Duyên dáng nón lá truyền thống Nam Hà

Thứ 7, 25/06/2022 | 00:00:00
4,521 lượt xem

Cùng với tà áo dài, nón lá đã trở thành biểu tượng văn hóa của người Việt Nam. Nếu như ở Hà Nội có nón lá làng Chuông, ở Bắc Ninh có nón quai thao, ở Huế có nón bài thơ thì Thái Bình có làng nón truyền thống xã Nam Hà, huyện Tiền Hải. Mỗi chiếc nón lá truyền thống đều mang một nét đặc trưng riêng của mỗi vùng miền.

Nón lá truyền thống Nam Hà đã xuất hiện từ rất lâu 

Theo người dân ở làng nón truyền thống xã Nam Hà, không rõ nghề làm nón lá có từ bao giờ. Họ chỉ biết từ đời cha ông mình đã làm nghề nón và truyền từ đời này qua đời khác, phát triển tới ngày nay. Theo chia sẻ của người dân, quá trình để ra 1 chiếc nón lá truyền thống của Nam Hà, rất tỉ mỉ và cần nhiều thời gian. Từ những nguyên liệu chính, như lá nón, mo tre, vành nón… sau khi được lựa chọn kỹ càng, sẽ được người làm nón đưa vào tạo hình trên khuôn nón. Lá được chọn phải là lá non, trắng, còn vành nón phải chọn sao cho tròn, nhẵn, đẹp, ít mấu và có độ cứng cao. 



Bà Nguyễn Thị Minh, thôn Hướng Tân, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải: Gia đình chúng tôi đã hơn 30 năm làm nghề nón lá. Để khâu nón trải qua nhiều công đoạn lắm. Từ chọn lá, là lá, vót vành, lên nón rồi mới khâu. Công đoạn nào cũng cần tỉ mỉ, cẩn thận.”



Có 1 điều thú vị ở làng nghề nón lá truyền thống xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, đó là công việc của nghề làm nón không chỉ có sự tham gia của các bà, các chị, mà còn có cả cánh mày râu. Mỗi người 1 công đoạn, ai ai cũng biết lên nón và khâu nón.



Bà Đỗ Thị Ruấn, thôn Hướng Tân, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải: “Như chúng tôi cao tuổi rồi thì khâu nón thường, mỗi cái nón khâu khoảng 4-5 tiếng. 1 ngày nếu chỉ khâu thì sẽ khâu được 2 cái nón lá. Ở độ tuổi này chúng tôi cũng duy trì nghề nón để có thu nhập sinh hoạt trong gia đình”


1 chiếc nón lá Nam Hà hoàn thiện 

Trải qua rất nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu, tạo khuôn nón, khâu nón, cuối cùng chiếc nón lá sẽ được chuyển sang công đoạn hoàn thiện để đưa ra cung cấp cho người dân và thị trường.



Chị Vũ Thị Hạt, thôn Hướng Tân, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải: Công đoạn cuối cùng của khâu 1 cái nón là xỏ nhôi, tức là xỏ quai nón. Nếu nón thường thì xỏ 2 vành tầm 10-15 phút là xong, còn với nón đẹp thì khoảng 20-25 phút vì xỏ 3 vành và quai nón dầy đẹp.”


Nghề làm nón lá đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân xã Nam Hà 

Đáp ứng nhu cầu thị trường, dù có phần mai một, nhưng đến nay nghề nón lá truyền thống ở xã Nam Hà, huyện Tiền Hải vẫn được duy trì và là nghề phụ nhưng lại mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Không chỉ làm nghề và nhiều hộ dân trẻ tuổi còn chuyển sang thành cơ sở đầu mối cung cấp nguyên liệu làm nón cho người dân trong thôn. Riêng tại thôn Hướng Tân, đã có khoảng 5 cơ sở cung cấp nguyên liệu làm nón.


Chị Nguyễn Thị Toan, thôn Hướng Tân, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải:Trước kia nhà tôi cũng khâu nón, nhưng chục năm trở lại đây chuyển sang cung cấp nguyên liệu. Hàng tuần chúng tôi lên làng Chuông ở Hà Nội để nhập nguyên liệu về cung cấp cho bà con”


Xã Nam Hà có 3 thôn được UBND tỉnh công nhận là làng nghề

Xã Nam Hà có 4 thôn thì có 3 thôn được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Trải qua biết bao thăng trầm của nghề làm nón lá truyền thống, hiện tại toàn xã có khoảng vài trăm người đang gìn giữ và lưu truyền nghề. Dù không còn nhiều tay kim như xưa, thế nhưng, trung bình, mỗi năm, người dân Nam Hà vẫn cung cấp ra thị trường hàng chục vạn chiếc nón lá. Nghề làm nón đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.


Bà Trương Thị Ngoãn, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nón lá xã Nam Hà, huyện Tiền Hải: Hiện nay, tại địa phương các lực lượng lao động trẻ tuổi đi làm công ty, xí nghiệp, còn những người không đi làm công ty, người ngoài độ tuổi lao động thì ở nhà làm nón lá. Phấn khởi là nón lá Nam Hà làm ra đến đâu là bán hết đến đó. Vừa thương lái ở địa phương và các xã ngoài đến nhập mua cung cấp ra thị trường”.  


Nón lá Nam Hà giờ đây đã hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại để hòa cùng dòng chảy hội nhập kinh tế xã hội. Và chắc rằng, khi đến với xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, bạn sẽ không thể không ghé thăm và mua cho mình 1 chiếc nón lá truyền thống thân thương mà mộc mạc, sẽ giúp bạn toát lên nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt dù ở bất kỳ nơi đâu. Lưu giữ hồn nón Nam Hà, cũng chính là gìn giữ nét đẹp văn hóa tinh thần của người phụ nữ Việt và lan tỏa khắp năm Châu.

Phương Thúy

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...