Những chiến công thầm lặng

Thứ 4, 29/04/2020 | 00:00:00
5,831 lượt xem

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có những người lính không trực tiếp cầm súng nhưng đã đóng góp không nhỏ vào thành công của các chiến dịch, làm nên Chiến thắng Mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh. Thaibinhtv.vn mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ với một số cựu chiến binh quê hương Thái Bình để nghe họ kể về những hi sinh thầm lặng, những cống hiến trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của một thời oanh liệt.

Bác sĩ quân y - CCB Vũ Văn Nhai xem lại những huân chương kháng chiến của mình

Không trực tiếp cầm súng nhưng mỗi khi nhắc lại, CCB Vũ Văn Nhai, từng là bác sĩ quân y tại Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 vẫn nhớ như in những kỷ niệm của một thời hoa lửa. 

Thời chiến, công tác quân y ở chiến trường chủ yếu cấp cứu, tải thương. 8 năm từ 1967 đến 1975, ông Nhai không nhớ mình đã cứu chữa cho bao nhiêu thương binh trong các trận chiến đấu. Hầu hết những người được chuyển đến đội của ông đều bị thương nặng, do đó ông và đồng đội thức thâu đêm làm nhiệm vụ, phải chạy đua với thời gian để phẫu thuật dành lại sự sống cho đồng đội. 

CCB Vũ Văn Nhai, Bác sĩ quân y Sư đoàn 7, Quân đoàn 4: Trong đánh nhau tỷ lệ thương vong từ 15-20%. Trong lực lượng quân y chia ra các tuyến, tuyến ở đại đội thường sơ cứu, tuyến tiểu đoàn bộ binh là hoàn chỉnh các bước cấp cứu, tuyến C quân y của trung đoàn bắt đầu phải mổ xẻ. Thì trong một trận đấu lực lượng chúng tôi phải mổ 24 tiếng liên tục không ăn cơm, khi hết ca mệt pha sữa hoặc đường. Mình phải tính toán làm sao trong vòng nếu như đánh trong một đêm là xong thì mình phải giải quyết thương binh đến 4g sáng phải xong để mình rút quân không bị lộ.

Không chỉ có quân y, những người lính vận tải tham gia phục vụ chiến đấu cũng thầm lặng đóng góp cho cuộc kháng chiến. Nhiệm vụ của những người lính vận tải trong kháng chiến chống Mỹ là vận chuyển bộ đội, lương thực, thuốc men, vũ khí vào chiến trường. 

CCB Phạm Công Chính, thuộc tiểu đoàn vận tải 827, Cục Hậu cần, Mặt trận Tây Nguyên, nay ở xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà nhớ lại, đơn vị ông có nhiệm vụ vận chuyển hàng từ Kom Tum chở đi các tỉnh thuộc Tây Nguyên phục vụ cho các chiến dịch. Để tránh máy bay của địch, việc vận chuyển hàng hóa của quân ta thường thực hiện vào ban đêm. Những người lính lái xe như ông Chính luôn phải nêu cao cảnh giác, bởi chỉ một phút chủ quan cũng có thể khiến xe bị nổ tung hoặc rơi xuống vực bất cứ lúc nào. Công tác đảm bảo an toàn cho người, xe và hàng hóa luôn được đặt lên hàng đầu. 

Cung đường vận tải Trường Sơn - Ảnh TTXVN

CCB Phạm Công Chính, Tiểu đoàn vận tải 827, Cục Hậu cần, Mặt trận Tây Nguyên:

 Trong chiến trường Tây Nguyên mưa bất ưng và rất khắc nghiệt nên chúng tôi đi trên đường phải nghĩ ra 1 cách vượt qua những giải cứu khó khăn để giải cứu cho đoàn xe phía sau. Mưa đầu nguồn nước suối dâng rất cao, nếu đứng toàn bộ lại rất nguy hiểm. Cho nên các chiến sĩ lái xe tháo dây cuaroa, tung bạt ra để nước không vào máy. Chúng tôi thường đi cấp trung đội và tiểu đội nên nếu đi được 1 cái sang bên kia thì đội hình sẽ sang được sông. Đấy là những kỷ niệm trong chiến trường chúng tôi nhớ nhất.



