ASEAN và tiến trình kiến tạo văn hóa hòa bình ở Biển Đông

Thứ 7, 09/08/2014 | 15:07:41
1,338 lượt xem

Vào thời điểm khởi chạy chiếc đồng hồ đếm ngược của ASEAN tới hạn chót hoàn thành Cộng đồng vào cuối năm 2015, tổ chức này đang phải đối mặt với "gió bão" lớn chưa từng có trên Biển Đông.


Tuy thử thách này không hề mới đối với ASEAN nhưng qua 20 năm, nhất là với sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam vào đầu tháng 5/2014, nó đã tiến triển đến mức nguy hiểm, đe dọa sự ra đời của Cộng đồng ASEAN.
Không nghi ngờ gì nữa, xung đột Biển Đông đã trở thành thách thức lớn nhất đối với ASEAN ngay trước ngưỡng hình thành Cộng đồng và cả khi Cộng đồng phát triển sau năm 2015.
Trước bối cảnh đó, những đòi hỏi về vai trò của ASEAN trong vấn đề xử lý xung đột Biển Đông nói riêng và sự nghiệp hòa bình ổn định khu vực nói chung được đặt ra ngày càng gay gắt.
Trong hơn 20 năm qua, ASEAN đã dày công xây dựng một nền văn hóa hòa bình ở Biển Đông, với mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông để tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cộng đồng khu vực.
Chính công cuộc kiến tạo nền văn hóa hòa bình này là đóng góp quan trọng của ASEAN đối với việc ngăn ngừa, giảm thiểu xung đột ở Biển Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
Trong thời gian tới, ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh tiến trình kiến tạo này và có những điều chỉnh cần thiết về sắc thái của nền văn hóa hòa bình để có thể đáp ứng kịp thời với những biến chuyển nhanh chóng, phức tạp của tình hình Biển Đông.

Xây dựng các chuẩn mực hòa bình
Nền văn hóa hòa bình mà ASEAN xây dựng trên Biển Đông là tổng thể các chuẩn mực, nguyên tắc, tập quán, phương thức, luật lệ... nhằm điều chỉnh quan hệ bang giao giữa các nước liên quan đến vấn đề Biển Đông theo hướng thúc đẩy hòa bình, hợp tác, vì những mục tiêu chung của cả khu vực.
Những chuẩn mực hòa bình đó, tương tự như "phương cách ASEAN," bao gồm các chuẩn mực thành văn và bất thành văn, được thể hiện trong các văn kiện của ASEAN về Biển Đông hoặc tồn tại phổ quát trong thông lệ bang giao khu vực.
ASEAN cũng "nội khối hóa" những chuẩn mực phổ biến của cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc về xử lý tranh chấp bằng phương pháp hòa bình vào thực tiễn khu vực Đông Nam Á.
ASEAN không chỉ phổ biến, truyền bá các chuẩn mực hòa bình cho các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông mà còn chia sẻ các chuẩn mực này giữa tất cả các nước thành viên.
Đồng thời, ASEAN cũng khuếch tán các chuẩn mực hòa bình ra khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn, để cho các nước đối thoại của ASEAN, nhất là các nước có lợi ích an ninh thiết yếu ở Biển Đông, chia sẻ và tuân thủ, vì lợi ích chung của tất cả các nước sử dụng Biển Đông.
Bằng cách đó, ASEAN hy vọng sẽ duy trì được hòa bình ổn định ở Biển Đông nếu tất cả các bên liên quan đều quán triệt và tuân thủ những chuẩn mực do ASEAN xây dựng.
Tiến trình xây dựng, truyền bá các chuẩn mực nói trên bắt đầu gần như cùng lúc với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh ở khu vực, đồng thời cùng thời điểm với sự xuất hiện những tiến triển phức tạp trên Biển Đông.
Các Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông năm 1992 và 1995 là những văn kiện đầu tiên đánh dấu sự định hình của những chuẩn mực hành vi ASEAN áp dụng với tranh chấp Biển Đông, trong đó có các nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng lòng tin, đối thoại đa phương và xử lý tranh chấp ở Biển Đông bằng con đường hòa bình.
  Trong vài năm gần đây, tình hình Biển Đông có chiều hướng xấu đi, ASEAN đã ra Tuyên bố sáu điểm về Biển Đông vào tháng 7/2012, nhắc lại các nguyên tắc nền tảng trước đây và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS), trong xử lý tranh chấp.
Đặc biệt, sau sự kiện giàn khoan Hải Dương-981, ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về những phát triển trên Biển Đông (tháng 5/2014), bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ở khu vực, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh biển, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận DOC và sớm đạt được kết quả về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Các chuẩn mực hòa bình của ASEAN, được thể hiện cụ thể qua các tuyên bố của ASEAN về Biển Đông, đã nhận được sự ủng hộ của các nước có lợi ích liên quan ở Biển Đông và đông đảo cộng đồng quốc tế.
Các chuẩn mực này đã trở thành cơ sở để xử lý tranh chấp ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, nhất là DOC và sắp tới là COC.
Các chuẩn mực đó cũng không tách rời tổng thể "phương cách ASEAN" với những văn kiện nền tảng như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiến chương ASEAN... đã được cộng đồng quốc tế và khu vực thừa nhận từ nhiều năm nay.

