Dòng họ Tạ xã Tây Giang

Thứ 6, 03/04/2015 | 17:05:38
13,656 lượt xem

Ở nước ta, dòng họ đã trở thành một cộng đồng gắn bó, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nối kết cộng đồng dòng tộc, nuôi dưỡng lòng tự hào của các thành viên và bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của dòng họ. Tại mảnh đất Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình có một dòng họ đã tạo nên lịch sử và có những đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển của địa phương. Đó là dòng họ Tạ, mà công trình Nhà thờ họ, nhà Tổ của dòng họ đã vinh dự được Nhà nước công nhận là cụm Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1990.

* Nguồn gốc họ Tạ xã Tây Giang

Căn cứ vào bút tích và lời truyền lại qua các đời cho biết: Nguồn gốc xa xưa của Tổ tiên họ Tạ ở Tây Giang vốn từ Lạng Sơn dời xuống Thanh Hóa, khoảng thế kỷ thứ XVI di cư về lập ấp ở địa phương. Cùng với tổ tiên họ Tạ là cụ Tạ Đình Ninh còn có tổ tiên họ Lê là cụ Lê Lang về lập ấp ở vùng ven biển quận Chân Định. Họ Tạ khoẻ giỏi nghề làm ruộng. Họ Lê giỏi nghề làm thuốc. Nhân dân nhiều nơi nghe tiếng tăm, đức độ của hai người nên theo về đông. Các cụ đề nghị đặt tên làng là Diêm Điền với ý nghĩa là các cụ từ làng Diêm Phố, tỉnh Thanh Hóa đến và là nơi vừa làm muối vừa làm ruộng. Cụ tổ họ Tạ được dân làng tín nhiệm cử đứng đầu làng xã với chức “Thập lý hầu” (người đứng đầu dân xã). Về  thời gian dòng họ Tạ xuất hiện tại xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, ông Tạ Kim Quắc, hậu duệ họ Tạ ở thôn Đoài, xã Tây Giang cho biết: “ Chúng tôi khẳng định, dòng họ Tạ có hơn 400 năm. Hiện tại nay chúng tôi đã đến đời thứ 19.” 

 *Bí quyết lưu giữ truyền thống và lịch sử dòng họ

Họ Tạ kể từ khi cụ Sơ Hoàng Thủy tổ cùng với cụ tổ họ Lê về vùng ven biển Tây Giang lập ấp đến nay đã hơn 400 năm có lẻ, con cháu đã đến đời thứ 19 mà vẫn nhận biết được nhau, vẫn quy tụ về cùng dòng họ là do họ Tạ có gia phả và giữ được gia phả.

Ngày nay, họ Tạ có được di sản quý giá của tổ tiên để lại và con cháu trong họ mãi mãi ghi ơn cụ Tạ Ngọc Súy đời thứ 10 đã dày công truy tìm lại và viết nên cuốn gia phả đầu tiên vào năm 1841 (năm Tân Sửu). Theo ghi nhận của dòng họ, đến nay, họ Tạ đã có 4 lần viết gia phả, đó là vào những năm 1841, 1881, 1910 và lần thứ tư là vào năm 1958. Lần viết bổ sung thứ 4 này là do hậu duệ đời thứ 12 là cụ Tạ Ngọc Thâm dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ và tục biên thêm. Năm 1989, cụ Tạ Ngọc Phách đã biên soạn và cho in nhiều bản Cây phả hệ họ Tạ. Công lao của các cụ trong quá trình xây dựng, bổ sung cho cuốn gia phả tạo điều kiện thuận lợi cho việc bổ sung viết tiếp gia phả sau này.

Không chỉ chú trọng việc ghi lại gia phả, họ Tạ ở Tây Giang là một trong những dòng họ sớm có ý thức xây dựng nhà thờ tổ để hàng năm con cháu tế lễ. Ngay từ thế kỷ XVII, họ Tạ đã có nhà thờ tổ - đây là một trong số ít dòng họ ở Thái Bình có nhà thờ tổ sớm nhất. Việc làm này không chỉ tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn cho con cháu trong dòng họ. Con cháu hiểu biết về truyền thống của tổ tiên sẽ xây đắp niềm tự hào và nỗ lực để phát huy truyền thống quý báu đó.

Hiện nay, nhà thờ họ Tạ vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị từ thời Lê như: Bốn sắc phong, gia phả chữ Hán đã được dịch ra chữ quốc ngữ, ngai thờ, án thờ, bát biểu, nhiều hoành phi, câu đối, đại tự, đồ thờ bằng đồng... Chính vì thế, đây là nguồn tài liệu vật chất lớn, một hiện vật sống để tuyên truyền, giáo dục con cháu đời sau ghi nhớ công đức của tổ tiên và không quên cội nguồn, gốc rễ của mình. ông Tạ Kim Bài – đời thứ 15, thuộc chi 4 họ Tạ tự hào: "Nhìn vào sắc phong của các cụ thì chúng tôi thấy đây là bề dày thành tích của dòng họ Tạ. Từ đây con cháu chúng tôi, nhất là lớp trẻ phát huy truyền thống của các cụ để xây dựng dòng họ vững mạnh  và chấp hành mọi chính sách của nhà nước tốt hơn". 

