũ Hồng Dịu, bệnh nhân đã mở lòng hơn. 

Chị Nguyễn Thị Minh Huệ: 

Nhìn chung bác sĩ rất quan tâm chia sẻ từ đời sống hàng ngày đến ăn ở, đến giấc ngủ cho đến mọi hoạt động... Điều trị ở đây cảm thấy yên tâm và đỡ rất nhiều.   


   

Bác sĩ CKI Vũ Hồng Dịu: 

Mình đặt bản thân mình vào người nhà bệnh nhân, coi họ như người thân của mình.. giúp đỡ được người ta điều gì thì mình giúp đỡ.   


Hơn 10 năm gắn bó với Bệnh viện Tâm thần Thái Bình, trước khi chuyển sang khoa Suy nhược thần kinh, bác sĩ Vũ Hồng Dịu từng công tác ở khoa Nghiện chất với rất nhiều bệnh nhân nặng. Những đêm thức trắng vì bệnh nhân tái phát. Hay những lần đi tìm cả tháng trời vì bệnh nhân bỏ viện. Không thể bằng lời mà nói hết được bao nhiêu vất vả trong công việc của người bác sĩ tận tâm này. 

Với bệnh nhân tâm thần, bác sĩ không chỉ điều trị mà còn phải biết lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông với xúc cảm của bệnh nhân

Bác sĩ Dịu chia sẻ: “Những bệnh nhân rượu hoặc bệnh nhân tâm thần phân liệt vào bao giờ cũng phải cưỡng chế để đưa đi điều trị. Bệnh nhân vào chửi bới la hét đánh bác sĩ, đánh điều dưỡng hoặc đâm sau lưng… nhưng chẳng gì bằng lòng yêu nghề. Đến giờ chúng tôi cũng đã quen với những trường hợp như vậy. Cố gắng kiếm soát được cảm xúc hành vi của bệnh nhân.”   

     Với trẻ em, Bác sĩ Dịu luôn lấy sự đồng cảm, chân thành để tìm ra phương pháp chăm sóc phù hợp 

Còn tại khoa Suy nhược thần kinh, độ tuổi của bệnh nhân đa dạng hơn, từ những đứa trẻ mới 6, 7 tuổi, đến các cụ già 80 - 90 tuổi. Bác sĩ Vũ Hồng Dịu luôn lấy sự đồng cảm, chân thành để tìm ra phương pháp chăm sóc phù hợp với từng người. Chị tâm sự: “Khi cấp cứu 1 ca tâm thần, điều trị 1 ca bệnh khó mà tạm ổn thì cảm thấy rất phấn khởi, rất hạnh phúc. Ở đây nhiều bệnh nhân hoàn cảnh nên khi điều trị xong người ta cảm ơn 1 câu thôi thì cũng thấy mãn nguyện rồi!”  

Bác sĩ Lê Minh Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thái Bình: Bác sĩ Vũ Hồng Dịu là người có chuyên môn vững vàng, thái độ với người bệnh, người nhà rất ân cần, trong khám bệnh thì tỷ mỉ, chịu khó, về chuyên môn thì có sáng tạo. Đồng chí đã có những hướng điều trị tích cực để bệnh nhân mau chóng hồi phục, rút ngắn ngày điều trị. Bệnh viện coi như một điển hình nêu gương nhân rộng. 


Hết lòng vì người bệnh, mong ước giản dị của bác sĩ Vũ Hồng Dịu là chuyên ngành tâm thần được phát triển hơn, xã hội quan tâm hơn đến công việc đặc biệt này để chị được cống hiến nhiều hơn, giúp ngày càng nhiều người bệnh tâm thần được trở lại gia đình, hòa nhập với cộng đồng.

Hà My

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...