Khoa học và công nghệ đồng hành cùng người dân nông thôn mới

Thứ 5, 14/05/2015 | 09:26:01
664 lượt xem

Ngay sau khi tỉnh Thái Bình tiến hành xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ những xã điểm, năm 2012, Trung tâm Tin học & Thông tin Khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện dự án cấp tỉnh Xây dựng mô hình tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN phục vụ các xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2012 – 2015. Trong 3 năm thực hiện, dự án bước đầu đã mang lợi ích rõ rệt cho người dân.

Nông dân áp dụng KH&CN trong chăn nuôi

Để tiến hành dự án, Trung tâm Tin học & Thông tin KHCN đã tập trung xây dựng hệ thống thư viện cơ sở dữ liệu dựa trên các công nghệ kỹ thuật mới, phù hợp với điều kiện các địa phương trong tỉnh. Thư viện có trên 50.000 đầu mục tài liệu và 60.000 tài liệu gốc đã được số hóa. Cùng với đó là hệ thống ngân hàng dữ liệu hỏi đáp về khoa học kỹ thuật ( KHKT) và trên 300 phim khoa giáo hướng dẫn bà con cách áp dụng KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi. Tham gia dự án, các xã được tài trợ một bộ máy:  Vi tính, máy tính xách tay, bộ máy chiếu độ phân giải cao, máy in phục vụ công tác in ấn, cung cấp tài liệu cho nông dân và nhiều trang thiết bị chuyên dụng khác.

* Thay đổi tư duy sản xuất của người dân

Gắn bó với việc đồng áng đã hàng chục năm, ông Nguyễn Văn Nhâm ( xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà) chưa từng nghĩ sẽ có ngày rời bỏ đồng ruộng, tìm hướng sản xuất mới cho gia đình. Năm 2012, tham gia lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật ( KHKT) do địa phương tổ chức, ông Nhâm không những được biết thêm kiến thức về các giống cây, con mới, mà còn được đi học hỏi các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó, mô hình nuôi gà lông trắng được ông đặc biệt chú ý nhờ những ưu điểm: Dễ nuôi, thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh xuất bán, sớm thu hồi vốn và cho lợi nhuận cao.

Ông Nguyễn Văn Nhâm ( thứ nhất từ trái sang phải) nói về kỹ thuật về nuôi gà lông trắng
Cuối năm 2012, ông Nhâm quyết tâm đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng khu chuồng trại rộng 700 m2 để nuôi gà. Ông cũng được coi là người đầu tiên đưa gà công nghiệp lông trắng về địa phương. Cùng với sự hỗ trợ tư vấn thường xuyên của các cán bộ khuyến nông xã, ông Nhâm còn tích cực tự tìm tòi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm qua báo chí, tivi... để nâng cao hiệu quả kinh tế của đàn gà. Đến nay với khoảng 2.500 con gà/lứa (mỗi năm 5 lứa gà) của gia đình ông xuất ra thị trường từ 40 – 45 tấn thịt, mang về lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Trước những chuyển giao KHKT về với nông dân địa phương trong tỉnh Thái Bình mà việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất được triển khai rộng khắp trong các lĩnh vực phát triển kinh tế. Xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ là một ví dụ trong áp dụng KHCN trong trồng trọt.

Cánh đồng màu tại xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ

Quỳnh Hưng vốn là xã thuần nông với diện tích canh tác toàn xã hơn 700 ha. Trước kia, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do trình độ canh tác lạc hậu, khả năng tiếp thu các tiến bộ KHKT hạn chế nên năng suất chưa cao, giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích còn thấp. Những năm gần đây, dựa vào lợi thế có nhiều vùng đất đai màu mỡ, Quỳnh Hưng phát động phong trào trồng cây màu, trong đó tập trung vào cây ớt, khoai tây, su hào... Đồng thời, xã đẩy mạnh đưa ứng dụng KHKT vào cải tiến cách thức chăm bón, vừa đảm bảo sự phát triển của cây, vừa hạn chế sử dụng các chất hóa học để không ảnh hưởng đến môi trường. Các hộ đưa giống cây mới, cách sản xuất mới vào áp dụng được UBND xã có cơ chế hỗ trợ cụ thể với 20.000 đồng/sào, khen thưởng và nhân rộng cách làm hay cho các thôn có diện tích trồng màu lớn, đạt năng suất, hiệu quả cao. 

Nhà tôi trồng trong năm 3 vụ: 1vụ lạc, 1 vụ ớt với 1 vụ đỗ và khoai tây. Trước thì lợi nhuận thấp hơn, chỉ được khoảng 10 triệu thôi. Đến bây giờ áp dụng khoa học kiến thức mới thì hiệu quả gấp 3- 4 lần. Cây màu tốt hơn nhiều và đỡ sâu bệnh”. Bà Lương Thị Nhài, thôn Tài Giá, xã Quỳnh Hưng chia sẻ về hiệu quả của việc áp dụng KHCN trong sản xuất cây màu.

