Sân khấu cổ truyền: Thiếu hụt thế hệ tiếp nối

Thứ 6, 27/03/2015 | 08:41:16
1,127 lượt xem

Sân khấu cổ truyền Việt Nam: chèo, tuồng, cải lương, được xem là tinh hoa của dân tộc nhưng hiện đang đứng trước nhiều nguy cơ. Một trong những nguy cơ khiến những loại hình nghệ thuật cổ này bị mai một dần là thiếu hụt thế hệ tiếp nối một cách trầm trọng.

Thiếu hụt thế hệ tiếp nối là một nguy cơ khiến sân khấu cổ truyền mai một
Để phát triển những loại hình nghệ thuật cổ truyền, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, dẫu rằng vẫn còn chưa đáp ứng hết những kỳ vọng của giới làm nghề và yêu cầu cấp thiết của từng loại hình. Riêng trong lĩnh vực đào tạo diễn viên trẻ cho những loại hình sân khấu cổ truyền nói trên, Nhà nước đã có chế độ ưu đãi giảm 70% học phí cho sinh viên. Hàng tháng họ còn có tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần áo tập và các phương tiện học tập khác. Tuy nhiên số lượng thí sinh thi vào các chuyên ngành nghệ thuật dân tộc vẫn ngày càng giảm. 
Năm 2013, Trường ĐH Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội chỉ tiêu tuyển sinh là 15, nhưng chỉ có 22 thí sinh đăng ký dự thi. Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định, mỗi năm có khoảng 50 học sinh tốt nghiệp, song chỉ có 30% trong số đó là trụ lại với nghề. Để có học sinh theo học tuồng, cán bộ trường và Nhà hát Tuồng Đào Tấn phải vào từng nhà thuyết phục từng phụ huynh và học viên để họ cho con theo học với cam kết tốt nghiệp sẽ về làm việc tại Nhà hát… Con em của các nghệ sĩ và cán bộ giảng viên trong loại hình nghệ thuật này cũng ít người tiếp nối nghiệp cha ông. Nhiều làng chèo cổ ở Bắc Bộ, nhiều đoàn hát cải lương ở phía Nam hiện cũng đang đứng trước nguy cơ giải thể vì nhiều khó khăn, trong đó có việc thiếu đội ngũ diễn viên kế cận.
Một nguy cơ khác là việc thiếu hụt những giáo viên giỏi. Giáo viên trong lĩnh vực sân khấu truyền thống tuổi đã cao, trong khi giảng viên trẻ chưa đủ trải nghiệm thực tế. Những sinh viên học xong ít người học lên rồi trở lại giảng dạy. 
Lý giải cho việc vì sao càng ngày càng ít có người trẻ theo học loại hình sân khấu truyền thống, nhiều nghệ sĩ, chuyên gia cho rằng vì những loại hình này ít có khán giả nên đời sống của nghệ sĩ thường khó khăn. Ngoài ra, việc đào tạo về loại hình nghệ thuật này khá công phu, mất nhiều thời gian đòi hỏi người học phải chịu khó và kiên trì nên ít người chịu theo học. Những kiến thức về lý luận sân khấu, đặc biệt kỹ năng biểu diễn đòi hỏi rất nhiều thời gian để thẩm thấu. Đặc thù của nghệ thuật truyền thống là đào tạo theo kiểu "truyền nghề”, phải nghe, xem thật nhiều để quen tai rồi mới nhuần nhuyễn, người học cộng hưởng với người dạy.
Để đổi mới phương thức đào tạo, tuyển sinh cho những loại hình nghệ thuật này, năm 2014, Bộ VHTT&DL thí điểm giao việc trực tiếp tuyển sinh và thực hiện kế hoạch liên kết đào tạo cho 4 đơn vị nghệ thuật truyền thống thuộc Bộ, gồm: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam. Mỗi nhà hát được tuyển chọn để đào tạo 30 học viên, bao gồm cả diễn viên và nhạc công để tạo ra nguồn lực trẻ kế cận cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Nhiều nghệ sĩ trong nghề bày tỏ, với cách làm này sẽ giúp các nhà hát chủ động hơn trong việc tìm kiếm, đào tạo các tài năng trẻ, giúp bổ sung thế hệ tiếp theo cho các đoàn hát. Ngoài ra, để có thêm thế hệ tiếp nối, cần đưa các loại hình nghệ thuật truyền thóng này vào giảng dạy ở trong các trường phổ thông để duy trì và gây dựng lớp khán giả cho nó, phát triển hoạt động nghệ thuật  truyền thống không chuyên.
Nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý cho rằng, cần có chế độ đãi ngộ tốt cho những nghệ sĩ sân khấu cổ truyền giúp nghệ sĩ có thể an tâm chuyên tâm với nghề. Các cơ quan quản lý văn hóa du lịch cần xây dựng đưa nghệ thuật truyền thống thành sản phẩm du lịch. Như vậy, vừa quảng bá được văn hóa truyền thống tới du khách, vừa có nguồn thu để duy trì, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật này.
NGUYỄN THỊNH
Daidoanket.vn


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...