Nghe Đại bàng Trường Sơn kể chuyện

Thứ 4, 21/12/2016 | 09:01:16
2,047 lượt xem

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước oanh liệt và hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Sức (thôn Đông Hòe, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) - Người được mệnh danh là “Đại bàng Trường Sơn” dũng cảm trong công tác vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men ra tiền tuyến . Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2016), phóng viên của Thaibinhtv.vn đã tới gặp và nghe ông kể về những chiến thắng oanh liệt ấy.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Sức (bên trái) kể lại những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ.

"Chập choạng tối ở La Mèo

Nửa đêm anh đã vượt đèo Ba Bông

Bản Ban đường 6 đã thông

Chiến dịch Cù Kiệt góp công kịp thời ".

Đây là những câu trong bản trường ca về Phạm Văn Sức được các chiến sĩ Trường Sơn thường đọc mỗi khi ca ngợi ông, người anh hùng lái xe.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Sức lúc còn trẻ. ( Ảnh tư liệu).

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1965, chàng trai trẻ Phạm Văn Sức viết đơn tình nguyện vào Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông được tham gia lực lượng bộ đội Trường Sơn, sau đó, vào cục vận tải, Tổng Cục Hậu cần. Từ thời gian ấy đến cuối năm 1968, ông đã lái xe vượt hơn 5 vạn km an toàn dưới làn bom đạn của giặc Mỹ. Trong đó, nhiều xe bị bốc cháy, Phạm Văn Sức đã lao mình vào lửa cứu xe. Với những hành động quả cảm cùng nhiều chiến công đã lập được, năm 1970, Phạm Văn Sức có quyết định của Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng. 

Gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Văn Sức, tại nhà riêng ở thôn Đông Hòe, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nghe ông kể về những năm tháng oanh liệt ngày xưa và một trong những kỷ niệm mà ông nhớ nhất đó là câu chuyện ông đã vận chuyển thành công 3 chuyến hàng đặc biệt từ Hà Nội vào cảng Sihanoukville (Cam-pu-chia). Ông kể lại: “Khi chở chuyến hàng đặc biệt đó, có một thùng hàng đặc biệt được để trong cabin xe. Khi chở chuyến hàng đó, tôi đã nhận được mệnh lệnh: Nếu còn sống thì hàng phải đưa được về đến đích, quyết bảo vệ thùng hàng đặc biệt bằng cả tính mạng. Vì vậy, tôi đã cố gắng lái xe, ngay cả khi ăn, cũng đều có thùng hàng bên cạnh và tôi đã vận chuyển và bảo vệ thành công thùng hàng đó”.

Đến sau này ông mới biết, chính chuyến hàng đặc biệt đó đã góp phần trong chiến thắng của các trận đánh lớn tiến tới giải phóng miền Nam sau này. Trong cuộc đời lái xe của mình, Phạm Văn Sức đều hoàn thành tốt khẩu hiệu “Giữ xe tốt, Lái xe an toàn, vượt cung, tăng chuyến, đưa nhiều hàng lên phía trước, sẵn sàng cứu xe, cứu hàng khi bị địch oanh tạc”.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Sức vẫn còn rất nhiều cảm xúc với những kỷ niệm một thời.

Chuyến cứu hàng hồi cuối tháng 11-1968, ông là Trung đội trưởng C33D99 Cục vận tải, chỉ huy 5 xe chở hàng từ Thanh Hóa sang Sầm Nưa (Lào) là chiến công đáng nhớ nhất. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Sức cho biết: “Khi đưa hàng sang Sầm Nưa (Lào) xe phải đi qua phà Mộc Sơn (Thanh Hóa) đoạn qua sông Tru là dòng sông sâu, nước chảy siết. Lúc đó, lái xe là Trần Đình Suy không may điều khiển xe khiến xe bị chìm. Lúc đó trên xe có 80 hòm đạn, mỗi hòm 50 kg, cùng với nhiều khẩu súng bị chìm dưới dòng sông 15 m, thấy vậy, tôi đã nhy xuống cứu đồng chí Suy lên, sau đó, lặn để đưa từng thùng đạn, và lấy dây cáp kéo xe lên. Khi đưa được xe và vũ khí lên an toàn thì trời vừa sáng, lúc đó địch biết đã bắn phá nên rất may không có thiệt hại về người và vũ khí. Khi ấy, tôi mệt quá, máu tai, máu mũi chảy ra, sau được đồng đội đưa đi nghỉ ngơi”.

Sau chuyến cứu hàng ấy, Phạm Văn Sức đã trực tiếp được Bác Hồ trao huy hiệu Hồ Chí Minh và được mệnh danh là “Đại bàng Trường Sơn”. Đến giờ, ông đã được nhận 13 huân chương chiến công các loại trong đó có Huân chương Độc lập Hạng Ba, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất cùng danh hiệu cao quý anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì những đóng góp xuất sắc trong việc vận chuyển và viện trợ hàng.

Khi chiến tranh kết thúc, anh hùng Phạm Văn Sức tiếp tục tham gia trong quân đội và nghỉ chế độ vào năm 1986.

Gặp ông, với những câu chuyện mà ông chia sẻ, đã giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử cách mạng Việt Nam, quá khứ hào hùng của dân tộc và tự hào hơn về lịch sử dân tộc. Thế hệ trẻ ngày nay, càng có cơ sở hơn để phấn đấu xây dựng đất nước hòa bình, phát triển, ngày càng văn minh, hiện đại.

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...