Trường THPT Nguyễn Du “ Ngày ấy và bây giờ”

Thứ 3, 10/11/2015 | 08:03:19
6,387 lượt xem

Năm 1965, tại vùng Nam Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có một ngôi trường cấp III được thành lập với 9 lớp học gồm 531 học sinh và 25 giáo viên. 50 năm qua, ngôi trường cấp III ngày ấy nay đã được mang tên đại thi hào dân tộc Nguyễn Du với quy mô 36 lớp với hơn 1.600 học sinh và 89 cán bộ giáo viên, nhân viên.

THPT Nguyễn Du “ngày ấy”

 

Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Thiệu thăm lại trường xưa

Vượt lên những thử thách của chiến tranh ác liệt và mọi khó khăn, 50 năm qua trường THPT Nguyễn Du không ngừng phát triển và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp trồng người của vùng quê lúa hiếu học và giàu truyền thống.

Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Thiệu trở lại mái trường ngày xưa, nơi thầy đã gắn bó gần 40 năm đến từ những ngày đầu trường mới thành lập đến khi nghỉ hưu. Bước chân chầm chậm qua khuôn viên nhà trường, đến gian phòng truyền thống, những cảm xúc về những năm tháng gắn bó với ngôi trường này như ùa về trong lòng người giáo viên già. Cảm xúc đó thật đặc biệt khi bên cạnh thầy các thế hệ học trò nhà trường cùng hạnh ngộ quây quần, cùng nhớ lại những tháng năm với biết bao kỷ niệm.

Cách đây 50 năm vào tháng 8-1965, giữa những ngày khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trường cấp 3 Kiến Xương được thành lập. Một năm sau huyện có thêm trường cấp III Bắc Kiến Xương nên trường đổi tên thành trường cấp III Nam Kiến Xương.

Hình mô phỏng lớp học những năm đầu thành lập trường

Năm đầu thành lập trường có 9 lớp học với 531 học sinh và 25 cán bộ giáo viên. Lúc đầu, trường được đặt ở thôn Chấn Đông cạnh chùa Dốc Lòng, xã Tán Thuật. Sau hơn 1 năm, trường lại chuyển về thôn Mỹ Nguyên, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương. Đến đầu năm 1971, trường mới chuyển về Trung tâm xã Tán Thuật (địa điểm trường hiện nay).

Giờ học thí nghiệm tại trường

Dù trong điều kiện chiến tranh khốc liệt hay những năm tháng thiếu thốn mọi mặt nhưng vượt lên tất cả thầy và trò nhà trường luôn thi đua dạy tốt học tốt. Đã có biết bao giáo sư, tiến sĩ, bác sỹ, kỹ sư hay những anh hùng LLVT, những nhà lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ những năm tháng khó khăn ấy.

NGƯT Phạm Văn Thiệu – Nguyên hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, Kiến Xương hồi tưởng lại: Thầy trò làm hầm hào, lán học bằng tre lá, nhân dân cũng đóng góp. Kinh tế thì thiếu thốn, thầy trò hết sức khó khăn. Thầy cũng đói, trò cũng hết sức khó khăn vì đại bộ phận học trò đều là con em nông dân cả. Nhưng các thầy đều quyết tâm và trong 5 năm sơ tán ấy nhà trường vẫn giữ vững được danh hiệu là trường tiên tiến cấp tỉnh”.

 Tròn 50 năm, những thế hệ học trò ngày ấy nay đều đã tóc bạc, da mồi lại có dịp tề tựu cùng nhau. Những cái nắm tay siết chặt. Những nụ cười rạng rỡ. Những mái đầu bạc của người thầy hòa cùng mái tóc hoa râm của những người học trò. Và những câu chuyện, những hồi ức cùng những kỷ niệm họ cùng nhau kể lại, lần lượt: Từ Dốc Lòng, Mỹ Nguyên rồi đến Trà Đoài. Đó là những địa danh mãi mãi không phai mờ trong lòng những thế hệ trường cấp 3 Nam Kiến Xương ngày ấy – Trường THPT Nguyễn Du hôm nay.

Bà Chu Thị Hảo – Cựu học sinh trường khóa III, trường THPT Nam Kiến Xương ( nay là trường THPT Nguyễn Du) nhớ lại: " Chúng tôi phải đội mũ rơm đi học, học trong nhà lán trại, thỉnh thoảng máy bay ném bom lại chiu xuống hầm. Buổi sáng nắm cơm đi học, buổi chiều lao động nhưtự xây nhà, đắp tường, làm hầm. Vào những năm tháng khó khăn gian khổ như thế nhưng tình thầy trò, tình bạn bè thật tuyệt vời. Tất cả những kỷ niệm ấy giúp chúng tôi nghĩ mình phải sống sao cho xứng đáng với những năm tháng mình đã trải qua.”

