Hiệu quả từ phát triển rừng ngập mặn ven biển tại Thái Thụy và Tiền Hải

Thứ 4, 09/12/2015 | 15:37:57
6,285 lượt xem

Đường bờ biển trải dài qua hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải (Thái Bình) có những cánh rừng ngập mặn xanh mướt, tạo thành một vành đai vững chắc, như những “bức tường xanh” bảo vệ cuộc sống cư dân và các công trình ven biển, bên cạnh đó còn mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, tạo môi trường sinh thái vùng ven biển cho nhiều địa phương của hai huyện có biển.

Rừng ngập mặn tại huyện Thái Thụy

Những cánh rừng ngập mặn của xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy) trải dài theo triền đê biển của xã. Màu xanh mướt của những cây sú, cây vẹt hay cây bần chua, ken dày tạo thành một vành đai vững chắc bảo vệ đê biển, ngăn bão lũ, triều cường. Với diện tích hơn 2.000 ha, những cánh rừng ngập mặn đã phủ kín 4,5km đê biển của xã Thụy Trường. Trong cánh rừng ngập mặn, một hệ sinh thái phong phú nuôi dưỡng hàng chục loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu,… Không chỉ có thế, đây là ngôi nhà của gần 200 loài động vật. Nhờ hệ sinh thái đa dạng, rừng ngập mặn có ý nghĩa quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, tạo môi trường sống trong lành và mang lại lợi ích cao về kinh tế cho người dân nơi đây.

Là một trong những người dân cao niên của xã, gắn bó chìm nổi với biển và những cánh rừng ngặp mặn. Ông Vũ Anh Biên - thôn Chỉ Bồ, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy cho biết: "Sau khi có cái rừng này, dân chúng ở đây rất yên tâm, đồng thời phát triển được nghề ngư cụ, chăn nuôi thủy hải sản. Cái rừng này rất nhiều con cua, cái còng, cà ra cư trú. Chúng tôi có hàng trăm người, hàng ngày ra đây bắt cũng được 400.000 - 500.00 đồng/1 ngày. Nói chung là phát triển tốt.

 

Theo Ông Đỗ Đức Nam-  Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy thì từ ngày có rừng cuộc sống của người dân trong xã cũng có sự chuyển biển tích cực: Cây rừng ở Thụy Trường phát triển rất tốt, đặc biệt là cây bần, cây vẹt mang lại nguồn lợi thủy hải sản rất đáng quý.  Ngoài ra, ở đây các loài sinh vật đến trú ngụ như con còng, con cáy, con tôm, cua, cá, đặc biệt những con thủy, hải sản từ đó đem lại thu nhập cho nhân dân, đồng thời cũng đảm bảo môi trường sống trong lành, mát mẻ".

Hiện nay, cả vùng ven biển kéo dài 27 km của huyện Thái Thụy đã có rừng phủ kín, với độ rộng từ 800-1.300m, được trồng tại 5 xã ven biển gồm Thái Đô, Thái Thượng, Thụy Xuân, Thụy Hải và Thụy Trường. Những cánh rừng được phủ xanh tạo nên nguồn lợi thủy hải sản phong phú, tạo nên nguồn sống cho người dân ven biển.

Thành quả khai thác của những ngư dân

Cũng như những cánh rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển của huyện Thái Thụy, những cánh rừng như thế ở huyện Tiền Hải cũng mang lại những giá trị to lớn cho cuộc sống của người dân các xã ven biển có rừng.

Ngư dân huyện Tiền hải đang tìm bắt nhuyễn thể

Trong cánh rừng ngặp mặn của xã Đông Hoàng (huyện Tiền Hải), dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người làm nghề khai thác thủy hải sản đang tìm bắt những loài nhuyễn thể trong lớp bùn đất dưới những gốc cây rừng. Họ là những người dân ven biển với công việc thường nhật là khai thác cái loài thủy, sinh vật sẵn có do rừng mang lại như các loài tôm, cua, ốc, ngao sò… Từ khi có rừng, những loài này cũng trở nên nhiều hơn, nghề đánh bắt của bà con cũng ổn định hơn. Bất kể thời tiết nắng nóng hay buốt rét, ngày nào đi khai thác họ cũng có thu nhập.

Chị Đỗ Thị Thu Huyền - Thôn Hải Long, xã Đông Hoàng cho biết: Mình đi theo con nước, ví dụ nước vào muộn thì mình xu dọn nhà cửa xong rồi đi ra nhưng nước nó vào sớm thì 4-5 giờ đã phải đi. Đi như thế này cũng được khá, không thấy chán. Hôm trước tưởng như bắt hết rồi, hôm sau ra bắt lại thấy có khiến nhiều chị em rất say nghề, thu dọn công việc gia đình xong lại đi.

