Nét đặc sắc tại lễ hội Sáo Đền

Thứ 4, 04/05/2016 | 10:42:54
3,926 lượt xem

Khi hoa gạo nở đỏ rực, lúa trên đồng lên xanh mướt chuẩn bị làm đòng thì người dân xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình lại nô nức chuẩn bị cho mùa lễ hội quê hương với tên gọi Sáo Đền.

Hàng năm, hội Sáo Đền diễn ra từ ngày 18/3 - 28/3 âm lịch. Ngoài phần tế lễ ra có phần hội với đủ các trò chơi như: chọi gà, chơi cờ người, đặc biệt là phần thi sáo diều đã có từ hàng trăm năm nay thu hút được rất đông đảo du khách thập phương và nhân dân trong xã về tham dự. Sáo có các loại: Bộ 5, bộ 4, bộ 3, bộ 2 với các âm thanh cồng, còi, go, ghí, gô. Diều sáo phải làm bằng chất liệu truyền thống như tre, lứa, luồng, miệng sáo bằng gỗ hoặc bằng đồng. Diều có kích cỡ từ 2m trở lên. Ban tổ chức sẽ cắm 2 cái câu liêm có chiều cao 3.5m và 4.5m, khoảng cách 2 câu liêm tính từ chỗ gần nhất là 0.2m đến 0.28m; cự ly câu liêm đến diều là 15m; từ câu liêm đến người cầm dây là 35m. Hình thức chấm thi theo thang điểm 10: Diều nào vượt qua câu liêm 3 điểm; diều đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật được 3 điểm; âm thanh sáo diều 2 điểm; diều lên cao không đảo 1 điểm; thời gian, phong cách, ý thức đội tham dự thi 1 điểm. Thành phần tham gia dự thi gồm các câu lạc bộ sáo diều như: TP Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên,... và các thôn trong xã.

 *Nguồn gốc của lễ hội Sáo Đền


Khu di tích Đền Mẫu Sáo Đền.

 Đền Sáo nay tọa lạc tại thôn Quý Sơn, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (xưa là tổng An Lão, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam). Gồm đền Mẫu thờ Quốc Thái phu nhân Đinh thị Ngọc Kế và Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao người có công làm rạng rỡ ba đời vua: Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông và xứng đáng đứng hàng đầu các vị hàng hậu nước Đại Việt. Đền thờ Tam vị quốc công, gọi tắt là “Đền Tam quốc công”, được xây ngay cạnh, thờ 3 anh em Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt là người có công lớn trong việc lập nên nhà Lê. Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao là cháu ngoại Quốc công Đinh Lễ, bà là vợ vua Lê Thái Tông và là mẹ của Vua Thánh Tông, một ông vua có thể nói là anh minh sáng suốt nhất trong tất cả các vị vua của triều đại nhà Lê. 

Lễ tế tại di tích đền Mẫu Sáo Đền.

Năm 1471, vua Thánh Tông cho xây dựng một điện thờ trên đất  An Lão để sớm tối Thái hậu “tụng kinh niệm phật và cầu đảo” cho Quốc thái và được bà đặt tên là Đốc Hỗ Điện. 

Sau khi Thái hậu Ngọc Giao viên tịch, Thánh Tông hoàng đế cho phép đổi tên Đốc hỗ Điện thành “Đền thờ Quốc Mẫu” thờ phụng bà. Cứ đến ngày giỗ Quốc mẫu hay ngày giỗ của Tam Quốc công, con cháu ông Đinh Lễ thường cho thả sáo diều tưởng nhớ đến ngày xưa ông vẫn thường cho quân binh thả diều để quên đi mệt nhọc khi vừa đánh giặc, vừa làm ruộng. Những ngày ấy, quanh vùng, ở xa hàng chục dặm, dân vẫn trông thấy, nghe thấy hàng trăm chiếc diều sáo đại bay tít trên trời cao. Từ đó khu di tích đền Mẫu được gọi là Sáo Đền, tức là đền thờ trong ngày hội có thả diều sáo.

* Nét độc đáo tại lễ hội Sáo Đền

Người dân chuẩn bị diều tham gia lễ hội Sáo Đền.

Sáo Đền đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa và được công nhận từ năm 1983. Trải qua hơn 500, với sự biến thiên của thời gian và lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, khu di tích đã bị hư hại nặng. Đền Mẫu chỉ còn lại Cung Cấm và cung Trong là nơi thờ tự cúng bái hàng năm. Cung Ngoài và hai nhà tài xá một thời được trưng dụng, xây tạm làm hội trường, trụ sở UBND và HTX nên đã biến cải nhiều. Sân đền, hai cung tướng, gác chuông xưa, giờ không còn lại dấu vết gì. Hồ nước trước khu di tích với những cầu đá, trang trí cầu kỳ nay cũng không còn và bị lấn chiếm, cải tạo thành các ao nuôi cá. Khu Đền tam quốc công cũng chỉ còn Hậu cung và tấm bia đá khắc ghi sơ bộ công đức của Tam quốc công.

 Đền thờ Tam Quốc công đã được trùng tu thật khang trang to đẹp. Xây mới 5 gian Tiền đường làm nơi thờ công đồng và tu bổ gian hậu cung thờ Tam công. Với sự chung tay góp sức của con em quê hương, tín đồ thập phương, nay Đền Mẫu cũng đã tu tạo được một số hạng mục công trình để đón ngày mở hội như: sửa chữa, khôi phục đồ thờ, tượng pháp, hoành phi, câu đối, đổ bê tông sân, làm lại cổng đền, tường bao, xây dựng khu sơn trang và chỗ ăn, nghỉ, sinh hoạt.

