Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Thái Bình

Thứ 2, 08/08/2016 | 09:33:38
2,057 lượt xem

Sáng ngày 8-8, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính Trị, Thủ tướng Chính Phủ cùng đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Phạm Văn Sinh - Bí Thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Trọng Thăng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố.

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt  tỉnh Thái Bình. 

Báo cáo với Thủ tướng Chính Phủ và  đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu khái quát tình hình kinh tế - xã hội  6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016; kết quả xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình báo cáo tình hình phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh với đoàn công tác.

6 tháng đầu năm, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nỗ lực khắc phục khó khăn, giành được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. GRDP tăng hơn 8%; tổng giá trị sản xuất tăng 9,34% so với cùng kỳ năm trước; đạt cao nhất trong 5 năm qua và là một trong những tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Tổng thu ngân sách nhà nước, không kể ghi thu, ghi chi đạt 85% dự toán (tăng 23% so với cùng kỳ năm trước). Toàn tỉnh hiện có gần 870 dự án đầu tư, với số vốn trên 111.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 113.000 lao động.

Công tác cải cách hành chính được tăng cường, đạt được kết quả tích cực. Hầu hết các thủ tục hành chính được thực hiện tại Trung tâm Hành chính công 2 cấp, tỉnh và huyện; cắt giảm hơn 13% thủ tục, rút ngắn trên 30% thời gian giải quyết và đơn giản hóa tối đa thành phần hồ sơ của mỗi thủ tục hành chính.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đến nay, toàn tỉnh có 164 xã và huyện Hưng Hà đạt chuẩn nông thôn mới. UBND tỉnh đã phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án;  Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện, gắn với xây dựng nông thôn mới; bước đầu đạt được 1 số kết quả khả quan.

Các công trình của một số công ty, xí nghiệp tại Thái Bình bị đổ sập, tốc mái sau bão số 1.

Tuy nhiên, ngày 27 và 28-7 vừa qua, cơn bão số 1 đổ bộ vào tỉnh Thái Bình với sức gió mạnh cấp 10,11, giật cấp 13-14, kèm theo mưa to đã gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, sản xuất và đời sống nhân dân. Trên 50.000 ha lúa bị ngập úng nặng; 8.222 ha rau màu bị dập nát; trên 10.000 ha ao nuôi cá nước ngọt, đầm nuôi trồng thủy sản mặn, lợ và 109 lồng nuôi cá trên sông bị thiệt hại. Ngoài ra chưa kể thiệt hại khác. Ước tính ban đầu tổng thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng. Ngay sau khi bão tan, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị khắc phục hậu quả, sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Nhiều diện tích lúa, rau màu bị mất trắng sau bão.

 Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2016 là 10% trở lên, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh triển khai thực hiện 6 tháng cuối năm. Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương một số vấn đề như: Hỗ trợ Thái Bình khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra; giãn nợ vay vốn ngân hàng, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp bị thiệt hại do bão gây ra; quan tâm bố trí vốn đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 và nguồn vốn hợp pháp khác để thanh toán dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ (Ninh Bình) sau khi dự án hoàn thành. Tăng hạn mức hỗ trợ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 cho Thái Bình để triển khai giai đoạn 2 đường Thái Bình - Hà Nam, đặc biệt, xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua Thái Bình; xem xét, quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển Thái Bình; hỗ trợ kinh phí để thực hiện quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo, cũng như những kiến nghị, đề xuất xác đáng của UBND tỉnh; đưa ra những đánh giá cụ thể về sự phát triển, chia sẻ khó khăn, nêu bật hạn chế trên từng lĩnh vực. Qua đó, nêu lên những ý kiến đóng góp và những định hướng để tỉnh Thái Bình  phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới như: Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tiềm năng, lợi thế bãi bồi ven biển, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, khuyến khích thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp ven biển, giáp ranh Thành phố Hải Phòng.

Về một số đề xuất của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí về chủ trương, giao cho các Bộ ngành liên quan, xem xét, giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự chủ động phòng chống, ứng phó, và khắc phục hậu quả cơn bão số 1 vừa qua. Đánh giá cao những thành tựu mà Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của tỉnh như: Sản xuất nông nghiệp còn mang nặng tính độc canh cây lúa; những cây con giá trị kinh tế cao còn ít, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa; thu hút đầu tư nước ngoài,  sức hấp thụ vốn của các ngành kinh tế còn thấp. Thủ tướng Chính phủ đã gợi mở 1 số định hướng đối với sự phát triển của Thái Bình thời gian tới. 

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý Thái Bình cần làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; phát triển nhanh nhưng cần quan tâm góc độ phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Chú trọng làm tốt công tác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông. Phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá mới, với tốc độ cao hơn nữa.

Về một số đề xuất của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí về chủ trương, giao cho các Bộ ngành liên quan, xem xét, giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Phạm Văn Sinh - Bí thư Tỉnh ủy  mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa với tỉnh Thái Bình

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Phạm Văn Sinh - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã bày tỏ sự cảm ơn, và mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa giúp Thái Bình đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện tốt những kết luận của Thủ tướng Chính Phủ; lãnh đạo, chỉ đạo  Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

 Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thái Bình và đại diện Tập đoàn GELEXIMCO, Chi nhánh Thái Bình.

 Và cam kết giữa UBND tỉnh Thái Bình với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Thái Bình và đại diện Tập đoàn GELEXIMCO, Chi nhánh Thái Bình tài trợ 10.000 tấn xi măng, tương đương gần 15 tỷ đồng hỗ trợ Thái Bình xây dựng nông thôn mới; Cam kết giữa UBND tỉnh Thái Bình với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

 

 

 

 

 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...