Tiềm năng nông nghiệp Thái Bình

Thứ 3, 11/04/2017 | 09:25:38
9,714 lượt xem

Không phải ngẫu nhiên mà từ bao đời nay, trong suốt chiều dài lịch sử chung của đất nước, nhắc tới 2 tiếng "Thái Bình", chúng ta cũng đều nghĩ ngay tới cái tên gọi thân thương "đất lúa". Chúng tôi luôn tự hào được sinh ra và lớn lên từ mảnh đất lúa Thái Bình.

 

Thái Bình là tỉnh duy nhất trong cả nước có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển.

Thái Bình là tỉnh duy nhất trong cả nước có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển. Là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng và nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Diện tích đất nông nghiệp trên 105.700ha, chủ yếu được bồi đắp phù sa bởi hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình, thuận lợi cho cấy lúa và các loại cây trồng khác - đặc biệt theo hướng thâm canh và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Không chỉ có thể, đường bờ biển của Thái Bình dài 54km, vùng bãi triều rộng lớn, bằng phẳng là tiềm năng vàng để phát triển du lịch và nuôi trồng thủy hải sản. Thái Bình đúng là “đất vàng biển bạc”

Phát huy truyền thống đó, ngày nay, Thái Bình tiếp tục khẳng định là vựa lúa khu vực Đồng bằng sông Hồng, là tỉnh tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cùng với các giải pháp được ví như cú hích, đột phá để tạo ra sự chuyển biển mạnh mẽ, toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Thái Bình là vựa lúa khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Thái Bình tiếp tục khẳng định là vựa lúa khu vực Đồng bằng sông Hồng

Một trong những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kinh tế của Thái Bình những năm gần đây, đó là đã khẳng định được vị trí là vựa lúa khu vực Đồng bằng sông Hồng. Diện tích đất cấy lúa luôn đạt trên 160.000 ha, sản lượng trên 1 triệu tấn thóc/năm. Đặc biệt, năng suất lên tới 135 tạ/ha/năm.

Không chỉ có cây lúa, với quyết tâm đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm, các loại cây màu cũng có bước phát triển vượt bậc với những mô hình như: mở rộng quỹ đất trồng khoai tây lên tới 17.000 ha. Thái Bình là tỉnh đầu tiên nghiên cứu thành công mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp khí canh, góp phần giải bài toán về giống khi vụ đông tới. Đây cũng chính là điều kiện cơ bản để thu hút, phát triển các nhà máy chế biến nông sản tại Thái Bình

Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiêp & Phát triển nông nghiệp Thái Bình: “Đất đai của Thái Bình bằng phẳng, màu mỡ, phì nhiêu do được bồi đắp bởi phù sa của hai hệ thống sông là sông Hồng và sông Thái Bình, nên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh và nông nghiệp công nghệ cao. Hạ tầng sản xuất nông nghiệp, hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, vùng sản xuất phục vụ sản xuất nông nghiệp được hoàn thiện và thực hiện cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới. Với những lợi thế như vậy, Thái Bình được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng nằm trong tốp đầu trong các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và cả nước về khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp”.

 Thái Bình là tỉnh có tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp khá nhanh và đồng bộ

Điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ, địa hình bằng phẳng, hệ thống kênh mương cứng hóa, hệ thống thủy lợi quy mô rất thuận lợi cho tưới tiêu. Mùa mưa bão, việc tiêu thoát nước nhanh, luôn đảm bảo an toàn cho cây trồng. Cùng với đó,  từ chương trình nông thôn mới, bờ vùng bờ thửa được bê tông hóa, các phương tiện như ô tô có thể xuống tận ruộng vận chuyển nông sản, đã thay đổi căn bản phương thức sản xuất của nông dân. Chính vì vậy, Thái Bình là tỉnh có tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp khá nhanh và đồng bộ. Hiện nay, tỷ lệ làm đất đã đạt trên 95%, tỷ lệ thu hoạch bằng máy trên 60%.

