Những mối tình thời hậu chiến ( Phần 2 )

Thứ 6, 02/08/2019 | 11:10:49
1,649 lượt xem

Cách đây gần nửa thế kỷ, họ là những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi tràn đầy tình yêu và khát vọng tuổi trẻ. Tiếng gọi thiêng liêng khi Tổ Quốc lâm nguy đã thôi thúc họ lên đường chiến đấu, hy sinh vì độc lập và thống nhất đất nước. Tình yêu và niềm tin vào ngày chiến thắng là động lực để những cô gái nơi hậu phương vượt qua nỗi nhớ để sống, lao động, học tập và chờ đợi, với khát khao cháy bỏng đất nước sẽ hòa bình, những người lính sẽ trở về.

Đất nước hòa bình, thống nhất, đã có biết bao lứa đôi sum họp, tình yêu được đơm hoa, kết trái. Nhưng cũng có biết bao lứa đôi lưu lạc và tìm được nhau trong những hoàn cảnh thật đặc biệt. Một lần nữa sự yêu thương cao cả mà chân thành, thủy chung, nghĩa tình của những người phụ nữ hậu phương năm xưa, lại mang đến cho người lính một cái kết có hậu, một cái kết tuyệt vời hồi sinh cả những thân thể tưởng chừng tàn tạ.

Phần 2: Tình yêu của hai người phụ nữ dành cho anh thương binh Nguyễn Đình Thúc


Trong những tác phẩm viết về đề tài hậu chiến tranh của Nghệ sỹ ưu tú, nhà văn, nhà báo, đạo diễn cao cấp Minh Chuyên, tác phẩm: "Người Lang Thang Không Cô Đơn” nhân vật chính là người lính Nguyễn Đình Thúc, người làng Tống Vũ, xã Vũ Chính,  Thành phố Thái Bình đã gây xúc động cho nhiều thế hệ bạn đọc. Đó là tình người bao la và ấm áp trong hoạn nạn, trong lưu lạc sau chiến tranh, là mối tình đặc biệt giữa anh thương binh Nguyễn Đình Thúc và hai người phụ nữ .

Mặc dù đã được đọc tác phẩm "Người lang thang không cô đơn" của nhà văn Minh Chuyên, được chứng kiến câu truyện trên sân khấu, phim ảnh, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ khi được gặp người yêu của anh thương binh Nguyễn Đình Thúc khi bà đã ở tuổi ngoài 70. Nét xuân sắc của một thời vẫn còn lưu dấu trong ánh mắt, nụ cười. Tình yêu của họ bắt đầu từ những năm tháng sôi nổi của tuổi trẻ, khi người thanh niên trẻ Nguyễn Đình Thúc và cô  Phạm Thị Học tham gia công tác đoàn. Tình yêu nảy nở từ những đêm tập văn nghệ, chỉ mới kịp nắm tay nhau và hò hẹn dưới ánh trăng quê thanh bình và trong vắt.

Bà Phạm Thị Học - xã Vũ Chính, Thành Phố Thái Bình: Trước khi lên đường nhập ngũ, tháng 5 năm 1966, gia đình anh Thúc chính thức xin "bỏ ngõ". Chưa kịp kết hôn, năm 1968, anh Thúc đã lên đường, vào Nam chiến đấu. Hai người chỉ biết cùng hẹn ước, đợi ngày trở về sẽ nên duyên chồng vợ. Sau ba tháng anh Thúc lên đường nhập ngũ, bà Học nhận được lá thư đầu tiên anh gửi về trên đường hành quân. Nhưng đó cũng là lá thư cuối cùng của anh .

Dù bặt tin anh nơi chiến trường, nhưng nơi quê nhà, cô Học vẫn một lòng chờ đợi, hăng say lao động, công tác để vơi đi nỗi nhớ người yêu. Ngày đất nước thống nhất, bao chàng trai đã trở về, nhưng nỗi nhớ đằng đẵng ấy lại vỡ òa thành nỗi đau khi nhận được giấy báo tử từ đơn vị, anh Thúc đã hy sinh.

Theo bút ký "Người lang thang không cô đơn" của nhà văn Minh Chuyên: Anh Thúc bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt. Tuy nhiên anh lại may mắn được cứu sống ở một đội phẫu thuật và bị địch bắt. Do vết thương nặng ở đầu, ở ngực, anh Thúc đã bị bệnh tâm thần. Khoảng tháng 2/1975, trong đợt trao trả tù binh, anh Thúc bỏ trốn, sau đó đi lang thang khắp nơi, không biết đâu là quê hương... Cuối năm 1976, anh phiêu dạt đến chợ Cầu Giấy, Hà Nội ăn xin rồi bị kẻ xấu đánh đập. Xót thương anh, ông bà Châu ở khu tập thể Thủ Lệ 1, phường Cầu Giấy - Hà Nội đã mang anh về nuôi dưỡng như con trong nhà. 

