Nét độc đáo của ngôi đình đá xanh tại xã An Hiệp

Thứ 6, 30/08/2019 | 14:52:41
5,595 lượt xem

Về với vùng đất xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ, chúng tôi dừng chân tại thôn Nguyên Xá (có tên gọi là làng Vược), thật bất ngờ khi được nghe kể về ngôi đình làng nơi đây. Đó là một ngôi đình được dựng hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối. Đình làng thường được người dân gọi với cái tên rất gần gũi là Đình đá hay Đình Vược.

Tọa lạc trên khu đất cao và rộng, mặt đình quay về hướng Tây Bắc. Ðầu đình hướng Ðông Bắc, nơi có 1 giếng ngọc. Tục truyền rằng giếng ngọc có mạch nước thông ra sông Luộc. Ðình Vược là nơi thờ tự 3 vị nhân thần đã có công giúp vua Lý đánh thắng giặc Tống là: Thái Thường Thúy Ðại Vương, Thái Thường Kỷ Ðại Vương và Thái Thường Vĩ Ðại Vương”.

Ðình Vược độc đáo và đặc biệt ở chỗ nó được dựng hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối, vì vậy dân làng vẫn quen gọi là đình Ðá. Ðây là một công trình kiến trúc bằng đá có quy mô lớn hiếm có còn tồn tại ở Thái Bình. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng thì quá trình xây dựng ngôi đình rất gian nan, vất vả và công phu. Toàn bộ đá cũng như vật liệu để xây dựng ngôi đình đều được đặt mua từ Ninh Bình và vận chuyển về địa phương bằng đường sông.

Ông Phạm Thanh Mộc - Phó Ban khánh tiết Đình Vược, xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ: Ngày trước, theo các cụ trong làng kể lại, đình làng Vược là ngôi đình nhỏ, sơ sài, sau này, có 1 người ở Ninh Bình sang thăm đình có hỏi người làng có muốn xây dựng đình bền chắn hay không? Và các cụ trong làng đồng ý, sau đó đã mua đá từ Ninh Bình vận chuyển về xây đình trong 6 năm thì mới hoàn thành. Sau này đình được đại tu 1 lần và ngôi đình to đẹp như hiện nay.



Ðình Vược xây theo kiểu chữ đinh, gồm có 7 gian, 5 vỉ kèo, 20 cột và 14 đầu dư. Từ cổ bổng đến tận nóc hàng ngang hoàn toàn xây dựng bằng đá, cửa võng gian giữa cũng bằng đá, chạm trổ hoa văn nổi đường nét rất tinh xảo. Hệ thống xà liên kết các vỉ cột cũng đều bằng đá, được trạm trổ rất đẹp. Các cột đá tứ trụ (cột cái) trạm rồng leo quanh thân, đầu rồng nối với đầu dư cách điệu ngậm ngọc; các cột quân (cột nhỏ) đều trạm tứ quý tứ linh, túi thư bầu diệu (bầu đàn thư kiếm); các khung câu đối khắc trực tiếp trên cột, các cột quân tiền hậu đều có câu đối.

Các vỉ đá là những tảng đá lớn, kết cấu hình tam giác, để dàn đều trọng lượng vỉ và tạo vẻ đẹp. Phía trên vỉ có chạm khắc hình hổ phù, hai bên là những hình mây cuộn. Ðặc biệt là cửa võng nối với hậu cung thuộc gian chính cung rất sống động kiểu chân quỳ dạ cá, trạm hổ phù, sư tử chầu cửa thánh, nét trạm mềm mại, tinh tế như vẽ trên vải lụa.

Ông Phạm Thanh Mộc - Phó Ban khánh tiết Đình Vược, xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ: Đình được xây dựng rất gian nan, vất vả, những tảng đá to được chở về qua đường sông, rồi vận chuyển về đình. Đình được xây dựng hoàn toàn thủ công, bằng sức người, đá được kéo lên bằng dây kéo và ròng rọc. Hiện đình còn lưu giữ những nét độc đáo nét kiến trúc đình Vược, nguyên vẹn những đường nét chạm khắc trên các cột đình, vỉ đá. Đặc biệt, là bức tranh họa đồng, câu đối khắc trên cột đá.



Chính từ điều đặc biệt đó, mà năm 1996, đình Vược được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc cấp tỉnh. Trải qua năm tháng, đình Vược, ngôi đình nơi gắn liền với nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã xưa luôn được người dân nơi đây, gìn giữ và lưu truyền cho con cháu đời đời qua lễ hội đình làng. Hàng năm, cứ vào dịp ngày mùng 9 đến ngày 11 tháng 2 âm lịch, là người dân làng Vược lại cùng nhau mở lễ hội đình làng Vược.

Ông Phạm Minh Vũ - Nguyên Trưởng ban tư vấn văn hóa làng Vược, xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ: Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, thì trước ở làng Vược có 3 vị tướng quân người Ninh Bình đánh thắng trận, trở về mở hội khao quân và giã bánh dày ở đình Vược, chính từ đó mà trong lễ hội đình hàng năm, người dân đều có tục lễ giã bánh dày. Kết thúc lễ hội là phần kéo chữ, người dân trong thôn, các cháu học sinh tham gia xếp hình tạo chữ theo từng năm, nhằm cầu mong sức khỏe, an bình và no ấm.



Không chỉ lưu truyền, giữ gìn phong tục tập quán qua lễ hội đình làng hàng năm, mà chính quyền địa phương nơi đây còn mong muốn mái đình làng sẽ luôn được trường tồn với thời gian. Chính vì lẽ đó, sau 56 năm khởi dựng ngôi đình đá, thì đến năm 2001, đình Vược đã được huy động mọi nguồn lực đóng góp xã hội hóa từ người dân tại địa phương để duy tu và sửa chữa ngôi đình được khang trang, to đẹp như ngày nay.

Ông Nguyễn Văn Tư - Chủ tịch UBND xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ: Chính quyền địa phương giao cho chi bộ thôn Nguyên Xã, cùng Ban quản lý di tích duy trì lễ hội đình làng hàng năm. Mái đình làng cũng là nơi để giáo dục cho con cháu sau này luôn nhớ đến công đức của những bậc tiền nhân đã có công lập làng giữ đất, xây dựng nên vùng đất An Hiệp.


Mái đình làng Vược, sẽ mãi đi vào trong tâm trí của người nơi đây, nó rất đỗi gần gũi, thân thuộc và gắn liền với đời sống tâm linh, nét văn hóa của người dân vùng quê nơi đây. Với người dân làng Vược thì, ngôi đình đá xanh này còn là niềm tự hào, bởi nhắc đến đình đá là nhắc đến làng Vược , một di tích lịch sử kiến trúc độc đáo trong tỉnh.

Phương Thúy

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...