Quy định mới về chế độ nâng bậc lương

Thứ 3, 22/07/2014 | 16:22:42
5,004 lượt xem

Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư số 65/2014/TT-BQP hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn với quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) và công nhân viên chức quốc phòng (CNVC) hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 28-7-2014.

QNCN thực hiện bảo dưỡng vũ khí tại Kho K816 (Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật)

Đối tượng áp dụng là QNCN và người làm công tác cơ yếu không phải quân nhân, công an nhân dân (gọi chung là QNCN) đang xếp hưởng lương theo bảng lương QNCN hoặc bảng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu; công nhân viên chức quốc phòng và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu (gọi chung là CNVC) đang xếp hưởng lương theo các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

1. Chế độ nâng bậc lương thường xuyên

Điểm mới theo quy định của thông tư là QNCN được phong, phiên quân hàm cấp Thiếu úy trở xuống; CNVC chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức loại B và loại C của bảng 2, bảng 3 và bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (bảng 4) quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP, thì sau 2 năm đủ (24 tháng) giữ bậc lương trong nhóm, ngạch được xét nâng một bậc lương (quy định trước là 3 năm). QNCN được phong, phiên quân hàm cấp Trung úy trở lên, chưa xếp bậc lương cuối cùng trong nhóm của bảng lương QNCN thuộc Quân đội nhân dân (bảng 7); CNVC chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3 quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP, thì sau 3 năm đủ (36 tháng) giữ bậc lương trong nhóm, ngạch được xét nâng một bậc lương.

Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm: Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật; thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi học, thực tập, công tác ở trong nước, nước ngoài nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên gồm: Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương; thời gian đi học, thực tập, công tác ở trong nước, ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định; thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam…

Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên:

Có đủ thời gian giữ bậc trong nhóm, ngạch theo quy định, trong suốt thời gian giữ bậc lương được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu quân nhân.

Thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên:

Trong suốt thời gian giữ bậc lương hiện hưởng, nếu các đối tượng đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu quân nhân thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định như sau:

- Kéo dài 12 tháng đối với các trường hợp bị kỷ luật một trong các hình thức: Giáng chức, cách chức, hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm, tước danh hiệu quân nhân;

- Kéo dài 6 tháng đối với các trường hợp bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;

- Không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm, thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 6 tháng;

- Trường hợp vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng thời gian bị kéo dài.

2. Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ

Đối tượng trong suốt thời gian giữ bậc lương được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ (được tặng thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên) đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong nhóm, ngạch và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng.

Tỷ lệ QNCN, CNVC và lao động hợp đồng được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong một năm không quá 10% (quy định trước là 5%) tổng số QNCN, CNVC và lao động hợp đồng thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn. Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng nhóm, ngạch.

Tin, ảnh: TRUNG KIÊN

Theo: qdnd.vn

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...