Áp lực về tăng trưởng GDP trong ba quý còn lại

Thứ 3, 22/05/2018 | 15:12:12
264 lượt xem

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, kinh tế quý I-2018 có sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Sự tăng trưởng này đem lại kỳ vọng lớn cho Việt Nam nhưng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong ba quý còn lại nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Quý 1-2018, GDP tăng trưởng 7,38%

Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 5 khóa 14, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, thời gian qua kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD...

Một trong những tín hiệu vui trong quý I-2018 là tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả ba khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%). Sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng tăng mạnh so với cùng kỳ…

Xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 10,4% (cùng kỳ 9,5%); trong đó vốn đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh 16,9%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, có thời điểm vượt đỉnh 10 năm (1.170 điểm), hiện đang dao động trong khoảng 1.000 - 1.100 điểm; vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu niêm yết đạt trên 96% GDP.

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng tiếp tục tăng cao với 12,1% so với cùng kỳ, đạt 33,8% dự toán; đáp ứng kịp thời các khoản chi theo kế hoạch và các nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh. Công tác quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện năm 2005 đến nay.

Áp lực tăng trưởng GDP trong ba quý còn lại

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, sự bứt phá về GDP của quý I sẽ tạo áp lực không nhỏ cho ba quý còn lại. Vì thế, Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội cần phải làm rõ thêm một số vấn đề về kinh tế - xã hội trọng điểm.

Về cơ cấu các lĩnh vực phát triển kinh tế, theo Ủy ban Kinh tế, ngoài hai lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu, chúng ta chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của các lĩnh vực khác cũng như khả năng đóng góp của từng vùng kinh tế trọng điểm và một số địa phương là các cực tăng trưởng của đất nước. Áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài giảm so với cùng kỳ năm 2017. Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ yếu của các vấn đề như: Tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN đạt thấp; một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia chậm tiến độ, chậm hoàn thành thủ tục trình Quốc hội chủ trương đầu tư đối với một số dự án ODA, để không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng các quý tiếp theo.

Việc cơ cấu lại NSNN và nợ công vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng; huy động vốn vay cho cân đối ngân sách và huy động nguồn vốn từ xã hội còn khó khăn, bất cập.

Trong lĩnh vực y tế, hiện nay, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tương xứng với lộ trình tăng giá, có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng. Việc chậm xử lý sai phạm trong lĩnh vực y tế, phát hiện các vụ sản xuất giả thuốc phòng, chữa bệnh, thực phẩm chức năng gây tâm lý lo ngại trong dư luận.

Vấn đề bạo lực ở một số cơ sở y tế và giáo dục, xâm phạm danh dự, thân thể nhà giáo, y bác sĩ, thái độ của giáo viên với học sinh; hiệu quả tuyển sinh đại học, chế độ cho giáo viên; việc công nhận các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, gây bức xúc trong dư luận.

Cũng theo Ủy ban Kinh tế, tình hình tội phạm hình sự, ma túy, công nghệ cao diễn ra phức tạp, cơ sở pháp lý đối với các giao dịch qua mạng còn thiếu, tạo kẽ hở cho việc phạm tội (đánh bạc qua mạng, lừa tiền ảo…). Công tác trấn áp tội phạm ở một số đô thị lớn chưa đáp ứng mong đợi của người dân.

Thông qua một số vụ việc trong ngành hải quan, thuế, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần sớm có giải pháp quyết liệt loại bỏ các hành vi nhũng nhiễu, các khoản chi phí không chính thức. Quá trình cơ cấu lại các DNNN chưa bảo đảm tiến độ. Chi phí vận tải thuê ngoài chiếm tỷ trọng lớn so với chi phí doanh nghiệp, tỷ lệ chi phí logistic trên GDP cao, giao thông phụ thuộc nhiều vào đường bộ, các vướng mắc đối với dự án BOT chưa được giải quyết căn bản, tạo dư luận không tốt.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến quá trình cổ phần hóa DNNN và bán tài sản nhà nước; công tác quản lý chất lượng và vận hành các công trình xây dựng; việc kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản ở các địa phương; việc ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội sau khi Quốc hội quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; việc bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa; kết quả triển khai tận dụng các lợi thế, giải pháp vượt qua khó khăn trong thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách ngoại khóa bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%. Phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất; Ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước; Tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%; phấn đấu thu NSNN vượt 3% dự toán. Triệt để tiết kiệm chi NSNN, hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước; phấn đấu bội chi NSNN dưới 3,7% GDP. Cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh.

Về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cần chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu năm 2018 tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỷ USD; có ít nhất 54 huyện và 39,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Thực hiện hiệu quả Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ; tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics...

Về phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Tập trung củng cố y tế dự phòng, phát triển y tế cơ sở, y học gia đình. Khẩn trương đưa các bệnh viện trung ương, tuyến cuối vào hoạt động. Đẩy mạnh triển khai tự chủ bệnh viện, chuyển về địa phương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đưa ra một số đề nghị Quốc hội quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: Tập trung giải quyết các yếu kém đã được nhận diện, quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai hiệu quả chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, công nghiệp hỗ trợ, chính sách phù hợp cho khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ và thực phẩm hợp lý, kết hợp với điều hành chính sách khác bảo đảm thực hiện mục tiêu lạm phát.

Bên cạnh đó, cần triển khai tích cực Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, tập trung triển khai các công trình quan trọng quốc gia; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6; Triển khai quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, có phương án về chính sách xã hội đối với người lao động; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các thủ tục hành chính một cách thực chất, minh bạch thủ tục hành chính và xử lý các sai phạm. Xây dựng đồng bộ Chính phủ điện tử.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cần đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho nông sản, thủy sản; Chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết để tiếp cận, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0; Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý nhà nước về đất đai ở các thành phố lớn, các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, trong quản lý và sử dụng đất công, trong quản lý quy hoạch đô thị ở các thành phố; Có biện pháp quyết liệt, chủ động bảo đảm an toàn cháy, nổ trong các văn phòng, khu dân cư, nhà cao tầng và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sai phạm. Tiếp tục có giải pháp giảm tình hình tai nạn giao thông, quyết liệt xử lý các vấn đề về đạo đức và bạo lực ở các cơ sở y tế, giáo dục. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các công trình xây dựng cao tầng, kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...