Lãng phí thiết chế văn hóa cơ sở

Thứ 7, 23/08/2014 | 07:49:28
1,620 lượt xem

Đáp ứng một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới là yêu cầu về thiết chế văn hóa cơ sở, những năm qua trụ sở của Trung tâm văn hóa thể thao xã và Nhà văn hóa khu thể thao ấp được đầu tư xây dựng nhiều hơn. Dẫu vậy, dường như thiết chế văn hóa cơ sở mới chỉ đáp ứng được cái "vỏ”, công tác quản lý, khai thác dường như còn bỏ ngỏ gây lãng phí, tốn kém, bởi có những công trình được đầu tư tiền tỉ chứ không phải ít.

  

Không ít Trung tâm văn hoá chưa được khai thác hết công suất
Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, để các NVH, công trình văn hóa khai thác tốt thu hút công chúng đến tham quan, sinh hoạt trong thời đại bùng nổ các phương tiện thông tin, các chương trình vui chơi, giải trí là điều không dễ dàng. Các hoạt động như tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, sinh hoạt câu lạc bộ, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, triển lãm, trưng bày... đòi hỏi người tổ chức, thực hiện phải có chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành. "Muốn làm tốt điều này, rất cần một đội ngũ nhân lực từ nhà quản lý cho đến nhân viên phải có chuyên môn, tâm huyết”, ông Chung cho biết.
Bộ VHTT&DL cho biết,  hiện cả nước có 70 trung tâm văn hóa, 63 trung tâm thể dục thể thao (TDTT) cấp tỉnh; 549/702 quận, huyện có trung tâm văn hóa, thể thao hoặc nhà văn hóa (NVH) (chiếm 78,2%). Dẫu vậy, theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL), hoạt động của các thiết chế cơ sở còn sơ sài, chưa chủ động tìm hướng đi để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư. Nơi có thì sử dụng không hiệu quả, nơi không có thì phải tận dụng các cơ sở vật chất khác để tổ chức sinh hoạt văn hóa cho người dân… Đó là thực tế đang diễn ra trong sử dụng thiết chế văn hóa (TCVH) cơ sở ở đại đa số các địa phương.
Đơn cử như Thái Nguyên, ở cấp tỉnh, ngoài Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao tỉnh được đầu tư khá hiện đại, còn lại các TCVH khác như: nhà hát, nhà văn hóa (NVH) thiếu nhi, trung tâm thông tin - triển lãm đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh đều chưa có trung tâm văn hóa - thể thao theo quy chuẩn. Đa số các NVH cấp huyện đều là các hội trường cũ tu sửa, cải tạo lại nên chưa đáp ứng được yêu cầu; cả tỉnh mới chỉ có 2/9 huyện, thành, thị có NVH thiếu nhi, nhưng hiện tại Nhà thiếu nhi huyện Định Hóa đã xuống cấp trầm trọng mà chưa có nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Đối với hệ thống TCVH cơ sở, đến thời điểm này mới có khoảng 60% số xóm bản có NVH, chủ yếu được xây dựng từ nguồn nhân dân đóng góp cùng với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước và địa phương, còn trên 1.300 xóm, bản chưa có NVH và chưa có nguồn đầu tư xây dựng... 
Hay tại tỉnh Lào Cai, hiện địa phương chỉ trích một phần kinh phí từ Chương trình mục tiêu văn hóa Quốc gia để xây dựng TCVH. Ngoài ra phải huy động từ Chương trình 30a, cộng với nguồn vốn xã hội hóa từ chương trình "Chung tay xây dựng nông thôn mới” tại địa phương được dành cho các TCVH. Vì vậy, các công trình văn hóa - thể thao hoàn thành trong năm qua không đạt mục tiêu đề ra cả về số lượng lẫn tiêu chuẩn. 
Trái ngược với thực trạng trên, nhiều địa phương tồn tại tình trạng nhiều TCVH bị sử dụng lãng phí, sai mục đích và chưa phát huy hết công năng. Không nói đâu xa, ngay tại Thủ đô, Bảo tàng Hà Nội là một trong những ví dụ điển hình. Bảo tàng được xây dựng trên diện tích 53.000m2 với số vốn hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng trong thực tế công trình văn hóa đồ sộ này hoạt động không hết công suất, chưa phát huy đúng tầm quy mô đầu tư xây dựng. Ðến nay, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa hoàn thành phần trưng bày các chủ đề, chuyên đề, số lượng khách đến tham quan thưa thớt, hoạt động thất thường, rời rạc. Nếu sử dụng hết công suất, mỗi năm Bảo tàng phải chi phí cho công tác vận hành hơn 20 tỷ đồng, trong đó riêng tiền điện một tháng tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng, hiện Bảo tàng chưa thu được vé vào cửa, các hoạt động liên kết cũng chỉ mang tính chất hút khách đến tham quan là chính nên không thể đủ trả tiền điện chứ chưa nói tới việc tự nuôi sống. 
Vì vậy, muốn đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các TCVH, phải chú ý đến tính đặc thù ở từng vùng miền để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc. Đơn cử như nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân đô thị sẽ khác với người dân ở nông thôn, lại càng khác với người dân ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc ít người. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Kinh có thể diễn ra ở nhà văn hóa, hội trường, nhưng với đồng bào dân tộc Mông - sinh hoạt văn hóa phải diễn ra ở nhà cộng đồng; với đồng bào Tây Nguyên - sinh hoạt văn hóa phải diễn ra ở nhà Rông…
Vũ Trần
Theo: Daidoanket.vn
  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...