Những mối tình thời hậu chiến ( phần 1)

Thứ 7, 27/07/2019 | 15:18:14
2,652 lượt xem

Cách đây gần nửa thế kỷ, họ là những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi tràn đầy tình yêu và khát vọng tuổi trẻ. Dù những lứa đôi không muốn xa nhau, nhưng tiếng gọi thiêng liêng khi Tổ Quốc lâm nguy đã thôi thúc họ lên đường, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập và thống nhất đất nước. Tình yêu và niềm tin vào ngày chiến thắng là động lực để những cô gái nơi hậu phương vượt qua nỗi nhớ để sống, lao động, học tập, công tác và chờ đợi, với khát khao cháy bỏng đất nước sẽ hòa bình, những người lính sẽ

Đất nước hòa bình, thống nhất, đã có biết bao lứa đôi sum họp, tình yêu được đơm hoa, kết trái. Nhưng cũng có biết bao lứa đôi mãi mãi cách xa. Một lần nữa sự cách xa ấy lại khiến họ sống cuộc sống tiếp theo kiên cường hơn, thủy chung, nghĩa tình hơn.

Phần 1: 40 năm tìm về người yêu của đồng đội

Tròn 40 năm, sau ngày liệt sĩ Vũ Ngọc Tiến, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng hy sinh, cũng là tròn 40 năm, cựu chiến binh Trần Ngọc Phú, mới thực hiện được lời hứa với đồng đội là tìm về quê hương anh, để gặp cô Lý, người yêu, người vợ chưa cưới của anh để trao lại một kỉ vật . Đó là tấm hình người yêu, người vợ chưa cưới mà liệt sỹ Vũ Ngọc Tiến đã mang theo bên mình suốt những chặng đường hành quân, từ chiến dịch mùa xuân năm 1975, đến biên giới Tây Nam và đất nước chùa Tháp. Tấm hình được cựu chiến binh Trần Ngọc Phú tìm thấy trong túi áo của Vũ Ngọc Tiến, khi anh ngã xuống dưới làn đạn của kẻ thù.

Cuộc gặp gỡ nghẹn ngào giữa đồng đội với gia đình liệt sỹ Vũ Ngọc Tiến và cô Lý đã giúp những người thân nơi quê nhà thêm tự hào về những năm tháng các anh đã sống, chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do cho đất nước và vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Về thăm người con gái Thái Bình trong tấm hình mang theo của đồng đội đã hy sinh và những trang thư viết vội nơi chiến trường cách đây gần nửa thế kỷ còn có cựu chiến binh Phạm Phong Phú, đến từ thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Về thăm gia đình liệt sĩ, thắp nén tâm nhang cho đồng đội, ông cảm thấy ấm lòng hơn. Bởi chính ông đã làm được điều mà gia đình và người vợ chưa cưới của liệt sỹ Vũ Ngọc Tiến mong đợi, đưa được hài cốt của anh về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà.


Cựu chiến binh Phạm Phong Phú, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh: Tôi ở Quảng Ninh, Tiến ở Thái Bình, chúng tôi cùng một đơn vị, sau khi giải phóng Sài Gòn mỗi người một nơi. Cách đây hơn chục năm, tôi gặp cháu của Tiến quê Thái Bình ra làm ăn, sinh sống tại Quảng Ninh. Tôi hỏi ở Liên Giang Đông Hưng Thái Bình có biết chú Vũ Ngọc Tiến là liệt sỹ không. Cháu ngạc nhiên, vui mừng bảo liệt sỹ Tiến chính là bác cháu. Bao năm nay gia đình cháu mong muốn đi tìm phần mộ của chú mà chưa thấy. Tôi đã vẽ sơ đồ, sau đó gia đình đã đưa mộ liệt sỹ về  được quê nhà. Lần đầu tôi cũng được gặp cô Lý, người mà liệt sỹ Tiến đã kể cho chúng tôi cách đây hơn 40 năm. Tôi đã khóc vì cảm động trước một người phụ nữ đã hy sinh cả cuộc đời cho gia đình, cho tình yêu.



Là cháu của liệt sỹ Vũ Ngọc Tiến, Anh Đính vô cùng biết ơn những đồng đội của bác, đặc biệt là sự khâm phục tình cảm, nghĩa tình thủy chung mà bác Nguyễn Thị Hải Lý đã dành cho gia đình anh.


Anh Vũ Ngọc Đính : Tôi may mắn và tình cờ gặp được bác Phạm Phong Phú là đồng đội của bác tôi-liệt sỹ Vũ Ngọc Tiến tại Quảng Ninh . Bác đã giúp gia đình chúng tôi đưa được hài cốt bác Tiến về quê nhà. Tôi cũng được nghe và được chứng kiến bác Tiến có người yêu và có mối tình rất đẹp thời tuổi trẻ. Cho đến tận bây giờ khi ông bà tôi mất đi rồi, anh em chúng tôi đã trưởng thành, nhưng bác Lý vẫn quan tâm đến chúng tôi. Hương khói, thời phụng ông bà và bác tôi. Tôi thực sự rất cảm động và tự hào, bác tôi nơi suối vàng chắc cũng tự hào vì có một người yêu, người vợ chưa cưới tuyệt vời như bác Lý.