Thực hành văn hóa ngoại giao ASEAN
Không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ xây dựng và phổ biến các chuẩn mực hòa bình ở Biển Đông, với tư cách là một tổ chức hợp tác khu vực ở Đông Nam Á và giữ vai trò điều phối quan trọng trong nhiều thể chế hợp tác đa phương ở Đông Á, châu Á-Thái Bình Dương như ARF, ADMM+, EAS, ASEAN còn thực hành "văn hóa ngoại giao" của mình trong các thể chế đa phương nói trên nhằm giám sát và điều chỉnh hành vi của các nước trên Biển Đông một cách hòa bình, theo văn hóa ngoại giao ASEAN.
Tiến trình này song hành với công cuộc xây dựng kiến trúc an ninh khu vực vì hòa bình, ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương, dựa trên vai trò trung tâm của ASEAN đồng thời hài hòa, đan xen lợi ích và quan hệ các nước lớn trong khu vực.
Trước hết, trong quan hệ với Trung Quốc, ASEAN tận dụng cơ chế hợp tác ASEAN+1 (Trung Quốc) để tăng cường can dự tập thể với Trung Quốc, khuyến khích Trung Quốc phát huy vai trò trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình ổn định ở khu vực.
Trong hơn một thập kỷ qua, quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trung Quốc là nước đối thoại đầu tiên tham gia Hiệp ước TAC của ASEAN, thiết lập Khu vực mậu dịch tự do (CAFTA) với ASEAN cũng như xây dựng Quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN.
Những thành tựu nói trên đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc, tạo điều kiện giảm căng thẳng trên Biển Đông, duy trì các lĩnh vực hợp tác khác để tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, an ninh trên Biển Đông.
Tại các diễn đàn đa phương rộng lớn hơn, ASEAN tạo điều kiện thuận lợi để tất cả các nước có liên quan có tiếng nói, tham gia đầy đủ vào tiến trình đối thoại đa phương về an ninh khu vực, từ đó phát huy vai trò trách nhiệm của mỗi nước, vì lợi ích chung của cả khu vực.
Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), vấn đề quản lý xung đột ở Biển Đông đã và đang trở thành một trong những chủ đề chính trong nội dung thảo luận tại diễn đàn hàng năm, thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều nước trong cũng như ngoài khu vực Đông Nam Á.
Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) cũng coi an ninh biển là một lĩnh vực quan trọng cần thúc đẩy đối thoại và hợp tác khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh, an toàn hàng hải, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp theo các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Sau 47 năm phát triển, đứng trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng vào cuối năm 2015, ASEAN cần phát huy bản lĩnh chính trị cũng như bề dày kinh nghiệm để vượt qua những khó khăn thử thách như vấn đề Biển Đông để hoàn thiện Cộng đồng ASEAN đúng tiến độ cũng như phát triển Cộng đồng ASEAN trong kỷ nguyên sau năm 2015.
Thời gian tới, tiến trình kiến tạo văn hóa hòa bình ở Biển Đông cần đặc biệt coi trọng việc thuyết phục Trung Quốc sớm đi vào đàm phán thực chất và đạt được kết quả về COC, một bộ quy tắc tổng thể có khả năng ngăn ngừa xung đột và đóng góp thực chất vào việc xây dựng lòng tin giữa các bên ở Biển Đông.
Ngoài ra, ASEAN cần tiếp tục tạo dựng nền văn hóa hòa bình ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982, những nền tảng cơ bản và bền vững của một trật tự an ninh biển trong thế kỷ 21./. 
NGUYỄN NAM DƯƠNG-KHỔNG THỊ BÌNH (HỌC VIỆN NGOẠI GIAO) 
Theo: vietnamplus.vn

 

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...