 

Còn ông Trần Quốc Vượng – Cựu học sinh trường khóa III, trường THPT Nam Kiến Xương ( nay là trường THPT Nguyễn Du) nhớ lại: “ Trong khó khăn lúc đó càng hun đúc cho lứa thanh niên, lứa học trò lúc đó phải cố gắng vươn lên rất nhiều. Chúng tôi thường nói thời lúc ấy thầy giáo phải chắt chiu kiến thức để truyền đạt cho học sinh và học sinh lúc ấy phải chắt chiu con chữ để cố gắng vươn lên. Thầy giáo tất cả là vì học sinh không những truyền thụ cho kiến thức mà còn truyền thụ phương thức làm người, cách thức để vào cuộc sống, từ việc nhỏ nhất. Tất cả những điều đó đã tạo cho chúng tôi những học sinh của những khóa đầu tiên ấy, người nào cũng thành đạt trong cuộc sống của mình sau này.”

Trong những năm tháng sơ tán ấy với quyết tâm đảm bảo an toàn tính mạng cho thày và trò, đồng thời, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và học tập. Thầy và trò nhà trường vừa thi đua học tập, vừa tích cực lao động, sản xuất góp sức người, sức của cho công cuộc của đất nước.

Đội tuyển học sinh giỏi lúc bấy giờ

Dù trong hoàn cảnh còn thiếu thốn bộn bề nhưng thầy trò nhà trường vẫn hăng say học tập, tích cực nghiên cứu. Bên những giờ học tập ấy những buổi tập văn nghệ cùng tiếng đàn, tiếng hát của thầy và trò vẫn cất lên rộn rã như xóa đi bao vất vả, mệt nhọc hàng ngày. Tình nghĩa thầy trò sâu sắc, tình đồng nghiệp gắn bó chia ngọt sẻ bùi đã tạo nền móng sức mạnh cho các thế hệ thầy và trò trường Nam Kiến Xương viết lên trang sử vẻ vang của nhà trường.

Nói về ý chí của những thế hệ thầy cô thời bấy giờ, Nhà giáo ưu tú Đặng Thuyên –Nguyên giáo viên

trường THPT Nam Kiến Xương - Nguyễn Du cho biết: “Chúng tôi vẫn bằng nghị lực, bằng tinh thần vẫn lên lớp và lên lớp trọn vẹn. Bài học chưa xong thì chúng tôi vẫn dạy tiếp, không bao giờ bỏ dở bài dù khó khăn đến đâu. Học ban ngày chưa đủ thì chúng tôi dạy học buổi tổi. Thày trò ngồi dưới gốc tre, kèm cặp, phụ đạo nhau học. Các em noi gương vào thầy cũng cố gắng học tốt.”

Song hành cùng những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, từ năm 1973, ngôi trường cấp III Nam Kiến Xương được vững chân trên mảnh đất Thanh Nê, xã Tán Thuật nay là thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương.

Đến năm 1985, trường được tỉnh cho phép đổi tên thành THPT Nguyễn Du và tự hào mang tên gọi của thi hào dân tộc từ đó đến nay. NGƯT Phạm Văn Thiệu – Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, Kiến Xương cho biết: “ Trường THPT Nguyễn Du mà trước kia gọi là trường cấp III Nam Kiến Xương, tạm thời có thể chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ khi thành lập năm 1965- 1974. Giai đoạn chống Mỹ cứu nước ( giai đoạn 2: từ năm 1975-1985) là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước xong nhưng trường vẫn trong giai đoạn hết sức khó khăn. Giai đoạn 3 là từ 1986 đến nay.”

Nhìn lại chặng đường 50 năm, các thế hệ thầy cô và học trò trưởng thành từ mái trường THPT Nguyễn Du đã thức sự góp nhiều công sức tạo nên tầm vóc của nhà trường hôm nay.

 * THPT Nguyễn Du bây giờ

Trường THPT Nguyễn Du áp dụng  các phương pháp giảng dạy sinh động tại các giờ học

Hiện nhà trường có cơ sở vật chất khang trang trên khuôn viên 16.000 m2, đứng chân trên địa bàn thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương. Từ 9 lớp với 531 học sinh ở năm đầu thành lập, đến nay, mỗi năm nhà trường có 36 lớp với hơn 1626 học sinh. Từ con số 25 giao viên ngày đầu, nây trường đã có 89 cán bộ, công nhân viên. Trong đó, 100% trình độ đại học, nhiều giáo viên trình độ trên đại học. Tập thể nhà trường là một đội ngũ hùng hậu cả về số lượng lẫn năng lực chuyên môn.