Cựu chiến binh Trần Ngọc Phú, thành phố Thái Bình, tác giả cuốn Hồi ký “Từ biên giới Tây Nam đến đất nước chùa Tháp” xúc động chia sẻ: Thời chúng tôi đi lính, đa số là chưa có người yêu, có người mới cưới chưa quen hơi nhau đã phải ra đi.Trong chiến trường, đồng đội hay hỏi nhau về chuyện  tình yêu, chuyện khác giới. Vào ngày 25 tháng 3 năm 19 79, Tiến trúng đạn thù và hy sinh. Cái bức ảnh của Lý tôi đã tìm thấy trong ngực áo của Tiến. Đã có lần tôi nhận xét về cô Lý là một người phụ nữ hiền dịu, nết na. 40 năm gặp lại, đúng là người phụ nữ tuyệt vời, trung hậu, đảm đang, vẫn chăm sóc gia đình như chị dâu cả trong gia đình , mặc dù cô đã có gia đình riêng.

Trở lại mối tình của cô gái trẻ Nguyễn Thị Hải Lý và chàng trai Vũ Ngọc Tiến cách đây nửa thế kỷ. Họ là những chàng trai, cô gái hồn nhiêu, yêu đời, chung trường, chung lớp. Năm 1972, chàng trai trẻ Vũ Ngọc Tiến, gác lại chuyện học hành, lên đường nhập ngũ. Một năm sau, Nguyễn Thị Hải Lý thi đỗ đại học kinh tế, quốc dân.Tình yêu nồng cháy của cô sinh viên với người lính chỉ có thể được gửi gắm qua những lá thư cháy bỏng tình yêu, nỗi nhớ của những lứa đôi phải cách xa.Nhưng tình lứa đôi ấy đã thành nỗi đau chia cắt, khi nhận được tin người yêu đã hy sinh nơi chiến trường. Những dòng cảm xúc cô Lý đã viết lại trên chính bì lá thư người yêu gửi về.

Đây là lá thư cuối cùng anh gửi cho em ư, sẽ chẳng bao giờ em nhận được những dòng chữ quen thuộc này nữa. Em phải sống mà thiếu anh được ư? Khác gì bắt em phải trút bỏ cả tâm hồn và thể xác, khác nào cho em sống cuộc sống nhà mồ, em không thể tưởng tượng được em lại vĩnh viễn mất anh, mất đi tình yêu mà anh đã dành cho em..."

Vượt qua nỗi buồn, nỗi đau, sinh viên Nguyễn Thị Hải Lý hoàn thành xuất sắc chương trình đại học, trở về quê hương công tác, nguyện một lòng thủy chung, giữ tấm lòng son. Chị hứa với lòng mình làm tròn trách nhiệm của một người con dâu với gia đình của người chồng chưa cưới, liệt sỹ Vũ Ngọc Tiến.

Mối tình đẹp, tấm lòng trung trinh, nghĩa tình ấy của Nguyễn Thị Ngọc Lý lại khiến một kỹ sư nông nghiệp, một người lính từ chiến trường trở về cảm thông, rung động. Anh khát khao được xoa dịu nỗi đau của Lý, sự đồng cảm và tình yêu vô điều kiện của kỹ sư Bùi Văn Chương đã thuyết phục được người con gái đồng ý xây dựng một mái ấm gia đình mới. Nhưng đến nay, đã bên nhau mấy chục năm, ông Bùi Văn Chương, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng lại cảm thấy vô cùng dằn vặt vì tình yêu mà ông dành cho người con gái ông yêu cũng không làm cho người con gái ấy có được hạnh phúc trọn vẹn. 

Ông Bùi Văn Chương:Tôi yêu cô Lý là người đầu tiên trong đời. Tôi biết hết chuyện của cô ấy rồi, nhưng tôi vẫn yêu vì người yêu cô ấy là bộ đội, tôi cũng là bộ đội, thì rất thông cảm thôi. Nhưng người yêu cô ấy không còn, tôi yêu cô ấy, tôi muốn bớt đi cái đau khổ của cô ấy. Cô ấy vẫn tiếp tục thực hiện những tâm nguyện của người yêu là tiếp tục chăm sóc gia đình bố mẹ  liệt sỹ. 



Tình yêu, sự hy sinh cao cả, vô điều kiện của những người lính sau chiến tranh như ông Bùi Văn Chương dành cho người mình yêu lẽ ra phải mang lại hạnh phúc vô bờ cho người phụ nữ, nhưng sự tàn khốc của chiến tranh, tội ác của chiến tranh vẫn đeo bám, khiến ông và người phụ nữ ông yêu đã không thể có hạnh được hạnh phúc trọn vẹn. Các con của ông bà đều bị nhiễm chất độc da cam, có cháu ra đi ngay từ khi chưa được cất tiếng khóc chào đời, có cháu ngoài 30 tuổi mà vẫn ngày ngày bỏ nhà đi lang thang như một đứa trẻ. Đã gần đất xa trời, ông bà thèm một đứa cháu để bế bồng mà đó vẫn chỉ là điều ước thắt tâm can. 

( Còn nữa)

Phạm Hương

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...