NSND Mạnh Tường: Suốt đời đau đáu với nghệ thuật Chèo

Thứ 6, 10/06/2016 | 11:42:23
4,002 lượt xem

55 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật Chèo, sau khi nghỉ hưu, nghệ sĩ nhân dân ( NSND) Mạnh Tường vẫn luôn yêu nghề bằng việc truyền dạy những làn điệu chèo cho giới trẻ, ông tâm niệm rằng: “Phong trào quần chúng mạnh thì mới có Chèo chuyên nghiệp”.

NSND Mạnh Tường luôn truyền cảm hứng cho người nghe với làn điệu chèo dân tộc.

Nghệ sĩ Mạnh Tường tên đầy đủ là Nguyễn Mạnh Tường, sinh ngày 1-1-1940, tại thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông là diễn viên Chèo từ những ngày đầu thành lập Đoàn Chèo Thái Bình (nay Nhà hát Chèo Thái Bình) năm 1959. Ông được phong tặng danh hiệu “ Nghệ sĩ ưu tú” vào 25-1-1984 . Tiếp tục ghi nhận sự cống hiến với nghệ thuật Chèo, năm 2016, Chủ tịch nước đã phong tặng ông danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”.

Những vai diễn thành công của nghệ sĩ Mạnh Tường để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả trong và ngoài nước như: Vai Mãng Ông ( thầy mù) trong vở “ Quan Âm Thị Kính” (biểu diễn tại các nước Tiệp Khắc, Bungari và Hungari năm 1986, biểu diễn tại Nhật năm 1994); vai Phù Thủy trong vở “ Súy Vân giả dại” tại Liên Xô cũ năm 1985; vai hề Thìn trong vở “ Tấm Cám”; vai hề Trâm trong Thạch Sanh; vai thầy bói trong vở “ Tôn Mạnh –Tôn Trọng”, vai Ngỗi trong vở: Tướng quân Phạm Ngũ Lão, vai Trùm Hỷ trong vở “ Cô gái Làng Chèo”; Ông Vực trong vở “ Ni cô Đàm Vân” (đề tài cách mạng), vai Nguyễn Văn Bẩy trong vở “ Dũng sĩ Rạch Gầm”….

Với cương vị quản lý - Trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật, những vở tham gia Hội diễn sân khấu Toàn quốc được tặng thưởng Huy chương vàng như: Cô gái Làng Chèo, Người tử tù mất tích, Ngọc sáng vương triều, Ba người lính trở về.

Ngoài ra, nghệ sĩ Mạnh Tường còn tham gia diễn những vở chèo  thành công xuất sắc cả về nội dung và hình thức nghệ thuậtphục vụ cán bộ, nhân dân trong tỉnh và biểu diễn phục vụ Đại hội Đảng Toàn quốc, Quốc hội, Quân khu, như các vở diễn: Cô hàng rau, Nàng Sita, Chiếc bóng oan khiên, Nỗi đau lòng mẹ…

NSND Mạnh Tường trong giờ dạy hát chèo.

Năm 2002 nghỉ hưu nhưng NSND Mạnh Tường vẫn tham gia giảng dạy: Hát và đóng vai mẫu cho diễn viên lớp trẻ kế cận của Nhà hát Chèo Thái Bình . Nhiều diễn viên lớp trẻ do ông giảng dạy đã thành danh trong sự nghiệp của mình như các diễn viên Nhà hát Chèo hiện tại. Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ: “ Tôi luôn nghĩ có phong trào quần chúng mạnh thì mới có Chèo chuyên nghiệp. Tuy nghỉ hưu, tôi vẫn có đam mê cộng tác với Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh trong việc phát huy nghệ thuật Chèo trong phong trào ca hát quần chúng”.

Ông Dương Xuân Thoạn- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Bình nhận định: “Trong 33 năm giảng dạy môn nghệ thuật chèo tại trường, ông Nguyễn Mạnh Tường luôn giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người cán bộ quản lý, giáo viên, người nghệ sĩ, giảng dạy nhiệt tình, chất lượng tốt, yêu nghề, có nhiệt huyết, luôn luôn trao truyền cho học sinh, sinh viên tình yêu, niềm đam mê đối với nghệ thuật chèo, góp phần đào tạo, bồi dưỡng các lớp diễn viên chèo tài năng”.