Ông Trần Viết Hiển, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng đánh giá cao về việc áp dụng KHCN trong sản xuất. “Áp dụng KHCN vào để quy vùng sản xuất trồng cây và có tạo nên thị trường hàng hóa. Khi bà con được đi tiếp cận thông tin cũng đã có thành phong trào và có tổ chức. Cây trồng có thể tìm những cây có giá trị cao tiếp cận với thị trường cần thiết theo từng thời điểm và nhu cầu của thị trường...mang lại thu nhập cao và ổn định cho người dân.”

Tân Tiến và Quỳnh Hưng đều là những xã sớm được tiếp nhận dự án xây dựng mô hình tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 – 2015.

 Ông Đào Duy Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà cho biết: Phải nói rằng, khi chưa có dữ liệu của cổng thông tin tài trợ do Sở KH&CN tỉnh đối với địa phương, nông dân hầu như sản xuất theo kinh nghiệm. Từ khi có dữ liệu đó đã nâng cao nhận thức của bà con từ trong trồng trọt cũng như chăn nuôi, mở rộng việc thâm canh. Ví xã dụ Tân Tiến hiện có 30% diện tích sản xuất năm 4 vụ cho thu nhập rất cao. Chăn nuôi cũng đang phát triển và Tân Tiến vài năm gần đây không có dịch bệnh lớn xảy ra”.

 * KHCN nâng cao thu nhập cho người dân

Dưa chuột tại nhiều địa phương đã có đầu mối thu mua cho nông dân sau thu hoạch

Từ khi triển khai dự án (năm 2012) đến nay, toàn tỉnh có 9 xã được tiếp nhận dự án. Hơn 100 cán bộ được đào tạo, sử dụng thành thạo hệ thống cơ sở dữ liệu, được tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân. Đến nay, các xã tham gia dự án đều có giá trị sản xuất nông nghiệp cao (tăng trên 5%/năm). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/người/năm. Ông Lâm Văn Kế, Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Quỳnh Hưng cho biết: “Chúng tôi chú trọng vào việc khai thác những chương trình phổ biến kỹ thuật trồng cây có giá trị năng suất cao và nuôi con có giá trị năng suất cao để đưa về sản xuất tại địa phương... Riêng năm 2014, chúng tôi đã tổ chức 6 lớp: 3 lớp chăn nuôi, 3 lớp trồng trọt. Trong năm 2015, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch của trung tâm học tập cộng đồng tiếp tục khai thác phổ biến cho nhân dân những kiến thức về sản xuất cũng như chăn nuôi."

Mô hình trồng mướp đắng mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân trong tỉnh

Hầu hết các xã được tiếp nhận dự án “Xây dựng mô hình tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN” đến nay đều đã về đích trong XDNTM. Các xã còn lại đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Phát huy hiệu quả này, Trung tâm Tin học & Thông tin KHCN tiếp tục triển khai dự án trên phạm vi rộng hơn, tới nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh. Đồng thời, Trung tâm tiến hành nghiên cứu, tổng hợp, cập nhật kho cơ sở dữ liệu sao cho phù hợp với điều kiện của các địa phương và sự phát triển của KHCN hiện đại. Các phương pháp tập huấn mới gần gũi và dễ tiếp nhận hơn cũng đang được đưa vào thực hiện. Bên cạnh đó, để làm nên thành công của dự án, Trung tâm cũng đặc biệt chú trọng vào việc nâng cao tinh thần tham gia và sự vào cuộc của các địa phương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tin học & Thông tin KHCN, Sở KH&CN Thái Bình cho biết: "Đội ngũ cán bộ địa phương khi tham gia thực hiện dự án phải nhiệt tình, để thực sự thấy được nguồn lợi và lợi ích từ mô hình dự án mang lại, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trong quá trình dự án, lãnh đạo địa phương cũng như cán bộ trực tiếp tham gia vận hành dự án phải trực tiếp liên hệ với Trung tâm Tin học & Thông tin KHCN để đơn vị có thể biết được kết quả dự án triển khai đến đâu và trong quá trình có thuận lợi khó khăn như thế nào. Từ đó hạn chế khó khăn tạo kết quả dự án cho các địa phương. Thực sự là mô hình cung cấp thông tin bổ ích và đáp ứng nhu cầu trong thời điểm tất cả các xã trong tỉnh đang XDNTM.”

Sau 3 năm thực hiện, Dự án " Xây dựng mô hình tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN phục vụ các xã xây dựng NTM giai đoạn 2012 – 2015" đồng hành nông dân Thái Bình đã mang nhiều tiến bộ đến với người dân, tạo ra những chuyển biến tích cực trong công cuộc XDNTM, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hà My

 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...