Độ bảo mật thông tin khi sử dụng bluezone

Thứ 3, 18/08/2020 | 09:17:57
1,672 lượt xem

20 triệu người dùng tại Việt Nam đã cài đặt ứng dụng Bluezone, ứng dụng sẽ đưa ra cảnh báo trong trường hợp người cài đặt tiếp xúc với F1 hoặc F0. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến nghi ngại về vấn đề an toàn, bảo mật thông tin khi cài đặt và sử dụng Bluezone, chẳng hạn về vị trí, về danh tính, lịch sử đi lại...Các chuyên gia an toàn thông tin nói sao về những băn khoăn này của người dùng ứng dụng Bluezone?

Ứng dụng Bluezone có chức năng tự động thống kê và ghi lại việc tiếp xúc giữa những người đã cài đặt Bluezone với nhau. Với việc sử dụng công nghệ xác định tiếp xúc bằng Bluetooth năng lượng thấp, ứng dụng Bluezone sẽ chỉ ghi nhận 2 người có gặp nhau lúc nào đó và trong bao lâu. Danh tính và vị trí gặp nhau ở đâu, ứng dụng hoàn toàn không biết.


Ông Lê Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần An ninh mạng VIệt Nam (VSEC): “Công nghệ sử dụng Bluetooth năng lượng thấp sẽ giúp truy vết hiệu quả hơn so với các công nghệ khác như GPS hay sóng điện thoại. Công nghệ này chỉ ghi nhận các cuộc tiếp xúc gần thông qua kết nối Bluetooth giữa thiết bị của những người sử dụng ở gần nhau. Chính vì vậy nó sẽ không khai thác bất kì thông tin nào liên quan đến vị trí của người sử dụng.”

Người sử dụng Bluezone cũng sẽ không biết rõ danh tính của người từng tiếp xúc bởi việc ghi nhận này được thực hiện dưới dạng mã ID. Mã ID sẽ thay đổi liên tục để đảm bảo vấn đề bảo mật. Khi có một ca nhiễm bệnh (F0), mã ID sẽ được cơ quan Y tế đưa lên hệ thống. Hệ thống sau đó sẽ gửi mã ID này tới thiết bị của tất cả người sử dụng Bluezone để so sánh lịch sử tiếp xúc và đưa ra cảnh báo nếu trùng khớp.

Ông Trần Việt Hải – Giám đốc điều hành Bkav Electronics: “Ứng dụng Bluezone hoạt động theo mô hình phân tán, do vậy dữ liệu hoàn toàn nằm trên máy người dùng. Chính vì vậy các biện pháp bảo đảm an ninh chính là từ phía người dùng . Người dùng sẽ phải có ý thức bảo vệ giống như là bảo vệ các thông tin cá nhân, riêng tư của họ trên điện thoại”.


Do ứng dụng không hề tải dữ liệu lên hệ thống máy chủ nên các chuyên gia an toàn thông tin một lần nữa khẳng định: quyền riêng tư của người dùng hoàn toàn được đảm bảo.

Ông Vũ Quốc Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam khẳng định: “Công nghệ truy vết thông qua lịch sử tiếp xúc là phương pháp truy vết hiệu quả đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Đây là một giải pháp dễ triển khai, chi phí thấp cũng như an toàn, bảo mật. Giúp chúng ta không mất nhiều công sức để có thể truy vết nhanh chóng, chính xác những người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh. Từ đó bảo vệ cộng đồng một cách hiệu quả.”Theo thông tin từ Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), trong ngày 13/8 vừa qua, từ 17 ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 có cài ứng dụng Bluezone, Đà Nẵng và Hà Nội đã truy vết được 82 trường hợp F1 và F2 nằm ngoài danh sách truy vết theo cách truyền thống là điều tra lịch trình người bệnh. Dù mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các ca cần truy vết, nhưng kết quả này cho thấy Bluezone  thực sự có hiệu quả trong việc phòng chống đại dịch Covid-19. Ứng dụng sẽ hoạt động hiệu quả nếu được 60% dân số trưởng thành, tương đương khoảng 30-40 triệu người sử dụng.  

Như vậy, bảo mật dữ liệu, không thu thập vị trí, ẩn danh và minh bạch khi cài đặt và sử dụng Bluezoe là khẳng định của các chuyên gia. Vì vậy, quý vị hãy yên tâm cài đặt và sử dụng bluezone bằng cách vào kho ứng dụng trên điện thoại hoặc truy cập website : Bluezone.gov.vn

Theo TTXVN

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...