Cho đến tận năm 1980, gia đình bà Tám (mẹ anh Thúc) nhận được một lá thư của người bà con làm nghề bán bánh giò ở chợ Cầu Giấy, ở gần nhà ông bà Châu, kể về một anh thanh niên mất trí hay gọi tên bố mẹ là: "Tam, Tàm", có nhiều đặc điểm giống anh Thúc. Gia đình bà Tám vội vã tìm đến nhà ông bà Châu... Mẹ anh chỉ còn biết khóc, khi người con trai cường tráng, khỏe mạnh của ông bà nay trong bộ dạng một người tâm thần, không còn nhận biết cha mẹ, người thân. Và ngay cả chính ông bà cũng không chắc chắn đó có phải là con trai mình vì những vết thương chằng chịt đã khiến cả khuôn mặt và cơ thể anh biến dạng. Lúc đó, bà Phạm Thị Học vẫn chưa xây dựng gia đình và đang là lãnh đạo xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình. Nhớ lại những giây phút anh trở về , Bà Phạm Thị Học nghẹn ngào

 Bà Phạm Thị Học - xã Vũ Chính, Thành Phố Thái Bình: Anh ấy ra đi tròn 18 tuổi, khỏe mạnh, sung sức, đẹp trai, vui vẻ, yêu đời. Nhưng đúng là chiến tranh khốc liệt, con người đẹp như thế mà khi trở về, không ai có thể nhận ra nữa. Khi anh ấy trở về, giấy tờ không có, không có gì chứng minh anh ấy bị thương và là thương binh cả. Còn với tôi, lúc đó, tôi đã bị cắt buồng trứng, không thể có con được nữa. Nên tôi rất trăn trở, suy nghĩ. Nếu tôi lấy anh ấy, nếu không có con thì sau này về già  ai sẽ chăm ai đây. Vì vậy mà tôi đã bàn bạc với bố mẹ anh để đi đến quyết định tìm người vợ cho anh ấy. Khi đã quyết định như thế tôi không thấy buồn mà thấy yên tâm vì anh ấy có hạnh phúc là tôi có hạnh phúc. Suy nghĩ như vậy nên tôi đã đi đặt vấn đề với một cô bạn để làm vợ anh ấy.

Có lẽ, hiếm có người phụ nữ nào dám hy sinh, gạt bỏ tình yêu của chính mình để vun vén hạnh phúc cho người khác như bà Phạm Thị Học. Cũng hiếm có người phụ nữ nào như bà Đinh Thị Mận khi  nghe lời khuyên của bạn để kết hôn với một người lính mà khi trở về chỉ mang bộ dạng của một người tâm thần, chưa hề có hồ sơ, giấy tờ để chứng minh là một thương binh.Có tình thương, sự đảm đang, tần tảo của người phụ nữ thôn quê Đinh Thị Mận cùng với sự giúp đỡ, sẻ chia tận tình của người yêu cũ Phạm Thị Học mà hạnh phúc đã mỉm cười với anh thương binh Nguyễn Đình Thúc. Hiện ông bà đã có 4 cô con gái khỏe mạnh, xinh xắn và đều đã có gia đình riêng hạnh phúc.

Gặp lại người yêu cũ, dường như trong sâu thẳm tâm hồn và trái tim anh thương binh Nguyễn Đình Thúc vẫn nhớ. Nỗi nhớ ấy vẫn thốt ra hai tiếng: “ Học, Học”  dù không được rõ ràng. Có lẽ ai đó đã nói đúng: tình yêu là sự hy sinh thầm lặng. cũng hiếm có người phụ nữ nào khi chứng kiến người yêu cũ có một gia đình đề huề, hạnh phúc, con cháu sum vầy mà vẫn thấy vui, vẫn thấy hạnh phúc. Và có lẽ cũng hiếm có người phụ nữ nào khi nghe thấy chồng mình thốt ra hai tiếng người yêu với người yêu cũ mà vẫn thấy vui và hạnh phúc như bà Đinh Thị Mận.

Bà Đinh Thị Mận - xã Vũ Chính, Thành Phố Thái Bình: Chị Học giới thiệu cho tôi, tôi cũng dằn vặt suy nghĩ, anh ấy bị tâm thần như vậy thì lấy nhau, lấy gì mà ăn. Nhưng tôi cũng lại rất thương anh ấy, người ta vì nước, vì dân mà bị thương như vậy, mình không đến chăm sóc người ta thì ai chăm sóc người ta đây. Ai nói gì tôi cũng mặc kệ, tôi quyết chí đến với anh ấy. Lấy anh ấy được 1 năm thì có con, lúc đầu vất vả lắm, những chị Học cũng quan tâm đi lại thăm hỏi, giúp đỡ nhiều. Giờ tôi vẫn bảo với các con, đi lại thăm nom động viên mẹ Học nữa, để cho mẹ vui.

Cha ông chúng ta đã đi qua những  năm tháng chiến tranh khốc liệt. Họ đã sống, đã chiến đấu, đã hy sinh và đã yêu như thế. Những mối tình nồng thắm, sự hy sinh cao cả vì người mình yêu, lòng bao dung, nghĩa tình thủy chung, son sắt. Có những tình yêu đã đơm thành trái ngọt, có những tình yêu mãi vẫn chỉ là nỗi nhớ, là nước mắt và sự day dứt khôn nguôi. Nhưng, đó là những tình yêu bất tử, những bài ca không bao giờ quên và không thể nào quên của thế hệ hôm nay và mai sau.

Phạm Hương


  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...