Yếu tố con người trong lao động sản xuất phát triển kinh tế

Trong các yếu tố điều kiện tự nhiên, thì không thể thiếu yếu tố con người. Con người ở đây là nói tới nguồn nhân lực lao động. Với số lao động trong độ tuổi lao động trên 1 triệu người, thì có tới 49,5% là lao động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Việc đào tạo nghề cho lao động để thích ứng với nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cũng đã được Thái Bình chú trọng:

Ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động Thương binh &Xã hội: “Cho đến 2016, về việc đào tạo nghề cho nông nghiệp nông thôn, Thái Bình đào tạo được khoảng trên 60.000 lao động, nâng độ tuổi lao động qua đào tạo là 44,5%. Người lao động Thái Bình sẽ đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp”.

 Vai trò của việc đưa vào những giống lúa mới để có thể trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về năng suất lúa 

Nghiên cứu giống mới.

Để có thể trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về năng xuất lúa như hiện nay, vai trò của việc đưa vào những giống lúa mới rất quan trọng. Trong đó có sự đóng góp không hề nhỏ của Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình đã nghiên cứu, lai tạo nhiều giống mới năng suất, chất lượng, tiến tới thực hiện công nghiệp hóa ngành giống, Với 10 giống lúa được công nhận là giống chuẩn quốc gia như BC15, TBR225...Với kết quả đó, Thái Bình trở thành tỉnh chiếm trên 10% thị phần giống của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Tổng Giám đốc Công ty giống cây trồng Thái Bình.

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình: “Thái Bình Seed có một chiến lược là cho tới năm 2020, chúng tôi trung thành với một doanh nghiệp nông nghiệp. Tháng 1/2017, nhân dịp kỷ niệm 45 năm, Thái Bình Seed công bố thương hiệu gạo Thái Bình và một đối tác của chúng tôi đang hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo cho Thái Bình”.

Điều kiện tự nhiên thuận lợi, cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp khá đồng bộ, cùng với giống tốt là điều kiện Thái Bình vươn lên trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về năng suất lúa. Hiện nay, Thái Bình đang tập trung xây dựng những mô hình sản xuất liên kết an toàn theo chuỗi, dựa trên xây dựng gần 130 cánh đồng mẫu gồm cả lúa và cây màu, đẩy mạnh ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản với các công ty, nhà máy chế biến. Công ty TNHH Liên Hạnh là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu cho nông dân. Đây cũng chính là một trong 3 đơn vị được cấp phép xuất khẩu gạo trực tiếp có qui mô lớn ở Thái Bình.

 Tập trung  và đẩy mạnh cho công tác tích tụ ruộng đất

Cùng với những bước tiến mới trong sản xuất, Thái Bình đã chú trọng và tập trung cho công tác tích tụ ruộng đất. Đây chính là một xu hướng tất yếu để nông nghiệp không bị tụt hậu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thông qua mô hình tích tụ với qui mô lớn, cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Phấn đấu đạt mục tiêu giá trị cánh đồng 400 - 500 triệu/ha một năm như nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho trong một chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh: 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho trong một chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh Thái Bình.

Thực hiện định hướng đó của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thái Bình đã và đang làm gì  để ước mơ xây dựng cánh đồng  đạt giá trị từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm trở thành hiện thực. Thực tế hiện nay, đã có những nông dân, những nhà đầu tư được ví như mạnh thường quân trong lĩnh vực này. Những mô hình tích tụ vài chục ha trở lên đã dần xuất hiện trong đó có cả doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp như công ty TNHH Hưng Cúc, thuê lại gần 20ha của nông dân tại xã Thanh Tân,  hay những nông dân mạnh dạn thuê đất sản xuất như ông Trần Xuân Lưỡng xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương.

