Ngọt bùi bánh rắn Đô Kỳ

Thứ 3, 05/07/2016 | 10:23:20
30,579 lượt xem

Bánh rắn ăn nóng, vị bùi ngọt tinh tuý của gạo tẻ, béo ngậy của thịt lợn, mùi thơm của hành… thưởng thức cùng chút nước mắm nguyên chất, thêm chút ớt tươi tê tê đầu lưỡi hẳn không ai có thể quên được.

Bánh rắn Đô Kỳ, xã Đông Đô, huyện Hưng Hà. (Nguồn: Internet)

Nằm ở phía tây bắc của  tỉnh Thái Bình, huyện Hưng Hà không thiếu những món quà quê dân dã làm từ lúa, trong đó, phải kể đến bánh đa Làng Me, bánh chưng phố Lẻ và nhất là bánh rắn Đô Kỳ (thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Tương truyền mảnh đất làng xã này xưa từng là nơi được vợ chồng quan Trung thư Nguyễn Trãi, bà Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ chọn làm nơi đưa bà phi Ngô Thị Ngọc Dao (vợ vua Lê Thái Tông) về lánh nạn, sau bà phi sinh ra Lê Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông tại đây). Vì là nơi vua chúa từng trú ngụ mà làng Đô Kỳ, xã Đông Đô mới mang danh gọi vậy và có được nghề làm ra đôi thứ món ngon đặc sản kia chăng? Mỗi loại rượu nổi tiếng được ủ/cất bởi một loại men riêng và cách thức, thời gian ủ/nấu hẳn cũng có bí quyết gia truyền. 

Nhưng có lẽ còn một “chất/vị” riêng, rất riêng nữa đã góp phần làm nên thương hiệu đặc biệt cho mỗi đồ ăn thức uống và chính nhờ vậy mà cho dù bí quyết bị thất tán đi chăng nữa thì cũng chưa dễ gì người có được bí quyết đó đã làm ra được thứ sản vật đặc sản như ở chính địa phương của nó. Ấy là cái chất/ vị riêng của đất và nước.

Bánh rắn được làm bằng gạo tẻ hạt đều, ngâm nước mưa 4- 5 tiếng cho mềm rồi đem xay mịn. Công đoạn tiếp theo là cho bột vào lọc khô và nhào nhuyễn đến khi bột không dính tay.

Nhân bánh cũng không cầu kỳ, thịt đủ mỡ và nạc rửa sạch, luộc qua và thái dài khoảng 3 cm, hành khô bóc lớp vỏ ngoài đập dập, cho vào chảo mỡ nóng già phi vàng. Trộn hành khô vàng rộm vào thịt đã thái sẵn, ướp chút gia vị, nước mắm vừa ăn, thêm chút dọc hành tươi cũng đủ dậy mùi, mê đắm lòng người.

Mùa nào thứ ấy, khi thì lá rong, khi thì lá chuối, rửa sạch từng tàu, để ráo, lau thật khô. Trải tấm lá xanh mát, đầy ắp thiên nhiên xanh sạch, nắm một nắm bột vừa đủ đặt dọc thân lá, cho nhân thịt hành vào giữa, nắn tròn tay, dọc theo sống lá. Nhìn đôi tay thoăn thoắt của người làm bánh chợ Đô Kỳ gập hai đầu lá mới thấy hết nghệ thuật của người gói bánh. Bánh gói xong được giữ bằng những sợi rơm, hoặc dây chuối phơi khô tước nhỏ, quấn quanh thân.

Đặt những chiếc bánh gói đều tay xinh xắn vào cái mẹt tre, chờ nồi nước sôi sùng sục thả bánh vào, đun vừa lửa khoảng 3 – 4 tiếng để bánh rắn nhưng không cứng, mềm nhưng không nhũn. Vớt bánh ra rổ cho ráo nước rồi ủ nóng kịp cho buổi chợ sớm tinh sương.

Bánh rắn ăn nóng, vị bùi ngọt tinh tuý của gạo tẻ, béo ngậy của thịt lợn, mùi thơm của hành… thưởng thức cùng chút nước mắm nguyên chất, thêm chút ớt tươi tê tê đầu lưỡi hẳn không ai có thể quên được.

  • Từ khóa
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...