Giờ dạy hát chèo sắp phát sóng trên truyền hình TBTV.

 Nhiều học sinh, sinh viên được NSND Mạnh Tường tham gia giảng dạy đã đoạt các giải thưởng cao trong các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, Hội thi tài năng trẻ toàn quốc, có nhiều người được phong tặng nghệ sĩ ưu tú, là diễn viên xuất sắc giữ vai trò nòng cốt ở các đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương. Ngoài việc giảng dạy, NSND Mạnh Tường còn tham gia dàn dựng các chương trình nghệ thuật của nhà trường tham dự các hội thi, hội diễn đạt kết quả cao, góp phần vào sự nghiệp đào tạo của nhà Trường cũng như gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo của dân tộc nói chung, của Thái Bình nói riêng.

Ở cái tuổi gần 80, nhiều nghệ sĩ đã chọn sự bịnh yên trong căn nhà nhỏ cùng con cháu, nhưng NSND Mạnh Tường vẫn muốn hun đúc lòng đam mê chèo cho học sinh, sinh viên tại các trường nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Nghệ sĩ đã nhận dạy hát và các vai diễn mẫu tại trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật của tỉnh Hưng Yên. Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Tường cũng gắn bó mật thiết với Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh, hướng dẫn phòng trào văn nghệ hát chèo cho cơ sở, cơ quan, phường, xã, huyện, thành phố, tham gia nhiều kỳ hội diễn quần chúng trong tỉnh. Ông còn là Ban giám khảo cộng tác với Trung tâm văn hóa tỉnh, Trung tâm văn hóa Thành phố Thái Bình, biên tập tập san hát diễn Chèo và những trích đoạn Chèo hay cho cơ sở làm tư liệu hoạt động biểu diễn. Trong năm 2016, NSND Mạnh Tường tiếp tục tham gia chương trình dạy hát chèo trên hai sóng phát thanh và truyền hình trên Đài PT-TH Thái Bình.

Từ sự đam mê chèo như nghệ sĩ Nhân dân Mạnh Tường mà nhiều làn điệu chèo cổ tiếp tục được lưu giữ và  phát triển rộng khắp.

Lòng đam mê nghệ thuật chèo, còn được nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Tường thể hiện ở những địa điểm ông đến tham gia và sinh hoạt . Ông tích cực tham gia với vai trò là đội trưởng đội văn nghệ trong Câu lạc bộ Lê Quý Đôn. Ông tâm huyết dàn dựng các chương trình văn nghệ phục vụ các ngày lễ lớn, được các hội viên yêu mến vì đã làm sống lại tình yêu với nghệ thuật chèo. Các hội viên trong câu lạc bộ được thưởng thức các tác phẩm chèo, thậm chí được thể hiện các tác phẩm chèo do ông dồn sức sáng tạo,  càng yêu chèo hơn, sống vui, sống khỏe và có ích hơn. Tình yêu nghề hát chèo của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Tường được ông Đỗ Quang Thường- Chủ nhiệm câu lạc bộ Lê Quý Đôn (Thái Bình) nhận xét: “Nghệ sĩ Nguyễn mạnh Tường là người có tâm với phong trào chèo, dạy hát, diễn chèo và tổ chức được nhiều chương trình biểu diễn tại câu lạc bộ được hội viên câu lạc bộ yêu mến, trân trọng”.

 Ở tuổi xưa nay hiếm, cứ nghe tiếng trống chèo là đôi mắt bừng sáng, dường như những mạch máu trong người chảy mạnh hơn,  bởi với NSND Mạnh Tường "Chèo là một phần máu thịt" của đời ông .

Thành tích nổi bật của NSND Nguyễn Mạnh Tường

Nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ  ( 17-7-1993).

Bộ Văn hóa thông tin trao “Huy chương vì sự nghiệp văn hóa thông tin” ( 25-10-2002)

Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao “ Huy chương vì văn học nghệ thuật” (28-8-1998)

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng “ Huy chương vì sự nghiệp sân khấu” ( 25-2-1999)

Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Hai.

Huy chương vàng  trong các vở diễn: “Cô gái làng Chèo” (năm 1984); “Ngọc sáng vương triều” ( năm 1990); “Người tử tù mất tích” (năm 1995); “Ba người lính trở về” ( năm 1996).

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...