Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 và thứ 7 này, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận về Luật Hải quan sửa đổi, đồng thời, Ban soạn thảo cũng đã có Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội.
Bày tỏ băn khoăn về việc hợp đồng tác chiến của hải quan và các lực lượng khác trên biển, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (đoàn Nghệ An) cho rằng, nên đưa vào Luật việc hợp đồng tác chiến khi làm nhiệm vụ trên biển, vùng lãnh thổ, đặc quyền kinh tế. Đây là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho những lực lượng như hải quân, cảnh sát biển, các lực lượng khác tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Trong Luật cũng nên quy định bổ sung nhiệm vụ bảo vệ lực lượng hải quan, bảo vệ cơ sở vật chất như kho, trạm, bến bãi, phương tiện trong quá trình thực hiện Luật Hải quan.
“Cần phải nêu trong luật để các lực lượng bảo vệ có cơ sở pháp lý vì khi lực lượng hải quan làm nhiệm vụ ở địa hình phức tạp dễ có sự chống đối manh động, cực đoan, hoặc khi làm nhiệm vụ trên biển, biên giới chưa xảy ra chiến tranh nhưng có mâu thuẫn cục bộ, lực lượng hải quan cần được bảo vệ chu đáo. Hoặc khi khối lượng hàng hóa thu giữ nhiều, chủng loại phức tạp, có lực lượng tham gia bảo vệ để hải quan yên tâm thực hiện nhiệm vụ” – đại biểu Nguyễn Sỹ Hội nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội cũng bày tỏ băn khoăn là trách nhiệm của quân đội là bảo vệ chủ quyền, bảo vệ an ninh chính trị nên khi huy động lực lượng tham gia phối hợp chúng tôi thấy rất phân vân. Nếu quân đội thì phải đánh địch, nhưng đây không phải là địch thì cần có hành động như thế nào? Điều này cần quy định trong luật để xác định hành vi hợp pháp.
Xuất phát từ thực tiễn về hoạt động của lực lượng hải quan trong thời gian qua, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một số nhiệm vụ trong thực tế mà lực lượng hải quan đã thực hiện như phòng, chống gian lận thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu đối với các hành vi khai mã số phân loại hàng hóa, khai giá thấp hơn giá thực mua để trốn thuế nhập khẩu, khai giá nhập khẩu cao hơn giá thực tế mua để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài… đang xảy ra khá phổ biến… Ngoài ra, một số cục hải quan tỉnh, thành phố đã thành lập đội kiểm sát phòng, chống ma túy và đã bắt giữ được nhiều vụ ma túy lớn, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, khủng bố… “Quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của lực lượng hải quan sẽ đảm bảo xác định quyền hạn cũng như việc trang bị nguồn lực, phương tiện cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ được giao” – đại biểu Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Thủ tục hải quan phải nhanh gọn
Một trong những yêu cầu về sửa đổi Luật hải quan lần này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng với cách sửa hiện nay yêu cầu này sẽ khó đạt. Bởi vì hoạt động xuất. nhập cảnh, quá cảnh của phương tiện vận tải đường biển, phương tiện vận tải hàng không diễn ra 24/24 trong tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bẩy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ, tết tại các cửa khẩu, cảng biển và cả hàng không. Nếu quy định như trong dự thảo là không hợp lý, dễ tạo ra cơ chế độc quyền và xin cho không phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị phải quy định rõ trong luật là vào trong các ngày nghỉ lễ, tết, ngoài giờ, thứ bẩy, chủ nhập hải quan bắt buộc phải bố trí một bộ phận để làm việc giải quyết các thủ tục xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động lưu thông hàng hóa.
Việc quy định thời hạn công chức hải quan hoàn thành kiểm tra hồ sơ, chậm nhất là 2 giờ làm việc, Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang) đề nghị rút ngắn hơn nữa để tiết kiệm thời gian cho nộp tờ khai hải quan. Nếu rút ngắn được thời gian thì có thể xuống còn 1 giờ cũng đủ và để tránh phiền hà không đáng có.
Cùng chung quan điểm này, Đại biểu Ya Duck (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, vấn đề cơ bản cần để khắc phục các tồn tại trong thời gian qua là các biện pháp quy định nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp thì dự thảo vẫn chưa cụ thể, rõ ràng, nhất là đối với các hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa, chưa có các quy định cụ thể nhằm ngăn chặn được các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng hải quan.
Luật hải quan có tác dụng mạnh, trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp. Nhưng trong dự thảo luật chưa có chương, điều nào quy định về quyền khiếu nại, tố cáo, thời hiệu thực hiện khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời cũng chưa có quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan hải quan và người đứng đầu của cơ quan quản lý nhà nước về hải quan khi xảy ra các sai sót vi phạm. “Đề nghị nên quy định cụ thể hơn vấn đề này trong dự thảo luật để hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp, cá nhân có liên quan” – Đại biểu Ya Duck nói.
Ngoài ra, theo đại biểu Ya Duck, luật cần có một điều quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động hải quan nhằm bảo đảm được tính logic, chặt chẽ của bố cục dự thảo luật…
Cũng cho ý kiến về các hành vi bị cấm đối với hải quan, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang) cho rằng: Trong dự án luật này hành vi bị nghiêm cấm không được đề cập riêng. Quy định này rất cần thiết để làm căn cứ pháp lý cho việc định ra các hành vi và hình thức xử phạt vi phạm. Vì vậy, tôi đề nghị để thực hiện Hiến pháp năm 2013, quy định những hành vi cấm và liên quan đến quyền của công dân phải được luật hóa, luật định.
“Qua nghiên cứu tôi thấy rằng Bộ Luật hình sự đã quy định các tội phạm trong lĩnh vực hải quan. Căn cứ vào quy định của Luật Hải quan hiện hành, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan./.