 Một trong những nghi thức long trọng về tâm linh của ngày hội Sáo Đền chính là lễ tế trong ngày khai hội và ngày đóng cửa hội.Thời phong kiến, là nghi thức quốc lễ, các quan viên của địa phương và triều đình phải có mặt đầy đủ để thực hiện. Việc tế lễ có ý nghĩa rất lớn trong đời sống cộng đồng. Tế vừa để tạ ơn đức Thánh Mẫu Hoàng thái hậu, vừa là cầu phúc, cầu may, cầu cho dân yên, nước thịnh, mùa màng sung túc, nhà nhà yên vui.

Nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội Sáo Đền đó chính là diều sáo và món bánh đa canh cua. Diều thi ở Sáo Đền phải là diều đại, có chiều dài từ 9 thước trở lên. Diều bì dài 30 thước, sáo đan gắn sơn, phải 2 người khiêng. Loại này số lượng ít. Loại diều từ 15 thước trở xuống thì cho đâm. Diều phổ biến là loại từ 8 đến 9 thước. Diều thì có các loại cánh doi, cánh bầu, cánh cốc hay còn gọi là cánh tiên, hình dáng cầu kỳ, đa dạng. Nhưng có nhiều và đông hơn cả là diều cánh doi, vừa dân dã mà lại có thể cõng được các bộ sáo lớn. 

 

Để làm được một chiếc diều tốt, người thợ phải có kinh nghiệm. Khâu đầu tiên là việc chọn tre: phải là loại tre hóp đực, già cây, nằm ở giữa bụi, chọn những cây vừa phải, thẳng gióng, dầy cật. Đặc biệt, cây tre có đặc điểm là rụng lá vào khoảng tháng 3, trùng với dịp hội Sáo, khi đó thân tre sẽ khô hơn, dẻo hơn, thuận tiện cho việc sử dụng.Trước khi lên khung, diều tre phải được sơ chế qua nước vôi hoặc nước muối đun kỹ trong một thời gian để chống mối mọt, tre sẽ dẻo và dai hơn nhiều. Giấy phất diều phải là loại giấy nhẹ, dai mà lại không thấm nước. Ngày trước, các cụ thường dùng giấy dó, hay còn gọi là giấy bản. Ngày nay, để tiện lợi, họ dùng ni-lông phất diều. Dù là loại diều gì cũng  vẫn phải tuân thủ đủ các khâu, các bước, trong đó khâu sơn diều để diều Sáo Đền có màu nâu cánh gián đặc trưng. Theo kinh nghiệm các cụ truyền lại, thợ diều lấy quả hồng non, còn gọi là quả cậy, hay quả hồng xiêm non giã nát, pha với nước theo tỷ lệ nhất định, quét lên diều khoảng 3 lần là được. Diều khi được quét lớp sơn này, lên cao gặp gió to không bị rách, lỡ có rơi xuống nước cũng không bị ướt, bị bục. 

 Sáo thì đủ loại đa dạng, loại làm bằng tre, bằng gỗ, có loại làm bằng kim loại chủ yếu là chất liệu đồng vừa đẹp, vừa bền, tiếng lại ngân vang lạ thường. Sáo thường được làm theo bộ, từ bộ 5 đến bộ 2, với các bậc âm thanh: kồng, còi, go, ghí, gộ. Mỗi loại là một tên gọi khác nhau như Sáo bi, là sáo đơn có 1 ống; sáo kép gọi là sáo chị em; sáo 3 ống là sáo con khóc mẹ ru. 

Những chiếc diều cánh doi, màu vàng nâu tượng trưng cho hạt thóc mẩy no tròn, in trên nền trời xanh, mong một vụ mùa bội thu, đầy đủ. Tiếng sáo trên lưng diều là bài ca của đất, của đồng ruộng, của cỏ cây nhờ gió cất lên, giao hòa giữa đất và trời, vạn vật.

Còn về canh cua bánh đa, là một món ăn dân dã đã được bà con nơi đây chế biến trở thành một thứ lộc quê tiến cúng và dùng như đặc sản trong những ngày khai hội. Người làm bánh phải chọn thứ gạo ngon, thơm và trắng. Bánh phải tráng chín 2 lần, tráng dầy mà không gợn. Sau khi bánh được tráng, đem ra phơi trong nắng nhẹ để bánh khô đều. Đến khi dùng, bánh được bẻ thành miếng đem nấu, bánh sẽ cuộn lại như chiếc tù và cuốn lấy gạch cua, hành hoa và rau thơm vào trong. Khi ăn, bánh giòn, dai và thơm ngậy của gạch cua. Cua dùng để nấu là cua đồng, chọn cua cái, loại vừa phải, dân gian gọi là cua bánh tẻ, có nhiều gạch, gạch vàng và thơm. 

Trong những ngày diễn ra lễ tế Mẫu, không thể thiếu chiếng chèo truyền thống An Lão. Trong sân đền những tiếng hát chưa được thanh chuốt, nuột nà của các chị, các cô cất lên, thể hiện một niềm đau đáu muốn được phục dựng để giữ lại nền tảng văn hóa của ông cha truyền tiếp đến mai sau. Tham gia lễ hội Sáo Đền sẽ có cảm giác: Dù thời gian có trôi đi, cuộc sống hiện đại nhiều xô bồ nhưng tiếng sáo diều chiều quê vẫn mộc mạc, thân thương, vang lên giữa thinh không cầu mong một cuộc sống bình dị, giao hòa nhiều no ấm đến muôn nhà.

  • Từ khóa
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...