Trường THPT Nguyễn Du ngày nay

Từ những lán trại học thời chiến tranh, đến nay, những dãy nhà học 2, 3 tầng đã khang trang sạch đẹp. Sau nhiều năm liên tục đổi mới, nâng cấp cơ sở vật chất, trường đã có đầy đủ số phòng học kiên cố cao tầng, ngoài ra các phòng chức năng như thí nghiệm, thư viện, sân chơi, bãi tập đủ trang thiết bị góp phần trong việc nâng cao chất lượng dạy và học cũng như việc giáo dục toàn diện cho học sinh, phục vụ sự nghiệp “trồng người” của quê hương Kiến Xương.

Em Vi Hà Ly , học sinh Khóa 50, Trường THPT Nguyễn Du, Kiến Xương chia sẻ: “ Được

học tập dưới mái trường mang tên đại thi hào của dân tộc Nguyễn Du, em cảm thấy rất là tự hào. Những ngày tháng học tập dưới mái trường, em được thầy cô tận tâm với học sinh, tâm huyết với nghề. Em đã học hỏi rất nhiều từ các thầy, các cô và càng thêm yêu mái trường Nguyễn Du.”

Có thể nói rằng, với sự nghiệp trồng người của mình trường THPT Nguyễn Du luôn lấy chất lượng giáo dục là yếu tố hàng đầu, là chuẩn mực để đánh giá hiệu quả giáo dục. Vì thế, nhà trường không ngừng cải tiến công tác quản lý dạy và học, thường xuyên đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá

Chính vì những nỗ lực đó chất lượng giáo dục của nhà trường  ngày càng đi lên  . Số học sinh đạt học lực khá giỏi hàng năm trên 65%. Kỳ thi tốt nghiệp luôn đạt cao, 5 năm gần đây đạt 100%, trong đó, tỷ lệ khá giỏi là trên 40%. Số học sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hàng năm đạt trên 70%. Trường liên tục lọt vào tốp 200 trường THPT có điểm thi đại học cao trên toàn quốc. Đã có 20 em đỗ thủ khoa, á khoa các trường Đại học, nhiều học sinh hiện nay có học hàm, học vị cao.

   Em Hoàng Minh Giám – Thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015, cựu học sinh trường PTTH Nguyễn Du cho biết suy nghĩ của mình “ Em rất tự hào góp phần vào truyền thống hiếu học của nhà trường, đặc biệt, năm nay kỷ niệm 50 năm thành lập trường. Trong 3 năm học tập tại nhà trường đã rèn luyện cho em rất nhiều kiến thức bổ ích. Khi đạt được kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh vào Đại học cũng là sự thành công bước đầu cổ vũ em trên bước đường học tập sau này.”

Để có được những thành quả đó, trong công tác xây dựng môi trường sư phạm, nhà trường đã thực hiện cuộc vận động “Hai không” một cách nghiêm túc và toàn diện như tổ chức cho cán bộ giáo viên quán triệt học tập các văn bản chỉ đạo, mục đích yêu cầu của cuộc vận động, sau đó, tổ chức ký cam kết thực hiện, đảm bảo dạy đúng chương trình.

Đồng thời, trường tổ chức việc thi cử và kiểm tra nghiêm túc để đánh giá đúng thực chất chất lượng dạy và học, trường THPT Nguyễn Du đề ra những chỉ tiêu phấn đấu: Tỷ lệ học sinh lên lớp, đỗ tốt nghiệp sát thực tế và có tính khả thi cao, tránh được tình trạng chạy theo thành tích. Năm nào nhà trường cũng có đội tuyển tham dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều năm đạt kết quả cao. Trường có 359 số đội tuyển HSG đạt giải cấp tỉnh với trên 1.700 em. Từ năm học 2010-2011 đến nay, công tác phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi có bước đột phá ổn định, trường luôn xếp ở vị trí cao trong khối THPT tỉnh Thái Bình.

