Nhân chứng trận đầu đánh đuổi tàu Hải quân Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta

Thứ 3, 04/08/2015 | 09:40:23
1,321 lượt xem

Cách đây 51 năm, ngày mùng 2 và mùng 5-8-1964, Hải quân Nhân dân Việt Nam trong thế trận chiến tranh nhân dân đã ra quân trận đầu đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Hải quân Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Chiến thắng trận đầu trở thành mốc son quan trọng, niềm tự hào của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Và góp phần vào chiến thắng ấy, bảo vệ vững trãi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc có những người con quê hương Thái Bình.

Ông Hà Quang Kiển kể chuyện cho các cháu về thời hào hùng đã qua

* Câu chuyện xung quanh trận đầu đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Hải quân Mỹ

Sau những giờ học bài ở lớp, cháu Hà Phương Anh, thôn Khuốc Tây, xã Phong Châu, huyện Đông Hưng lại nghe ông nội mình là cựu chiến binh (CCB) Hà Quang Kiển kể về những ngày tháng chiến đấu hào hùng của ông cùng đồng đội. Qua câu chuyện của ông, Phương Anh như thấy được hình ảnh ông ngày đó. Mới 19, đôi mươi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông hăng hái lên đường nhập ngũ.

Ông Kiển gia nhập hải quân với tình yêu biển, đảo và những con tàu. Ông được biên chế vào phân đội 2, Tiểu đoàn 130, Quân chủng Hải quân Việt Nam. Những ngày tháng chiến đấu cùng đồng đội ở đảo Hòn Mê, Hòn Ngư trên sông Lạch Trường, đến bảo vệ cầu Hàm Rồng của tỉnh Thanh Hóa. Đó là những tháng ngày đẹp nhất, in dấu nhiều kỷ niệm của cuộc đời ông. Trong đó, có trận chiến đấu trực tiếp với kẻ thù ngày 5-8-1964 tại cửa biển Lạch Trường ( tỉnh Thanh Hóa).

Ông Khiển với niềm vui gặp lại đồng đội trong trận đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Hải quân Mỹ

Ông Kiển kể lại: “ Ngày 5-8-1964, khi đó tôi là pháo thủ của tàu 130. Máy bay Mỹ đánh vào Lạch Trường chủ yếu là biên đội tàu 130 và 132. Tôi trực tiếp tham gia chiến đấu tại đó. Ngay loạt đạn đầu tiên, biên đội đã bắn rơi một chiếc máy bay. Sau khoảng 30 phút chúng tập trung đánh chiếm vào đó. Đã có nhiều anh em là tấm gương chiến đấu rất dũng cảm như: Anh Hà Quang Điếu - Chính trị viên Trung đội người thôn Quang Lang, xã  Thụy Hải, huyện Thái Thụy;  anh Cát Khả, huyện Tiền Hải...”

Sau trận chiến đó, tàu 130 của ông bị hỏng, ông lại được phân về tàu 136 tiếp tục về Hàm Rồng làm nhiệm vụ ban đêm đánh biệt kích, ban ngày cùng với lực lượng phòng không Hàm Rồng bảo vệ  cầu.  Ngày 3- 4/4/1965, sự kiện cầu Hàm Rồng bị không quân Mỹ đánh phá. Khi đó có biên đội tàu 136 và 120 cùng các lực lượng chiến đấu, bảo vệ thành công cây cầu huyết mạch vào chiến trường miền Nam. Trận chiến đó đã đi vào lịch sử với chiến công bắn rơi 47 máy bay của giặc Mỹ. Nghe những câu chuyện của ông  nội kể, Hà Phương Anh xúc động: “ Những câu chuyện ông kể giúp con tiến bộ hơn trong môn học lịch sử.”

Kỷ niệm của một thời chiến đấu hào hùng đã thôi thúc ông Hà Quang Kiển tìm lại những người bạn, người đồng đội đã cùng ông sống và chiến đấu đánh địch trên sông Lạch Trường ( tỉnh Thanh Hóa) xưa. Tìm về thôn Thọ Bi, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, ông Hà Quang Kiển đã gặp được người đồng đội cũ. Họ gặp nhau với bao nhiêu tình cảm chất chứa trong những cái bắt tay, trong vòng tay xiết chặt. Bởi sau 40 năm xa cách, 2 người đồng đội xưa mới có dịp hạnh ngộ với nhau.

