Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa bão số 3

Thứ 4, 17/09/2014 | 17:51:20
1,185 lượt xem

Bão số 3 không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Thái Bình nhưng ảnh hưởng của bão đã gây ra mưa lớn trên diện rộng. Mưa làm cho trên 25% trong tổng số trên 81.000 ha lúa mùa của nông dân trong tỉnh đang trong thời kỳ trỗ bông vào mẩy bị nghiêng và gần 3% diện tích ngập trong nước, hàng trăm ha rau màu trong kỳ thu hoạch, mới gieo ngập úng và dập nát. Trong sáng ngày 17/9, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã về các địa phương kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả do mưa bão số 3.

 

*, Đồng chí Trần Cẩm Tú - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do mưa bão số 3 tại huyện Vũ Thư và Hưng Hà.

Theo báo của huyện Vũ Thư, đến thời điểm này, toàn bộ  diện tích lúa mùa của địa phương đang ở vào thời kỳ đông sữa và chuẩn bị chín. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3, trên 2.500 ha lúa mùa bị đổ, trong đó, bị đổ nặng trên 800 ha. Tại huyện Hưng Hà, khoảng 6,5% diện tích lúa mùa ( tương đương với gần 700ha) đang trong thời kỳ vào mẩy bị đổ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đến thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị chống úng tại: Trạm bơm Minh Tân, vùng trồng chuối xã Hồng An của huyện Hưng Hà.

Trạm bơm Minh Tân có tổng công suất 64.000m3/h, tiêu úng cho khoảng trên 3.100 ha diện tích đất canh tác của 9 xã thuộc huyện Hưng Hà. Với vùng trồng chuối của xã Hồng An, rút kinh nghiệm từ thiệt hại do bão gây ra trong những năm trước đây, năm nay, trước khi bão đổ bộ vào, nhân dân Hồng An đã tiến hành chặt tỉa chuối theo tỷ lệ 50/50, vừa chống bão hiệu quả, vừa cho năng suất cao ( dù sau khi bị chặt tỉa, thời gian sinh trưởng của cây chuối sẽ chậm hơn 1 tháng).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã đến thăm mô hình nông nghiệp sạch của Công ty Cổ phần Vinotek -  mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

Chia sẻ với bà con nông dân về những thiệt hại do bão số 3 gây ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Các địa phương chủ động hướng dẫn nhân dân tháo kiệt nước trên mặt ruộng. Với diện tích lúa đổ, tiến hành dựng và buộc túm lại không để lúa bị ngâm nước. Tập trung khơi thông dòng chảy trên tất cả các sông trục, sông dẫn trạm bơm và trên toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư và phương tiện, xây dựng phương án khoanh vùng để tiêu úng cục bộ, đề phòng khi có mưa lớn xảy ra. Ngành nông nghiệp tăng cường công tác chỉ đạo chăm sóc cây màu và hướng dẫn nông dân khắc phục lúa đổ sau mưa bão.

*, Đồng chí Phạm Văn Sinh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và chỉ đạo biện pháp khắc phục. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Hữu Rong - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám  đốc Sở NN & PTNT.

Qua kiểm tra thực tế tại nhiều cánh đồng lúa của các huyện ( Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy và Quỳnh Phụ), đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Mặc dù bão số 3 có gây mưa lớn, nhưng các địa phương đã chủ động thực hiện đúng tinh thần Công điện của tỉnh tiêu nước nội đồng nên cơ bản diện tích lúa mùa của Thái Bình bị ảnh hưởng không đáng kể. Huyện Tiền Hải và các xã thuộc khu Nam Kiến Xương, lúa đang giai đoạn trỗ bông nên hầu như không bị ảnh hưởng. Diện tích cây màu bị nghiêng, đổ tại huyện Quỳnh Phụ chủ yếu là ớt đã được nông dân khắc phục bằng cách chằng dây, dựng lại và chăm sóc kịp thời.

Sau khi kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo các huyện cần khẩn trương hướng dẫn nông dân biện pháp khắc phục. Diện tích lúa bị nghiêng, đổ không ngập trong nước cần theo dõi tình hình phát sinh bệnh bạc lá, khô vằn. Diện tích lúa ngập sâu trong nước, khắc phục bằng cách buộc xuôi theo chiều đổ, tránh cho cây lúa bị đứt rễ. Nông dân cần khẩn trương khơi thông dòng chảy, kẻ rạch, tạo rãnh ở ruộng luá để tiêu nước mặt ruộng, phòng trường hợp tiếp tục xảy ra mưa lớn sau bão.

*, Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra tình hình sau bão số 3 tại huyện Đông Hưng và Hưng Hà.

Tại các điểm đến kiểm tra, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Các đơn vị, địa phương cần tổ chức khoanh vùng tiêu úng bằng tự chảy hoặc động lực cho những diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng cục bộ. Công ty, xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi chủ động nắm bắt tình hình, gạn tháo nước trên các sông trục hợp lý và kịp thời. Đặc biệt, bảo đảm hệ thống máy bơm hoạt động tốt, vận hành hết công suất khi cần huy động, kịp thời tiêu thoát nước, phục vụ dân sinh và sản xuất của nhân dân. Tập trung giải tỏa các vật cản trên sông trục, sông dẫn, đề phòng mưa lớn sau bão gây ngập úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đối với những diện tích lúa bị đổ, cần khẩn trương buộc dựng từ 5-6 khóm lại với nhau để phục hồi sinh trưởng, phát triển. Mặt khác, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể; chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết mở rộng diện tích cây vụ đông nhằm bù đắp những thiệt hại do ảnh hưởng của bão gây ra đối với một số diện tích lúa và hoa màu.

Qua kiểm tra, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nghiêm khắc phê bình Trạm bơm Hậu Thượng, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng đã vận hành, đóng mở phai cống tưới và tiêu không đúng nguyên tắc trong điều kiện có mưa bão xảy ra. Ở một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng để tàu, thuyền neo đậu ngay tại mang cống, không đảm bảo an toàn đê điều và công trình dưới đê trong mùa mưa bão.

*, Đồng chí  Đàm Văn Vượng – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại huyện Quỳnh Phụ.

Tại Quỳnh Phụ: Bão số 3 đã làm cho khoảng 2.000 ha lúa mùa bị đổ (trong đó đổ nặng, phải dựng buộc 300 ha) và 1.000 ha diện tích cây vụ đông đã trồng bị đổ và ảnh hưởng tới sinh trưởng. Trước tình hình đó, huyện Quỳnh Phụ đã triển khai tích cực công tác khắc phục hậu quả bão. Đối với diện tích lúa mùa bị đổ, vận động nông dân dựng, buộc lúa ngay và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phun trừ rầy nâu kịp thời để hạn chế cháy rầy, gây mất mùa cục bộ. Với diện tích cây vụ đông, khuyến cáo nông dân tiêu nước kịp thời, không để  đọng nước lâu trong ruộng gây chết hoa màu. Qua kiểm tra, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao công tác triển khai khắc phục hậu quả bão của huyện Quỳnh Phụ. Đồng thời yêu cầu: Huyện Quỳnh Phụ tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn nông dân biện pháp khắc phục, đảm bảo đến mức thấp nhất thiệt hại, bảo vệ sản xuất.

*, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh chỉ đạo 8 đội công tác thuộc các đơn vị thường trực về cơ sở nắm bắt mức độ thiệt hại sau mưa bão.

Tại các xã mép nước thuộc hai huyện tuyến biển Tiền Hải và Thái Thụy, 20 cán bộ chiến sĩ Lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương cùng nhân dân đưa phương tiện tàu, thuyền, ngư cụ từ nơi tránh, trú về bến để tiếp tục vươn khơi bám biển. Còn tại các huyện nội đồng ( Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Hưng Hà và Vũ Thư), các tổ đội công tác của cán bộ chiến sĩ LLVT phối hợp cùng lực lượng chức năng địa phương khơi thông dòng chảy, giúp đỡ các gia đình chính sách ứng cứu lúa đang ngập chìm trong nước và tổ chức dọn vệ sinh môi trường.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai với các điểm cầu. Tại điểm cầu Thái Bình, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh báo cáo sơ bộ kết quả nhiệm vụ phòng chống giảm nhẹ thiên tai của đơn vị; đồng thời đề xuất với Bộ Quốc phòng tăng cường thêm các thiết bị thông tin liên lạc, bổ sung phương tiện xuồng cao tốc để các đơn vị thuận lợi hơn trong công tác ứng cứu khi có tình huống thiên tai.

PV Thời sự

 

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...