Ông Trần Xuân Lưỡng, xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương: “Phải làm như vậy thì doanh nghiệp mới dám đầu tư và làm được nông nghiệp. Phải có quy hoạch những thửa ruộng lớn thì mới làm được, còn nếu còn manh mún thì sẽ không có lãi”. 

Ông Lý Thái Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc: "Chúng tôi đầu tư khoảng 300-400 triệu để sửa chữa lại những mương, máng công, kênh mương, cống, đất trũng và cải tạo đồng ruộng".

Trồng rau trong nhà kính.

Hiện nay, Thái Bình đã có 131 tổ chức, cá nhân thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất trồng trọt. Trên những diện tích đã tích tụ, có các hình thức sau: hình thức thuê đất chiếm 88,56%, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chiếm 3,56%, góp đất chiếm 5% và mượn đất để sản xuất chiếm 2,88%. Có 12 mô hình tích tụ trong lính vực trồng trọt từ 10 ha trở lên. Có 119 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 2 ha đến dưới 10 ha.

Vấn đề tích tụ ruộng đất cũng được nêu cụ thể trong Dự thảo đề án tích tụ ruộng đất của Thái Bình: Đến năm 2020, diện tích đất tích tụ với quy mô từ 2ha trở lên đạt từ 40.000ha trở lên. Trong đó, diện tích đất tích tụ từ 10ha trở lên đạt tối thiểu 8.000ha.

Những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ tại Thái Bình

Những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ tại Thái Bình đi sau một bước so với các tỉnh miền Nam, nhưng không hề nằm ngoài cuộc với xu hướng này, mà đang bắt nhịp khá nhanh. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một giải pháp để đem về những mặt hàng nông sản đảm bảo vấn đề ATTP và tăng giá trị, hướng tới xuất khẩu.

Vấn đề sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang được Thái Bình chú trọng đầu tư trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Những mô hình trồng cây trong nhà lưới, hay sản xuất liên kết an toàn theo chuỗi để tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh thực phẩm đang được chuyển giao nhiều hơn cho nông dân. Điều này cũng là xu hướng tất yếu khi thời gian qua, vấn đề vệ sinh ATTP luôn "nóng", mà ở đó, nhiều người đã ví chưa có bao giờ con đường từ "dạ dày đến nghĩa trang lại ngắn như bây giờ".

Nhưng đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao không hề ít. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, rất cần vai trò trụ cột của các doanh nghiệp.

Bà Tạ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty Thương mại Vật tư tổng hợp Toan vân: “Vừa qua, Công ty Thương mại vật tư tổng hợp Toan Vân đã thực hiện một chương trình đầu tư vào hệ thống nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích gần 20ha tại thôn Tam Lạc 2, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình. Dự án nông nghiệp công nghệ cao đưa lại cho Thái Bình nền nông nghiệp phát triển và đưa vào thị trường sản phẩm tốt, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Khởi công dự án nông nghiệp Công nghệ cao sản xuất rau hữu cơ và lúa chất lượng cao của Tập đoàn TH tại Thái Bình.

Cùng với các doanh nghiệp trong tỉnh, cơ hội cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Thái Bình cũng đã mở ra trước mắt khi liên tiếp có những tập đoàn lớn về thuê đất của nông dân để phát triển nông nghiệp sạch. Và sự kiện nổi bật mới đây nhất, là sự vào cuộc của tập đoàn TH. Theo kế hoạch, Tập đoàn TH TRuemilk sẽ đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch gắn với trồng cây dược liệu; mô hình trồng rau sạch; xây dựng nhà máy sơ chế nông sản, nhà máy dầu thực vật từ cám gạo tại Thái Bình… Quy mô dự án lên tới 3000ha đất với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Hiện nay, tập đoàn TH TRuemilk đã bắt đầu triển khai dự án với qui mô 30ha trồng rau sạch tại khu đất bãi ven sông Trà Lý thuộc địa phận huyện Vũ Thư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án của tập đoàn TH TRuemilk tại Thái Bình. 

Áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao là hướng đi tất yếu mang tính bền vững.