Họ Tạ vốn được coi là một trong những dòng họ lớn nhất của xã Tây Giang từ xưa tới nay và là một trong những dòng họ lập nên mảnh đất Thư Điền nay là xã Tây Giang, những người con họ Tạ sau này cũng mang trong mình dòng máu và ý chí đấu tranh kiên cường, bền bỉ. Bởi vậy, họ Tạ ở Tây Giang là dòng họ có truyền thống cách mạng và tinh thần thượng võ đáng khâm phục.

Nếu như cụ sơ hoàng thủy tổ họ Tạ, xã Tây Giang từng được người dân tín nhiệm bầu làm người đứng đầu làng lúc bấy giờ thì đời thứ 3 họ Tạ có cụ Tạ Đình Chiêm hiệu Tạ Quốc Công được dân làng phong là Thành Hoàng làng và được thờ ở Đình Tổ hay còn gọi là Đình Chính.

Cũng nằm ở thôn Đoài, cách nhà thờ họ Tạ không xa, Đền thờ Thủy Đức Tôn thần Tạ Quốc Công là một di tích có giá trị tương đối tổng hợp, đình vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị nghệ thuật. Di tích đình Chính có ý nghĩa tư liệu vật chất phản ánh truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, giáo dục thế hệ mai sau. Ngôi đình thể hiện sự thành kính của nhân dân Tây Giang, hàng ngày vẫn khói hương nghi ngút. Về thân thế và sự nghiệp của Tạ Quốc công mà gia phả dòng họ ghi lại, ông Tạ Kim Quắc cho biết: “ Cụ Tạ Đình Chiêm là người hiếu học, có đức, có tài, lại có sức khỏe, gặp lúc đất nước có giặc ngọi xâm. Cụ được nhà vua tiến cử để dẹp giặc ở Tây vực với chức Đô chỉ huy sứ. Do có công được nhà vua phong tước Đông khê hầu và tặng thưởng 4 chữ Dực bảo trung hưng. Cụ là 1 viên tướng văn võ kiêm toàn, có công cứu dân lúc gian nguy và có chức tước cao nhất ở địa phương thời bấy giờ.”

Trở thành Thần thành Hoàng Làng đã cho thấy vị trí cụ trong lòng người dân làng Thư Điền xưa. Đây là chức vị cao quý nhất được nhân dân suy tôn trong làng xã phong kiến xưa.

* Đóng góp của dòng họ với sự phát triển quê hương

Người con của họ Tạ góp công vào xây dựng và bảo vệ đất nước

Từ truyền thống ấy của dòng họ, các thế hệ con cháu từ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ và cho đến ngày nay, họ Tạ đã luôn thể hiện truyền thống cách mạng của dòng họ mình. Với những tấm gương tiêu biểu làm rạng danh dòng họ như: Liệt sĩ Tạ Thị Câu - Tỉnh ủy viên (1939-1940); Tạ Ngọc Lam ( tức Trần Văn Khiết) - Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh Thái Bình (1941 -1943); Tạ Ngọc Phách ( tức Trần Độ) - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, Trung tướng, Huân chương Hồ Chí Minh; Tạ Xuân Thu - Thiếu tướng, Tư lệnh đầu tiên Quân chủng Hải quân, Huân chương Hồ Chí Minh; Tạ Ngọc Giản ( tức Vũ Trọng Kiên) - Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ)... Dòng họ còn có 8 vị Lão thành cách mạng, gần 300 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 82 Liệt sĩ.  Tên tuổi của những con người đó nay được trưng bày trong nhà truyền thống của dòng họ nằm trong khuôn viên từ đường họ Tạ.

Cũng trong khuôn viên nhà thờ họ còn có lăng bia truy tôn những liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng để mỗi khi con cháu trong dòng họ có dịp tề tựu có thể ghi nhớ sự hy sinh cũng như công lao mà họ đã công hiến cho Tổ quốc. Và trong sự nghiệp xây dựng quê hương hôm nay cũng như việc tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, của dòng họ, con cháu họ Tạ hôm nay vẫn tiếp tục góp sức dựng xây và bảo tồn những truyền thống quý báu đó. Ông Tạ Quốc Dũng tự hào: “ Ngày giỗ Tổ 17-2 (âm lịch hàng năm), con cháu  tụ họp về. Hay tư rằm mùng 1, ngày Tết, con cháu ở xa học hành đỗ  đạt, nếu vinh quy bái tổ hoặc trước khi đi thi đều về thắp hương các cụ. Dòng họ có Ban trị sự, Ban khuyến học và các Ban khác để gây dựng và giữ gìn truyền thống dòng họ".

Trong không khí của những ngày, tháng đầu năm Ất Mùi, khi mà lòng người dân nước Việt ở bất cứ đâu cũng vẫn đang hướng về gia đình, quê hương, dòng họ Tạ ở xã Tây Giang, Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cũng thế, luôn hướng về nguồn cội, dòng tộc, góp phần vun đắp thêm những giá trị tinh thần ngàn đời đã tạo nên bản sắc con người Việt Nam.

  Hồng Điệp

 

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...