Họ cùng ôn lại kỷ niệm về những ngày cùng nhau chiến đấu với đồng đội và tình quân dân. Đó là những ngày tháng mãi không bao giờ quên. Những năm tháng ác liệt mà hào hùng đó giờ như đong đầy trong chiếc huy hiệu mùng 5-8, kỷ niệm đánh thắng trận đầu của lực lượng Hải Quân Việt Nam năm 1964 hay trong chiếc Huân chương chiến công của trận lịch sử ngày 21-5-1965 mà ông Nguyễn Quang Phổ đã vinh dự được Bác Hồ trao tặng. Đó là dấu mốc lịch sử của cuộc đời quân ngũ. Bởi tại trận chiến này, ông đã bị thương rất nặng. Sau khi được các anh em đồng đội, trong đó có trực tiếp là ông Hà Quang Kiển sơ cứu, ông lại tiếp tục ở lại tàu chiến đấu đến cùng.

Ông Phổ nhớ lại: “ Khoảng 5 giờ sáng, chúng tôi vừa đi công tác ở ngoài biển vào, đang đi lấy dầu ở trạm thủy sản ở ngay cửa sông thì máy bay địch bắt đầu tấn công. Ngay loạt đạn đầu, tôi đã bị thương. Một vết thương thấu bụng xuyên từ lưng về phía trước, đẩy ruột ra bên ngoài. Trong lúc tôi đang cầm băng đạn để tiếp đạn ở vị trí 3 tàu 136 thì được đồng chí Hà Quang Kiển là pháo thủ số 2 vị trí 6 trực tiếp băng cho. Tôi tiếp tục chiến đấu đến 8 giờ coi như không còn đứng được nữa thì đồng chí Bùi Duy Đệ là thuyền trưởng quyết định cho tôi dời tàu lên bờ đi điều trị.”

 * Và những câu chuyện đời thường

Ông Hà Quang Kiển  cùng các CCB gặp nhau bàn xây dựng Hội ngày càng vững mạnh

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những người lính năm xưa họ lại trở về với đời thường. Họ vẫn luôn nêu cao phẩm chất người lính Cụ Hồ, chăm chỉ lao động, đóng góp sức lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp nơi quê nhà qua các hoạt động của các phong trào hội. Giờ đây, được quây quần bên con cháu, được tiếp tục lao động, làm việc chính là niềm vui sống lúc tuổi già của người cựu lính hải quân ấy.  Nhận xét về CCB quả cảm Hà Quang Kiển năm xưa, ông Phạm Xuân Hải – Chủ tịch Hội CCB  xã Phong Châu, huyện Đông Hưng cho biết: “Hơn 10 năm thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng chí Kiển đã tích cực tham gia  các hoạt động của địa phương, nhất là các hoạt động phong trào của Hội CCB. Khi đồng chí làm đã chuyên sâu vào công tác tình nghĩa nên được nhiều hội viên quý mến.”

Hơn nửa đời người, ông Hà Quang Kiển đã dành tình yêu cho biển, cho tàu. Nay trở về đời thường, ông lại tích cực cống hiến cho quê hương. Nhưng tình yêu với biển đảo, với sắc xanh của áo lính hải quân vẫn luôn đau đáu trong trái tim ông. Và tình yêu đó nay đã được các thế hệ cháu con của ông tiếp nối. Ông có 4 người con thì cả 4 người hiện nay đều đang công tác trong lực lượng hải quân và Cảnh sát biển. Ông Kiển cho biết:  “ Ở nhà tôi vẫn động viên các con, các cháu học hành cho tốt. Phải giữ làm sao được cái bản chất truyền thống của quân chủng, của gia đình và của quân đội.”.

Tự hào về truyền thống của ông cha mình, em Hà Phương Anh nói: “ Qua những câu chuyện ông kể, con thấy rất tự hào về ông. Cha con và các bác, các chú vẫn phát huy truyền thống của ông. Con tự nhủ rằng sẽ phấn đấu học thật giỏi và cũng luôn luôn phát huy truyền thống của ông.”

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng âm vang của chiến thắng trận đầu vẫn còn in đậm trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam. Bằng tình yêu Tổ quốc và lòng dũng cảm, những người lính hải quân năm xưa đã đem tất cả tinh thần và nghị lực đánh đuổi giặc Mỹ, giữ yên bờ cõi, biển đảo quê hương.  Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Lịch sử cũng không bao giờ quên những năm tháng hào hùng gian khổ trong cuộc đấu tranh giữ nước giành độc lập dân tộc và những con người làm nên huyền thoại “ Chiến thắng trận đầu” của Hải quân Việt Nam. Nó là bài ca vang vọng muôn đời về tinh thần yêu nước, là lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ hôm nay về trách nhiệm với biển đảo của Tổ quốc mình.

  Hồng Điệp

 

 

 

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...