Không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Thái Bình đã chứng minh những bước tiến xa mang tính đột phá. Là tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giống lợn, nhiều năm qua, nông dân Thái Bình đã dần chuyển đổi sang chăn nuôi trang trại tập trung, áp dụng quy trình chăn nuôi hiện địa, an toàn sinh học.

Thái Bình có khoảng 744 trang trại. Tổng đàn lợn luôn ổn định trên 1 triệu con. Việc áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao là hướng đi tất yếu mang tính bền vững. Trang trại chăn nuôi bò thịt công nghệ cao tại xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Việt Hùng thuộc Tập đoàn Hòa Phát đầu tư là một ví dụ. Quy mô chăn nuôi 20.000 con bò/năm. Hiện tổng đàn bò mà Công ty đã nhập khoảng 8.000 con bò thịt của Australia.

Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao cũng đã được nông dân vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản áp dụng ngày một nhiều hơn với hình thức nuôi tôm trong nhà bạt. Mô hình này tránh được những tác động bất lợi từ môi trường, giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, với mô hình này, tôm được nuôi quanh năm, kể cả trong mùa đông, điều mà trước đây nuôi theo phương thức cổ truyền khó có thể làm được.

Khoảng 700ha diện tích vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản tập trung của hai huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải trong tổng số gần 8600 ha nuôi trồng thủy sản. Cùng với diện tích rừng ngập mặn giúp cho hệ sinh thái tại đây phong phú, đã làm đẹp hơn, giàu hơn cho nông nghiệp Thái Bình. Đặc biệt, với lợi thế bãi triều bằng phẳng, nông dân ven biển đã đưa con ngao trở thành đối tượng nuôi chủ lực với tổng sản lượng mỗi năm đạt gần 90.000 tấn, luôn ổn định ở diện tích gần 3000 ha (chiếm 50% sản lượng ngao toàn quốc). Đây  là cơ hội để Thái Bình hướng tới chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 5 nhiệm vụ mang tính đột phá 

Với những chuyển mình mạnh mẽ đó, Thái Bình đang từng ngày thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 5 nhiệm vụ mang tính đột phá như:

Thứ nhất, phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao. Tỉnh sẽ quy hoạch mỗi huyện từ 500 - 1000 ha, để thu hút các doanh nghiệp thuê ruộng, phát triển theo quy mô lớn.

Thứ hai, xây dựng các mô hình nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.

Thứ ba, xây dựng các khu, cụm công nghiệp phục vụ nông nghiệp.

Thứ tư, đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thứ năm, hình thành chương trình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, tâm linh tại vùng sản xuất nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh.

Để những mục tiêu đó trở thành hiện thực, Thái Bình cũng đã rộng cửa chào đón các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về đầu tư với cơ chế, chính sách cụ thể, kịp thời.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp đầu tư sản xuất hàng hóa tập trung, ngày 2/3/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Thông báo số 277 thống nhất chủ trương doanh nghiệp được thuê đất của người được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận, tuân thủ pháp luật và bảo đảm ổn định tình hình chính trị- xã hội ở cơ sở. Thời gian thuê đất, giá thuê đất và phương thức thanh toán tiền thuê đất theo thỏa thuận giữa bên thuê đất và bên cho thuê đất trên cơ sở quy định của pháp luật.

Bức tranh toàn cảnh về chuyển biến nông nghiệp Thái Bình cho thấy nỗ lực của không chỉ các cấp, các ngành chức năng, mà quan trọng hơn nữa, những nông dân là chủ thể chính không còn đứng ngoài cuộc. Thái Bình hiện đã có khoảng 200 xã về đích nông thôn mới. Người dân không còn sản xuất nhỏ lẻ manh mún, mà đã có sự đầu tư để tiến tới qui mô sản xuất lớn hơn, tập trung hơn. Đó mới chính là trọng tâm thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp mà Thái Bình đang hướng tới. 

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...