Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Thái Bình

Thứ 3, 29/05/2018 | 10:46:49
426 lượt xem

Sáng 29-5, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ do đồng chí Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Thái Bình về việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Trọng Thăng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Đối với các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh đã thực hiện một cách nghiêm túc, đúng thời gian, nội dung quy định. Từ ngày 1/1/2017 đến 15/5/2018, tỉnh Thái Bình được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hơn 400 nhiệm vụ và đã trở thành tỉnh đầu tiên hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao. Trong đó, các Sở, ngành đã trình UBND tỉnh đơn giản hóa, cắt giảm thời hạn giải quyết của trên 1000 thủ tục hành chính. UBND tỉnh cũng đã ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế của tỉnh đến năm 2020 với mục tiêu đến năm 2020 tỉnh cơ bản hình thành mô hình tăng trường kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tỷ trọng các khu vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ tương ứng đạt 25%-40%-35%...

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Ca - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã nêu 9 kiến nghị, đề xuất với đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có việc sớm hoàn thiện 6 cơ sở dữ liệu quốc gia, có văn bản hướng dẫn tỉnh kết nối cơ sở dữ liệu của địa phương vào cơ sở dữ liệu quốc gia và ban hành quy trình chuẩn trong việc giải quyết dịch vụ công trực tuyến; đề nghị Bộ Tài nguyên môi trường thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tập trung, tích tụ đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020; kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật đất đai; bố trí vốn để tổ chức thi công dự án Tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Thái Bình.

Đại diện các Bộ, ngành Trung ương, thành viên tổ công tác đã đi sâu phân tích những thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thái Bình, đồng thời cho rằng, Thái Bình cần có đột phá trong phát triển kinh tế, nhất là thu hút được các nhà đầu tư tầm cỡ, phải tăng tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tăng sản lượng song phải giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các đại biểu cũng nêu ra một số gợi ý trong vấn đề tích tụ ruộng đất như thay vì doanh nghiệp mua đất của người dân thì có thể thuê lại, hoặc thậm chí là hướng dẫn người dân sản xuất theo đơn đặt hàng của mình, tuân thủ quy trình sản xuất đã đề ra. Đánh giá cao những nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính của tỉnh, các đại biểu nhấn mạnh, Thái Bình cần tiếp tục làm tốt hơn nữa để người dân, doanh nghiệp thực sự được hưởng lợi từ chương trình này.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh Thái Bình tích cực thực hiện cải cách hành chính theo chủ trương của Chính phủ. Tỉnh thành lập đường dây nóng ở chính quyền 3 cấp và Thủ trưởng các Sở, ngành, ghi lại 24/24h những kiến nghị, phản ánh của người dân. Tỉnh cũng xây dựng và thực hiện thuyên chuyển vị trí việc làm, nhất là vị trí thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân, giải quyết thỏa đáng kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Đồng chí cho biết, song song với việc xúc tiến đầu tư nhằm tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, tỉnh Thái Bình đang tập trung vào 5 đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài những kiến nghị đã nêu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất với tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có cơ chế rõ ràng, sớm có hướng dẫn cơ chế thuê, thuê mua dịch vụ, nhất là dịch vụ công nghệ thông tin; sớm có hướng dẫn về cơ chế thuê, thuê mua tài sản, nhất là trụ sở của các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; sớm có hướng dẫn đấu thầu quyền khai thác quản lý các tài sản công; kiến nghị có cơ chế để lại phần vượt thu sau làm lương cho địa phương thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản; kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục thuế nghiên cứu lại phương pháp tính thuế của một số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh; kiến nghị Chính phủ có biện pháp sớm hoàn thành 16km tuyến đường nối Thái Bình - Hà Nam trên đất Hà Nam; đề ra hướng xử lý những bất cập trong đầu tư công hiện nay; có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sớm đi vào hoạt động. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ Thái Bình đăng ký làm thí điểm mô hình chính quyền điện tử.

Đồng chí Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của tỉnh Thái Bình như việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng nông thôn mới, vấn đề thu gom xử lý rác thải, tạo việc làm nâng cao thu nhập đời sống người dân, việc dồn điền đổi thửa. Bộ trưởng cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã rất năng động và thường xuyên đổi mới tìm ra những cái mới, duy trì thực hiện tốt các chủ trương pháp luật của Đảng, Nhà nước trong toàn hệ thống chính trị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị tỉnh Thái Bình đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, cho biết sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trong đó khẳng định, Văn phòng Chính phủ ủng hộ và đồng hành cùng tỉnh Thái Bình về nguyện vọng xây dựng chính quyền điện tử. Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình cần triển khai đầu tư ngay sau khi đã nhận đất nhằm phát huy hiệu quả.

Trước đó, đoàn công tác đã đến thăm Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình. Đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ và các thành viên đoàn công tác đã đánh giá cao hiệu quả hoạt động của mô hình này ở tỉnh Thái Bình. Đồng thời cho rằng, mô hình sẽ góp phần quan trọng trong việc hướng tới xây dựng chính quyền điện tử theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...