Bắc Sơn - từ miền quê văn hóa, cách mạng đến xã nông thôn mới

Thứ 7, 17/08/2019 | 09:25:24
5,150 lượt xem

Nằm ở phía Đông Bắc huyện Hưng Hà, xã Bắc Sơn là vùng quê có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng. Trải qua mỗi thời kỳ lịch sử, các thế hệ người dân nơi đây luôn có ý thức bồi đắp, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương. Mạch nguồn văn hóa lịch sử, truyền thống ấy, chính là sức mạnh nội lực để Bắc Sơn có những bước đổi thay vững chắc. Từ một xã thuần nông, kinh tế khó khăn, ngày nay Bắc Sơn bứt phá đi lên, trở thành một vùng quê trù phú với những sắc màu, diện mạo

Nằm trong vùng đất cổ của Thái Bình, Bắc Sơn xưa có tên gọi là làng Tè, sau này gọi là Tạ Xá. “ Xá” có nghĩa là nhà, bao gồm một gia đình hoặc một nhóm gia đình sinh sống cùng nhau, sau đó phát triển thành làng xã. Tạ Xá xưa thuộc tổng Xích Bích, phủ Tiên Hưng, huyện Thần Khê, tỉnh Thái Bình. Tên xã Bắc Sơn được đặt từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 và giữ nguyên đến ngày nay. Dân cư Bắc Sơn không phải là dân bản địa, mà đều là cư dân từ Hà Bắc, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa chuyển đến. Họ đến đây tìm một vùng đất mới để sinh cơ, lập nghiệp. 

Hiện trong xã có tới 15 dòng họ, đều ở thế hệ từ 7 đến 15 đời trở lên. Do biến động của thời gian, lịch sử, các gia phả, tộc phả hầu hết không giữ được, dù không xác định được dòng họ nào đặt chân đầu tiên lên mảnh đất này, nhưng tất cả các dòng họ trong xã đều nối tiếp nhau, bó bện, đoàn kết, cùng xây dựng, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông. 

Ông Lê Đức Ước - trưởng tộc họ Lê, thôn Tân Dân,  xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà: Cụ Tổ chúng tôi là ông Lê Đăng Tâm từ Thanh Hóa di cư về đây. Đời chúng tôi là đời thứ 12. Khi dòng họ từ Thanh Hóa về, lúc đầu là làm chài lưới dưới biển, nhưng khi về đây, vùng đất này nông nghiệp phát triển lên các cụ lên bờ định cư  làm nông nghiệp. Các cụ cũng có nhiều đóng góp xây dựng miếu, đình, chùa ở quê hương. Hàng năm, chúng tôi dành riêng ngày 16/7 làm công tác khuyến học dòng họ. Đã lo việc học hành rồi thì không lo thất nghiệp, không lo nghèo đói. Đi ra ngoài thì phải làm việc nghiêm túc,giữ gìn nếp sống văn hóa của gia đình, dòng họ.

Tương truyền, trong thời gian trị vì, vua Lê Đại Hành đã kinh lý qua địa phận Thái Bình và dừng chân tại Bắc Sơn. Để ghi nhận dấu tích và công ơn của nhà Vua, nhân dân Bắc Sơn đã lập miếu thờ Vua Lê Đại Hành ngay tại trung tâm xã gọi là miếu Tứ Xá. Các Đình Thắng Đức, Vinh Tiến, Vinh Thọ, không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân, mà tại nơi đây còn là cơ sở hoạt động bí mật của những đảng viên thuộc các chi bộ Đảng trong vùng, thời kỳ trước cách mạng tháng 8 năm 1945.

Ông Nguyễn Thế Nùng - nguyên Trung tá quân đội nhân dân Việt Nam, đã nghỉ hưu tại  xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà : Cách mạng 1945, cán bộ đảng viên lui về đây họp. Dân Bắc Sơn nghèo, nhưng giàu lòng yêu nước, vì vậy, ngày trước  1945 đã có những cán bộ Việt Minh hoạt động ở đây rồi. Chính những ông giáo đã truyền đạt cho chúng tôi các bài học về giác ngộ cách mạng. 





Đến thăm lại Bốt Tè, nơi giặc Pháp chiếm đóng thời kỳ những năm 1950, cũng là nơi đã từng tồn tại ngôi chùa Cả lớn nhất trong vùng. Dù thời gian, chiến tranh, loạn lạc đã xóa nhòa những dấu tích của một ngôi chùa Cả với những pho tượng cổ, những cây cổ thụ tỏa bóng mát trong không gian yên bình của một vùng quê xưa, nhưng những lớp người cao tuổi như ông Nguyễn Duy Điểm thì vẫn nhớ.

Ông Nguyễn Duy Điểm, đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng nỗi nhớ của ông về hình bóng làng quê xưa vẫn còn đậm nét: Trước đây, ngôi Chùa Cả rất đẹp, nhưng bị Pháp chiếm đóng, rồi bị đốt. Sau này phần đất của Chùa đã được sử dụng làm việc khác. Ngày nay, đời sống vật chất người dân đã được nâng cao, chúng tôi rất muốn phục hồi lại ngôi chùa Cả với quang cảnh  đẹp đẽ, trang nghiêm, một bên là Đình,một là Chùa, bên là miếu. Đó là mong muốn tha thiết của người dân Bắc Sơn chúng tôi.

