Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh cúm từ gia cầm

Thứ 5, 27/11/2014 | 07:37:13
1,007 lượt xem

Số trường hợp mắc bệnh cúm A/H5N1 đang có xu hướng tăng cao vào mùa Đông-Xuân. Bệnh có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, ho, đau họng, có thể dẫn tới viêm phổi nặng và tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Đã có bằng chứng về đường lan truyền virus từ chim và gia cầm sang người. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi truyền thông về phòng chống dịch bệnh mùa Đông-Xuân do Bộ Y tế tổ chức ngày 26/11.

Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số trường hợp mắc cúm A/H5N1 những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng ở một số quốc gia, trong đó có Campuchia - nước láng giềng của Việt Nam.

Năm 2012, Campuchia đã ghi nhận 3 trường hợp mắc cúm A/H5N1 và đều tử vong. Năm 2013, ghi nhận 26 trường hợp mắc, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Và tính từ đầu năm 2014 đến nay, quốc gia này đã ghi nhận 9 trường hợp mắc với 4 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, năm 2013 ghi nhận 2 trường hợp mắc cúm A/H5N1 và 1 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2014 nay, nước ta cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc và đều tử vong.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, số trường hợp mắc cúm A/H5N1 có xu hướng tăng cao vào mùa Đông-Xuân tới. Bệnh chủ yếu gặp ở các loại gia cầm, chim.

“Đã có những bằng chứng chắc chắn về đường lây truyền virus cúm A/H5N1 từ chim, gia cầm sang người. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng lây truyền virus này từ người sang người, dù đã ghi nhận những chùm ca bệnh”, ông Trương Đình Bắc cho biết.

Cũng theo ông Bắc, số lượng người bị phơi nhiễm với virus cúm A/H5N1 rất lớn, nhưng số người được phát hiện nhiễm bệnh thì ít hơn nhiều lần. Điều này cho thấy người bị nhiễm và phát bệnh có thể có yếu tố cơ địa đặc biệt nào đó. Những người có sẵn nền bệnh lý trầm trọng hoặc có cơ địa suy giảm miễn dịch sẽ dễ mắc bệnh hơn.

Nhận định dịch bệnh có thể gia tăng trong thời gian tới, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm  ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Trường hợp khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết, mổ và sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm… phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Thời gian gần đây, cả nước đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc sởi. Đặc biệt, thời tiết mùa Đông-Xuân là điều kiện thuận lợi để virus này phát triển. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, phụ huynh chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập…

Khi phát hiện có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Thúy Hà
Theo: Baodientu.chinhphu.vn


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...