Bộ đội Trường Sơn hành quân - Ảnh sưu tầm

Còn trên tuyến đường Trường Sơn, những đoàn xe vận tải luôn là mục tiêu đánh phá số 1 của máy bay địch. Bởi đường Trường Sơn ngày ấy là tuyến vận tải chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên những cung đường bom, mìn, chất độc hóa học rải xuống suốt ngày đêm. Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài khiến đường đất nhầy nhụa,  mùa khô thì nắng cháy. Nhưng những người lính lái xe của Đoàn 559 như ông Phạm Ngọc Sơn, Binh trạm 42 không quản ngại vất vả, hy sinh, sáng tạo vượt qua bom đạn, vũ khí công nghệ cao của địch, đưa hàng hóa, đạn dược từ hậu phương chi viện cho chiến trường miền Nam. 

CCB Phạm Ngọc Sơn, Binh trạm 42, Đoàn 559: 

Khi chúng tôi chạy xe lấy xe của địch thì địch cũng không biết là xe của ta là của nó. Chúng tôi chạy trên đường đi có các đồng chí giao liên, điệp viên thông báo, đến đâu có giao liên dẫn đường nên chúng tôi chạy rất yên tâm. …khi đồng bào mình chắt bóp từng thỏi lương khô, hạt gạo gửi vào trong chiến trường thì chúng tôi chở chuyến hàng vào đến binh trạm mà an toàn thì đó là chiến công rất lớn.


Cùng Đoàn 559 như ông Sơn, ông Trịnh Hải Lưu, Tiểu đoàn 990, Trung đoàn 13, Sư đoàn 571 cho biết: kỷ niệm nhớ nhất với ông là những ngày chạy đua với thời gian chở vũ khí phục vụ chiến trường và chở quân chủ lực của Quân Đoàn 1 từ Quảng Trị vào Đồng Xoài để tham gia chiến dịch HCM. 

CCB Trịnh Hải Lưu, Tiểu đoàn 990, Trung đoàn 13, Sư đoàn 571 cho biết: “Khi chúng tôi vào đến vào đến chân đèo Hải vân thì tắc đường quay ra Tây Trường Sơn chở bộ đội vào Đồng Xoài. Khi vào đến ngã 3 Đông dương thì tắc đường giữa xe ra và xe vào, Đến lúc bấy giờ các bạn không thể tưởng tượng xe ra xe vào và quân của mình lớn đến như thế nào. Nếu tắc đường địch phát hiện ra rất nguy hiểm nên lệnh của thiếu tướng Lê Xuân Hòa quân đoàn trưởng Quân đoàn 1 lấy 1 đại đội dùng mệnh lệnh chiến đấu xe ra phải nhường đường cho xe vào…Và chúng tôi kịp thời quân đoàn 1 kịp thời trong chiến dịch HCM”.

Cứ mỗi dịp 30/4, các CCB chống Mỹ lại có dịp gặp nhau ôn lại kỷ niệm và nhắc nhớ những chiến công thầm lặng mà vinh quang

Ông Lưu vẫn còn nhớ, để kịp vận chuyển vũ khí và quân cho chiến dịch Hồ Chí Minh, những người lính lái xe phải chạy xe cả ngày lẫn đêm, chỉ ăn lương khô trên xe. Ở phía sau xe, cán bộ chiến sĩ cứ hát vang: Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù. Hướng về đồng bằng, ta tiến về thành đô”. Bài hát như thúc giục những người lính như ông vượt qua mọi khó khăn, vận chuyển đến điểm tập kết nhanh nhất, an toàn nhất. 

CCB Trịnh Hải Lưu, Tiểu đoàn 990, Trung đoàn 13, Sư đoàn 571: 

Rất cảm động và tự hào bởi trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước mặc dù không trực tiếp cầm súng đánh nhau với kẻ thù nhưng cũng rất nguy hiểm, gian lao. Và đã đóng góp 1 phần nhỏ bé của mình vào thành công, thắng lợi chung của toàn dân tộc.


Những chiến công thầm lặng của người lính quân y, vận tải và rất nhiều lực lượng khác phục vụ cho kháng chiến vẫn luôn được khắc ghi, trân trọng. Họ đã sống, chiến đấu và hi sinh anh dũng, cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng của chiến dịch mùa xuân 45 năm về trước.

Ninh Thanh

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...