Uống nước nhớ nguồn, đó là truyền thống, đạo lý của dân tộc, cũng là truyền thống của Đảng bộ và nhân dân Bắc Sơn hôm nay. Với kinh phí của Nhà nước đầu tư và nguồn xã hội hóa, với tâm huyết và lòng biết ơn vô hạn, Đảng bộ, nhân dân Bắc Sơn đã cùng tôn tạo, xây dựng một Đền thờ liệt sỹ mới, trang nghiêm ngay tại nghĩa trang liệt sỹ cũ, gần  nơi bốt giặc chiếm đóng năm xưa.

Anh Nguyễn Duy Quân thắp hương tại Đền thờ liệt sỹ xã Bắc Sơn

Anh Nguyễn Duy Quân, có cha là liệt sỹ đang yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ xã, nay Đền thờ liệt sỹ lại được tôn tạo, xây dựng, anh rất xúc động: Bản thân tôi  rất tự hào vì bố đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Tôi cũng rất cảm ơn cấp ủy, chính quyền đã có công khôi phục, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ thành nơi tri ân các anh hùng liệt sỹ tôn nghiêm như ngày hôm nay.

Tri ân những thế hệ cha ông đã vì dân, vì nước mà chiến đấu, hy sinh, Bắc Sơn hôm nay luôn làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, bằng những việc làm cụ thể. Sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của cấp ủy, chính quyền luôn là động lực để những thương binh như ông Phạm Văn Chiến có thêm niềm tin và sức mạnh chống chọi với những vết thương, những mảnh bom đạn còn nằm sâu trong cơ thể.

Thương binh ¼ Phạm Văn Chiến - xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà : Trong chiến trường, bom đạn ác liệt nhưng vẫn không run sợ, còn một người vẫn đánh. Về địa phương được sự  quan tâm của lãnh đạo địa phương, chúng tôi rất cảm động.







Không chỉ quan tâm, nâng cao đời sống của gia đình người có công với cách mạng, mà chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bắc Sơn đã giúp cho các công trình cơ sở hạ tầng của địa phương được chỉnh trang, xây dựng, mở rộng khang trang, sạch đẹp, đời sống của mỗi hộ gia đình trong cộng đồng dân cư cũng đổi thay nhanh chóng.Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của xã Bắc Sơn đạt trên 41 triệu đồng/ người. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%. 100% hộ dân đã đấu nối, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

Bà Phạm Thị Bắc, thôn Cộng Hòa, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà : Từ khi xã về đích nông thôn mới, đời sống nhân dân thay đổi nhiều lắm, nhà nào cũng dùng nước sạch có bếp ga, nhà vệ sinh, nhà tắm, chất lượng đời sống nâng cao nhiều, sức khỏe da dẻ nó khác hơn nhiều, bữa ăn đủ chất nên ai cũng béo khỏe chứ không như trước.

Những gia đình thuộc diện hộ nghèo như gia đình anh Anh Lê Văn Vương, thôn Quyết Tiến, nay cũng đã thoát nghèo. Trước đây, do vợ ốm đau, bệnh trọng, ở nhà không có việc làm, chỉ trông vào mấy sào ruộng, anh Vương đã phải đi lao động xa nhà. Giờ đây, nông thôn đổi mới, kinh tế, ngành nghề, dịch vụ, thương mại phát triển, nên anh đã quyết định trở về quê hương để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Lê Văn Vương - thôn Quyết Tiến, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà: Bây giờ quê mình từ ngày phát triển nông thôn mới,  thị trường thay đổi nhiều, tôi quyết định về quê làm ăn, chắc sẽ thuận lợi hơn.

Chính từ sức mạnh nội lực của những người dân Bắc Sơn, mà chương trình xây dựng nông thôn mới ở đây đã có những thành quả vững chắc. Thành công trong xây dựng nông thôn mới, cũng là thành công trong việc phát huy dân chủ, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong nhân dân.

Ông Hoàng Văn Điệt - Bí thư chi bộ thôn Quyết Tiến, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà : Khi xây dựng đường giao thông nông thôn, rơi vào nhà nào là nhà đó tự dỡ tường bao, tự xây mới. Chi bộ có định hướng, họp thôn được dân đồng tình góp đất . Kinh phí nhân dân đóng góp,  nhân dân giám sát và tự thanh toán .

Thế hệ tương lai của Bắc Sơn hôm nay được học tập, vui chơi trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, khang trang. Đó cũng chính là điều kiện tốt nhất mà Đảng bô và nhân dân Bắc Sơn dành cho con em mình, trong đó cũng có tấm lòng của những người con xa quê, luôn hướng về chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước.

Ông Trần Xuân Đôn - chủ tịch UBND xã Bắc Sơn : Bắc Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Thời gian tới, phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết của quê hương, chúng tôi sẽ tập trung các giải pháp để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.







Để có được một nông thôn mới như ngày hôm nay, Đảng bộ xã Bắc Sơn đã biết khơi dậy và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông trong công cuộc xây dựng bảo vệ quê hương, đất nước . Dù còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, trong tiến trình tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng với quyết tâm và sự đồng thuận cao, Bắc Sơn đang hướng tới một nông thôn mới mà ở đó sản xuất phát triển, người dân có việc làm, có thu nhập cao. Trong đó chú trọng giữ gìn, tôn tạo những giá trị văn hóa lâu đời của quê hương. 

Làng quê đổi mới, diện mạo văn minh, sáng, xanh, sạch đẹp, nhưng không mất đi hồn cốt của những làng quê xưa với cây đa, bến nước, sân đình đã đi sâu vào tiềm thức, là những ký ức đẹp, nên thơ về một miền quê cổ xưa mang tên Tạ Xá trong mỗi người con của Bắc Sơn hôm nay.

 Phạm Hương

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...