Đội ngũ giáo viên, học sinh tại trường THPT chuyên tâm nâng cao chất lượng giờ học

Về công tác chính trị và tư tưởng, trường đã tổ chức cho giáo viên học tập và thực hiện đúng nhiệm vụ của nhà giáo được ghi trong điều lệ trường trung học. Các thầy cô giáo và cán bộ quản lý của trường được quán triệt và thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “ Thi đua dạy tốt, học tốt”.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Tuyên – Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du cho biết: “ Được

giảng dạy trong nột môi trường truyền thống có nhiều thành tích như thế theo tôi đây là một môi trường mơ ước của một giáo viên trẻ như tôi. Ban giám hiệu tạo điều kiện tốt cho chúng tôi, quan tâm từ chuyên môn đến mọi mặt của đời sống cho cán bộ. Để có được hơn những thành tích như vậy, tôi cũng sẽ nỗ lực cố gắng hơn nữa làm sao cho thành tích của nhà trường tốt hơn trong những năm tới, làm sao cho mình đào tạo nhiều hơn các thế hệ học trò có ích cho xã hội."

50 năm qua, trường THPT Nguyễn Du là cái nôi nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. Trong sự nghiệp kháng chiến của nước nhà 70 học trò của nhà trường đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Để tri ân những người con đã cống hiến cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được nhà trường tổ chức.

Thầy giáo Hoàng Quang Hiệp – Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du khẳng định:  "

được kết quả đó là do các thế hệ thầy và trò trường THPT Nguyễn Du, xưa là trường Nam Kiến Xương có nhiều truyền thống tốt đẹp. Đó là truyền thống tôn sư trọng đạo, nghĩa tình trọn vẹn, đoàn kết. Từ tri bộ cho đến Ban giám hiệu, các đoàn thể trong trường cho đến cá nhân, luôn luôn giữ vững vị trí của mình đã đạt được và đặt một cái hướng cho tương lai sao cho kết quả những năm tháng tới tiếp tục duy trì tốt những thành tích tốt như hiện nay và đồng thời phát triển trên xu hướng phát triển chung của nền giáo dục của đất nước.”

Trong không khí của những ngày kỷ niệm ngôi trường 50 năm tuổi, các thế hệ học sinh cũ của nhà trường lại có dịp về thăm lại trường xưa, lớp cũ. Bước vào lớp học cũ, cùng các em học sinh hôm nay lắng nghe bài giảng của cô, của thầy mà tưởng như những năm tháng ngày nào vẫn như ngày hôm qua. Tham dự một giờ học tại lớp, anh Nguyễn Văn Huy – Cựu học sinh khóa 31, Trường THPT Nguyễn Du bộc bạch cảm xúc: “ Là một cựu học trò của nhà trường, bản thân tôi thấy rất tự hào về truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành của nhà trường. Trong 50 năm qua, những thế hệ thầy, cô và nhà trường cũng không ngừng phấn đấu trở thành những công dân gương mẫu, những người có ích cho quê hương đất nước. Nhiều người đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực để cho các thế hệ sau của nhà trường noi theo. Trên nền tảng 50 năm qua, hy vọng trường THPT Nguyễn Du của chúng tôi trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt nhiều thành tựu vinh quang hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.”

 

Thầy cô giáo trong trường THPT Nguyễn Du tiên phong trong phong trào đền ơn đáp nghĩa và phòng trào nhân đạo

Trường THPT Nguyễn Du ngày nay

Trong dòng cảm xúc trở lại trường xưa anh Trần Kim Phụng – Cựu học sinh khóa 26, Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ: “ Nếu được trở lại những năm tháng đó tôi chỉ có thể nói là vô cùng cám ơn các thầy cô đã dành tình cảm và thời gian để cho chúng tôi tri thức, tình cảm để bước ra ngoài xã hội.”

Trong những ngày tháng 11đặc biệt này, khi cả nước đều tri ân thầy cô thì trường THPT Nguyễn Du long trọng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Đây là dịp trọng đại để thầy và trò nhà trường cùng nhau điểm lại chặng đường gần nửa thế kỷ đã đi qua, tiếp tục phấn đấu viết tiếp những trang sử truyền thống vẻ vang của ngôi trường mang tên đại thi hào dân tộc trên vùng quê lúa Kiến Xương, Thái Bình.

 

Kết quả nổi bật 50 năm qua của trường THPT Nguyễn Du:
Gần 18.000 học sinh đã tốt nghiệp.
Hơn 10.900 người đỗ vào các trường CĐ, ĐH.
Trong đó: 400 tiến sĩ, thạc sĩ, 581 người tham gia lãnh đạo quản lý các cấp; 2.780 học sinh tham gia lực lượng vũ trang, có 7 người mang quân hàm cấp tướng.

44 cá nhân đạt danh hiệu Huân chương kháng chiến các loại. Trong đó: 1 Huân chương Lao động Hạng 3.

6 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 6 Bằng khen của Bộ GD&ĐT.

 


Hồng Điệp

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...