Gần 8 nghìn lễ hội, chấn chỉnh thế nào?

Thứ 5, 05/03/2015 | 08:05:25
803 lượt xem

Số lượng lễ hội khổng lồ, vấn nạn lễ hội nhức nhối khiến dư luận trông đợi những giải pháp từ các nhà quản lý. Quy hoạch tổng thể lễ hội mấy năm nay đều được nhắc đến tựa hy vọng, nhưng đến nay chưa thể khả thi.

Du khách thập phương đổ về dòng suối Yến dự lễ hội chùa Hương. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Du khách thập phương đổ về dòng suối Yến dự lễ hội chùa Hương. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trục lợi

Lễ hội chùa Hương-một trong những điểm nóng lâu nay có dấu hiệu chuyển biến tích cực, với thông điệp lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch. Sau nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ VHTT&DL về quản lý, sử dụng đồng tiền mệnh giá nhỏ tại lễ hội, nơi thờ tự, hiện tượng đổi và sử dụng tiền lẻ có giảm bớt. Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL nói: Dù chuyển biến, nhưng còn phải cố gắng nhiều, không thể lấy đó làm bằng lòng.

Việc đổi tiền lẻ không còn công khai, nhưng vẫn lén lút diễn ra mà các ban quản lý, thanh tra khó xử lý. Ý thức người tham gia lễ hội có chuyển biến, tuy nhiên vẫn không hiếm cảnh thả tiền lẻ xuống giếng, gài lên tay tượng phật, tiền giọt dầu đặt tràn lan tại hầu khắp các di tích.

Theo GS Trần Lâm Biền, hành động rải tiền lẻ xuất phát từ quan niệm sai lầm của người Việt về thần linh. Truyền thống của người Việt coi thần linh không phải là thế lực siêu phàm, dùng quyền năng để con người mua chuộc. Thần linh vì những con người có thiện tâm, bênh vực những người tốt. “Ngày nay, con người coi thần linh như một thế lực hỗ trợ sau lưng để thực hiện những công việc ở ngoài đời, đôi khi là việc mang tính ẩn thiện”, ông nói.

Ngoài việc rải tiền lẻ, đặt tiền giọt dầu tràn lan, một vấn nạn khác tại nhiều lễ hội là hòm công đức, dù hiện tượng này có giảm bớt so với vài năm trước. “Chúng ta quên một công việc quan trọng trong văn hóa, đó là giáo dục tâm linh. Bởi vì những người quản lý tín ngưỡng bị rơi vào vòng xoáy kinh tế. Họ quên, thậm chí không hiểu về bản chất của tâm linh để giáo dục chúng sinh. Để chúng sinh càng mù mờ bao nhiêu càng làm lợi cho kẻ buôn thần bán thánh”, GS Trần Lâm Biền nói.

Nhiều nhà nghiên cứu, dư luận xã hội lên án lễ hội ngày nay có dấu hiệu trục lợi, thương mại hóa. Từ lễ khai ấn diện hẹp nay thành lễ phát ấn quy mô cả nước. “Lễ hội làng ngày xưa diễn ra theo lối trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ. Bây giờ chúng ta phải thừa nhận lễ hội đem lại nguồn lợi vật chất”, TS Trần Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL nói.

Trông đợi gì ở quy hoạch?

Đề án Quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 đã trình Chính phủ trong năm 2014. Tuy nhiên, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo, đề nghị Bộ VHTT&DL tiếp tục phối hợp các bộ ngành hoàn thiện và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Vướng mắc ở điểm nào? Bà Tuyết Mai, người tham gia thực hiện đề án cho biết, do đặc thù nhiều lễ hội không chỉ liên quan đến Bộ VHTT&DL, nên giờ phải chờ lấy thêm ý kiến các bộ ngành liên quan để hoàn thiện hơn.

Cả nước có 7.966 lễ hội, với sáu loại hình trong đó 80% là lễ hội dân gian. Trả lời câu hỏi, sau quy hoạch liệu có thêm, bớt số lượng hay không, bà Tuyết Mai nói: “Mục đích của quy hoạch nêu rõ nhằm bảo tồn có chọn lọc, phát huy cao nhất giá trị di sản văn hóa của lễ hội, không gian diễn ra lễ hội, lập quy hoạch các vùng giúp địa phương phát huy giá trị di sản”.

Với tinh thần này, không thể trông đợi quy hoạch lễ hội là cây đũa thần, hay có thể bỏ bớt bất cứ lễ hội nào. Những người làm quy hoạch cho rằng, sau khi quy hoạch được phê duyệt, địa phương hoàn toàn chủ động trong lựa chọn những lễ hội tiêu biểu, ưu tiên bảo tồn. Có lễ hội thường niên, có lễ hội vài năm mới tổ chức. Trước hình thức phân cấp này, chính quyền địa phương, các BTC lễ hội buộc phải có trách nhiệm cao hơn trong quản lý, tổ chức lễ hội lành mạnh, văn minh. Tuy nhiên, đại diện Bộ VHTT&DL phải thừa nhận, chế tài chưa nghiêm nên những tiêu cực xảy ra trong lễ hội vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Thực tế, nhiều địa phương mang tâm lý muốn mở rộng quy mô, nâng cấp lễ hội vì lợi ích kinh tế. “Đấy là tự người ta xưng danh đấy chứ, Bộ VHTT&DL chưa bao giờ chứng nhận. Lễ hội như chùa Hương, Yên Tử, Kiếp Bạc thuộc quy mô địa phương nhưng có sự ảnh hưởng cấp vùng. Lễ hội quốc gia chỉ có lễ hội đền Hùng”, bà Tuyết Mai nói.       

Vẫn đông công chức đi hội

Truyền thông vẫn ghi nhận những hình ảnh xe công về dự hội, hoặc thống kê hàng nghìn giấy mời các bộ ngành về các lễ hội lớn. “Có lẽ đây là nét đặc thù của người Việt Nam, rất ngại va chạm, nên khi tổ chức lễ hội coi giấy mời thay cho báo cáo. Tuy nhiên, đi hay không do quản lý của từng bộ ngành, giấy mời nhiều nhưng không nhất thiết nhận là phải đi”, ông Phan Đình Tân nói. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nêu quan điểm, tốt nhất quan chức không nên dự lễ hội nhiều nữa.

Xử lý nghiêm hành vi tiêu cực tại các lễ hội

Ngày 4/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015 . Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ VH, TT&DL và các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.

Văn Kiên

Tienphong.vn


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...