 

Tại các vùng ven biển của Thái Bình hiện nay, người dân đã thấy được giá trị kinh tế về nguồn lợi thủy hải sản  khá phong phú. Có một thời, con người đã tận dụng quá mức và sẵn sàng phá bỏ để làm ao đầm nuôi hải sản với mong muốn thụ lợi được nhiều và nhanh hơn.  Hiện nay, khác với trước kia, họ không khai thác tận diệt mà sống hài hòa với thiên nhiên. Từ việc nuôi ong lấy mật, nuôi chim, cá, thủy sản, cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây đã có những đổi thay thực sự. Họ đã quyết tâm bám rừng, tìm sinh kế vun đắp một cuộc sống tốt hơn, bền vững hơn. Ngoài những hình thức khai thác tự nhiên trong rừng ngập mặn, người dân các xã ven biển còn dựa vào rừng tạo nên các hình thức nuôi trồng kinh tế như nuôi tôm quảng canh hay phát triển nuôi trồng cả những mùa vụ, thời điểm mà trước kia không thể phát triển do gió bão, triều cường xâm nhập.

Nói về hình thức nuôi tôm quảng canh trong rừng ngập mặn mà gia đình đang phát triển, Anh Đỗ Đức Chiến -  xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy cho biết: "Chúng tôi đây chỉ có cải tạo qua, đi phơi phóng cho sạch môi trường rồi thả con giống. 1- 2 tháng sau, chúng tôi đưa nước vào để con tôm sinh trưởng tự nhiên, tận dụng khoảng 2 - 3 tháng, con tôm được thu thì chúng tôi sẽ thu, không cho ăn qua hình thức gì, dựa theo môi trường tự nhiên của nó sống trong đầm. Nuôi quảng canh thì tôm hoặc con cua sẽ ngon hơn, chất lượng hơn cua, tôm nuôi công nghiệp.

Với những dải rừng ngập mặn như những bức tường xanh bảo vệ cuộc sống cư dân ven biển và mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, môi trường sinh thái vùng ven biển nhiều địa phương của hai huyện Tiền hải và Thái Thụy đã được cải thiện. Rừng ngập mặn không chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng, hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển phong phú của các quần thể sinh vật cửa sông ven biển, đồng thời là nơi duy trì đa dạng sinh học cho biển. Sóng biển đi qua dải rừng ngập mặn đều bị biến đổi đến 85%, từ độ cao 1,3m xuống chỉ còn 0,2m, bảo vệ an toàn cho hàng trăm ha nuôi trồng thủy hải sản và cuộc sống yên bình của người dân. Thực tế, rừng ngập mặn ven biển trong những năm qua đã bảo vệ rất vững chắc cho các tuyến đê biển khi có bão, vững vàng trước sóng to, gió lớn.

Anh Hồ Trọng Hùng -  xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy nói:  "Từ năm 2012 đến nay, xã Thụy Trường đã trải qua rất nhiều trận bão lớn từ cấp 10 - 14, cũng có sóng to, gió lớn nhưng từ ngày có rừng không còn sóng to nữa nên đã giảm được những thiệt hại như về nuôi trồng, con người. Là một người dân, chúng tôi cũng nhận thức rõ bảo vệ rừng cũng là bảo vệ cuộc sống cho chính người dân nơi đây".

Cũng giống như Xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, từ khi có những cánh rừng ngặp mặn, chính quyền cũng như nhân dân xã Đông Long (Tiền Hải) cũng đã thấy rõ được tầm quan trọng và những giá trị to lớn mà rừng mang lại.

Ông Dương Văn Tuẩn – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Địa phương cũng đã tập trung trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, đến nay Chi cục kiểm lâm tỉnh và các ban ngành của tỉnh đánh giá rừng của Đông Long là rừng tương đối có giá trị sinh thái, kinh tế và đặc biệt là phối hợp bảo vệ an ninh - quốc phòng và giảm thiểu thiên tai của xã".

Bảo vệ rừng, đảm bảo sự phát triển cân bằng là đảm bảo lợi ích cho chính người dân sống cùng rừng ngập mặn. Gắn lợi ích và trách nhiệm cho những người dân nuôi trồng thủy hải sản là một trong những cách làm có thể bảo vệ rừng ngập mặn được Thái Bình áp dụng. Với những nỗ lực bảo vệ “bức tường xanh” ven biển thì những cư dân nơi đây cũng là đang bảo vệ nguồn sống cho chính mình, cũng như các thế hệ con cháu mai sau và tạo nên sự giàu đẹp của quê hương vùng biển.  

Hồng Điệp

 

 

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...