3 phương án tổ chức thi THPT quốc gia

Thứ 3, 29/07/2014 | 13:55:33
1,083 lượt xem

Sáng 29/7, Bộ GDĐT công bố Dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thay kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Theo đó, Bộ GDĐT đưa ra 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để lấy ý kiến lãnh đạo ngành Giáo dục 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Phương án 1: Tổ chức thi theo môn, theo cách truyền thống. Thí sinh sẽ thi 8 môn gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý; thi 8 buổi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 1 môn thí sinh tự chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Kết quả của 4 môn thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn này cũng sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thêm môn thi của kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường quy định.

Theo lộ trình đổi mới, các môn thi sẽ được chuyển dần thành bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao, phù hợp với việc thay đổi việc dạy và học ở nhà trường.

Ưu điểm của phương án này là việc thi theo môn và cho thí sinh chọn môn thi phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29; tạo thuận lợi cho việc ra đề thi, đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hóa tốt hơn trình độ thí sinh; phân luồng mạnh đối với người học sau cấp THPT; giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo của trường.

Phương án này được đánh giá là ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý cho giáo viên, học sinh, nhất là đối với những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước tham dự kỳ thi; việc chấm bài thi thuận lợi dễ dàng.

Học sinh dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Hạn chế của phương án 1 là kỳ thi diễn ra trong 4 ngày (8 buổi thi) nên công việc của giáo viên nhiều hơn, chi phí tổ chức kỳ thi cũng tăng lên; cách tổ chức như vậy cũng sẽ dễ dẫn đến việc dạy dồn hoặc cắt xén bớt chương trình học đối với những môn không thi.

Phương án 2: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức theo bài thi. Cụ thể, 8 môn học ở lớp 12 THPT (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) sẽ được chọn tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa, Sinh học); bài thi Khoa học xã hội (gồm Lịch sử và Địa lý).

Kỳ thi sẽ diễn ra trong 5 buổi- 2,5 ngày; mỗi buổi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải làm 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

Theo Bộ GDĐT, ưu điểm của phương án 2 là kỳ thi diễn ra gọn nhẹ hơn về công tác tổ chức và chi phí. Mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thành bài thi mạnh hơn, nhanh hơn phương án 1. Phương án này sẽ hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với môn không thi như trước đây.

Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là việc thi theo các bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó điều này có thể gây lo lắng, tác động đến tâm lý của giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Nếu phương án này thực hiện ngay trong năm 2015 sẽ gặp những khó khăn, đỏi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, cơ quan tổ chức ngay từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn bồi dưỡng giáo viên.

Đồng thời, việc chấm thi theo bài thi tổng hợp phải có nhiều giáo viên các môn khác nhau cùng chấm 1 bài thi. Ví dụ như bài thi Khoa học tự nhiên phải có sự tham gia chấm thi của giáo viên 3 môn Vât lý, Hóa. Sinh học cùng chấm; bài thi Khoa học xã hội gồm giáo viên của 2 môn Lịch sử, Địa lý cùng chấm.

Thời gian dành cho mỗi môn thi trong bài thi tổng hợp ít hơn, do vậy việc ra đề để vừa đáp ứng học vấn phổ thông, vừa có phần nâng cao để phân hóa trình độ học sinh nhằm phục vụ cho tuyển sinh vào ĐH, CĐ là khó khăn hơn.

Phương án 3: Tổng hợp 11 môn học ở lớp 12 thành 4 bài thi: Toán-Tin; Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ); Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân). Thí sinh phải thi cả 4 bài thi trong 4 buổi với tổng thời gian 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Với 2 ngày thi, kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi. Mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1, đồng thời hạn chế được việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây.

Khó khăn của phương án này là giáo viên, học sinh chưa được chuẩn bị đầy đủ cho việc dạy và học phục vụ cho việc thi theo bài thi tổng hợp.

Nếu phương án này thực hiện ngay từ năm 2015 thì sẽ có những khó khăn, đòi hỏi nỗ lực chuẩn bị ở tất cả các khâu ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thì mới có thể tổ chức tốt kỳ thi.

Việc chấm thi theo bài thi tổng hợp phải có nhiều giáo viên các môn khác nhau cùng chấm. Thời gian dành cho mỗi môn trong bài thi tổng hợp ít hơn, do vậy việc ra đề thi để vừa đáp ứng học vấn phổ thông, vừa nâng cao, phân hóa học sinh phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ là khó khăn hơn. Việc sử dụng 11 môn thi để tổng hợp thành 4 bài thi gây áp  lực, căng thẳng cho học sinh vi phải học và ôn tập nhiều môn.

Bộ GDĐT cũng đã đưa ra những tình huống cụ thể đối với môn thi Ngoại ngữ ở những trường chưa được học hoặc học trong điều kiện không đảm bảo; áp dụng việc công nhận kết quả thi của Trung tâm Đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia để sử dụng xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Bộ GDĐT đã đề xuất phương án sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp gồm điểm thi và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh có bổ sung các hình thức kiểm tra năng lực khác (sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận…) tùy thuộc vào tính đặc thù của nhà trường. Bên cạnh đó, các trường ĐH, CĐ có thể không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia mà có phương án tuyển sinh riêng nhằm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.

Nguyệt Hà

Theo:Chinhphu.vn

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...