Người lưu giữ nghệ thuật chèo truyền thống

Thứ 4, 29/03/2017 | 08:27:43
3,435 lượt xem

Làng Khuốc xã Phong Châu ( huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) là cái nôi của nghệ thuật chèo. Nhằm lưu giữ và phát huy truyền thống của cha ông, bà Cao Hồng Bấc con của cố nghệ nhân Cao Kim Trạch đã thành lập ra Câu lạc bộ chèo truyền thống của xã và đứng ra tổ chức các lớp học miễn phí cho con em trong và ngoài xã có cùng sở thích, đam mê nghệ thuật chèo truyền thống của quê hương.

Không gian hẹp của ngôi nhà tổ chèo Làng Khuốc, xã Phong Châu là một không gian thích hợp để Câu lạc bộ chèo truyền thống của xã mở lớp học cho các em nhỏ đam mê chèo.  Lớp do cô giáo Cao Hồng Bấc - một người luôn đau đáu với nghệ thuật chèo truyền thống của cha ông - sáng lập, lúc nào cũng thu hút từ 25 đến 30 em từ lớp học sinh lớp 2 đến lớp 9 trong xã đến học.

Ngày nắng, cũng như ngày mưa, lại không một đồng thù lao nhưng những thành viên câu lạc bộ vẫn say sưa dạy các trò của mình. Em Nguyễn Thu Hà học sinh lớp 8B trường THCS xã Phong châu đã theo học hát chèo được hơn 3 tháng, em cũng là học sinh tiếp thu và học các làn điệu chèo nhanh hơn các bạn.

Em Nguyễn Thu Hà, Học sinh lớp 8B, trường THCS xã Phong Châu huyện Đông Hưng cho biết: "Em rất thích hát chèo, từ bé được nghe chèo nên khi bà Bấc mở em xin đến học và giờ em đã học được 10 làn điệu chèo và em mong muốn trở thành một người hát chèo chuyên nghiệp".

 

 

Và những buổi học của cô và trò vẫn luôn thu hút được khán giả là những người có tuổi trong làng, những người đam mê chèo và những phụ huynh đưa con đến học. Nhìn các em học và trực tiếp biểu diễn được khá nhiều làn điệu chèo cổ của địa phương mới thấy hết những nhọc nhằn của người dạy và những hy vọng về thế hệ diễn viên chèo mới của xã.  

Bà Phạm Thị Nhắt, năm nay đã 82 tuổi, một người yêu chèo của xã Phong Châu, huyện Đông Hưng chia sẻ: "Chúng tôi rất phấn khởi bởi nếu không mở ra lớp học này thì không biết có duy trì được làn điệu chèo của quê hương không. Chúng tôi cũng đã già cả rồi, các em học để ngày một bay cao, bay xa".

 

Làng Khuốc được coi là một trong những cái nôi chèo của đồng bằng Bắc bộ nói chung và Thái bình nói riêng. Với mong muốn gìn giữ làn điệu chèo truyền thống. Bà Bấc cùng với các thành viên Câu lạc bộ chèo truyền thống của xã Phong Châu đã quyết tâm mở ra lớp dạy chèo miễn phí này.  Lúc đầu có thể giọng chèo của các em chưa được mượt, động tác múa còn vụng dại nhưng các thành viên câu lạc bộ luôn có niềm tin, các em sẽ là thế hệ kế cận tiếp nối giữ gìn và phát huy tinh hoa của nghệ thuật chèo riêng có của Làng Khuốc. 

Ông Quach Văn NấngCâu lạc bộ chèo truyền thống xã Phong Châu, huyện Đông cho biết: "Lớp học không hề có chút kinh phí nào nhưng nếu không tổ chức thì sợ rằng sẽ mai một những làn điệu chèo cổ của quê hương, mà nói về chèo có nhiều cái hay cái đẹp lắm cần giữ gìn".

Lớp học cứ đều đặn diễn ra vào ngày chủ nhật hàng tuần, song song với học hát, câu lạc bộ còn dàn dựng các tiết mục chèo của các em. Khi diễn chèo các trích đoạn, các màn chèo không thể thiếu trang phục, nếu đi thuê cho các em thì tốn khá nhiều tiền, nhờ có thêm nghề may, Bà Bấc lại tự mình mua vải và cắt đo may lên các loại trang phục cho các em. Mỗi lần diễn các em đều được cô hướng dẫn tận tình và trang điểm sao cho hợp với các lớp chèo. 

Bà Cao Hồng Bấc cho biết về mục đích của lớp học: "Tôi chỉ là yêu chèo, mê chèo mà đứng ra mở lớp dạy học hát chèo này. Tôi mê những làn điệu chèo lắm, nếu không mở ra tôi thấy có lỗi với cố nghệ nhân và những người yêu chèo, tôi dạy các con theo giáo trình mà cha tôi để lại cho các em".

Đam mê với nghệ thuật hát chèo, nên mỗi buổi lên lớp, bà Bấc say sưa truyền dạy từng điệu múa, câu hát, trong khi trò cuốn hút trong từng vai diễn, trích đoạn hát Chèo…Cứ như vậy ngày ngày những làn điệu Chèo ngân vang theo lớp học.

Diễn chèo là nghệ thuật kịch diễn xướng cần phải khổ luyện, do vậy các em phải nỗ lực từng ngày, cùng với đó thày cũng phải uốn nắn từng động tác, từng cử chỉ, ánh mắt cho từng vai diễn. Cảm kích tấm lòng, nhiệt huyết của bà Bấc, mà các thành viên của Câu lạc bộ chèo xã Phong Châu không quản ngại khó khăn đến lớp cùng truyền dạy những tinh hoa văn hoá của nghệ thuật hát Chèo. 

Bà Quách thị Thu, Câu lạc bộ chèo truyền thống xã Phong Châu, huyện Đông Hưng cho biết biết: "Hát chèo từ nhỏ mà bây giờ đã lên chức bà, tôi thường dạy cháu hát chèo nên mới cùng mọi người mở lớp để dạy cho các cháu với mong muốn giữ lại truyền thống cha ông".

 

Ngày nay lớp học hát Chèo vẫn được duy trì đều đặn ở làng Khuốc. Xem các cháu biểu diễn, nhiều người không khỏi cảm phục khi thấy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc đã và đang được những tấm lòng tâm huyết bồi đắp, tiếp nối trong cuộc sống hiện đại.

  • Từ khóa
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 24/4, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...