Giải ngân vốn đầu tư công là động lực phát triển kinh tế

Thứ 4, 13/05/2020 | 00:00:00
766 lượt xem

Tại các buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, vấn đề được các cử tri cả nước tiếp tục quan tâm là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất thấp, dẫn đến tăng trưởng GDP khó cải thiện được. Cần có đề án, giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để giải ngân đầu tư công thật hiệu quả, góp phần phục hồi nền kinh tế cũng là quyết tâm mà người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương phải thực hiện ngay.

Thành phố Hà Nội đang là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công tốt trong những tháng đầu năm nay. Đến hết tháng 3, các chủ đầu tư, nhà thầu đã hoàn thành 18,8% khối lượng công trình đầu tư công, tỷ lệ giải ngân đạt 9,8%, cao hơn mức 7,2% của cùng kỳ năm ngoái. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng thứ 2 của Thành phố. Dự phòng việc hụt thu ngân sách vì ảnh hưởng của COVID-19 nhưng Hà Nội vẫn không điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm nay.

Ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành phố Hà Nội

Mặc dù ngân sách trên địa bàn giảm 30 nghìn tỷ đồng trong đó ngân sách thành phố có thể giảm 10-12 nghìn tỷ đồng nhưng Thành ủy và thành phố không cắt giảm đầu tư công, bù vào cái này tiếp tục giảm 5% chi phí thường xuyên sau khi cắt giảm 10% trước đây.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 18,1% kế hoạch năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay nếu được giải ngân hiệu quả sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương

 Tìm kiếm tăng trưởng để bù đắp phần bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Chính phủ tập trung giải ngân đầu tư công một cách quyết liệt nhất quán hơn, nhanh hơn, tập trung những công trình hạ tầng quan trọng có ý nghĩa tăng cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo tiềm năng tăng trưởng cho nền kinh tế.


 Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, nhất là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.


Ông Đinh Tiến Dũng – Bộ trưởng Bộ Tài Chính

  Yêu cầu các chủ dự án, nhà thầu tập trung các nguồn lực trang thiết bị dự án ngay sau khi hoàn thành đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và giải ngân vốn theo quy định, quyết liệt cắt giảm điều chỉnh vốn từ dự án có tốc độ giải ngân chậm sang dự án có tỷ lệ giải ngân tốt hơn.


 Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, trong Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà Chính phủ sẽ ban hành tới đây, thì vấn đề giải ngân đầu tư công là một vấn đề rất quan trọng, cần quyết liệt thực hiện. 

 Cũng theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng cường đầu tư công không chỉ để bù đắp sự sụt giảm của đầu tư tư nhân trong ngắn hạn, mà còn giúp tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi một khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Cụ thể, có rất nhiều dự án về hạ tầng lớn sử dụng nguồn vốn này sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho lao động. Điều cần quán triệt là các bộ, ngành và chính quyền địa phương phải thực hiện các nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy tiến độ các dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất như tinh thần chống dịch COVID-19 đã được Chính phủ thúc đẩy./.

Theo TTXVN

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...